Xử lý hành vi kết hôn giả để xuất cảnh, nhập cảnh theo pháp luật Việt Nam? Xử lý hành vi kết hôn giả theo pháp luật Mỹ (Hoa Kỳ)? Kết hôn giả để nhập tịch - Nên hay không nên?
Kết hôn giả tạo là việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình. Vậy kết hôn giả sẽ bị xử lý như thế nào theo pháp luật Việt Nam? Hành vi kết hôn giả để nhập cảnh, nhập quốc tịch Mỹ sẽ bị pháp luật của Hoa Kỳ xử lý như thế nào?
Căn cứ pháp lý:
Luật Hôn nhân gia đình năm 2014;- Nghị định 82/NĐCP năm 2020 của Chính phủ
- Nghị định 112/NĐCP năm 2020 của chính phủ
1. Xử lý hành vi kết hôn giả để xuất cảnh, nhập cảnh theo pháp luật Việt Nam
Theo luật Hôn nhân gia đình Việt Nam: Kết hôn là việc hai bên nam, nữ xác lập quan hệ vợ chồng nhằm mục đích phát triển tình cảm, xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc.
Kết hôn giả tạo là việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình.
Trong trường hợp kết hôn để nhằm mục đích xin visa đi Mỹ và định cư Mỹ theo diện kết hôn thì cuộc hôn nhân này sẽ thuộc trường hợp kết hôn giả tạo và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Thứ nhất, việc kết hôn giả sẽ bị hủy bởi Tòa án khi có yêu cầu của chủ thể có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật.
Điều 10
1. Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 của Luật này.
2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật này:
a) Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.
3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật thì có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.
Như vậy, ngoài vợ, chồng, cha mẹ, người giám hộ của người kết hôn trái pháp luật có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật. Những cá nhân khác không có quyền yêu cầu trực tiếp tòa án nhưng khi phát hiện hành vi vi phạm vẫn có thể đề nghị các tổ chức như Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ yêu cầu tòa án giải quyết.
Thứ hai, ngoài việc hủy kết hôn giả còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
Theo điểm d khoản 2 Điều 59 Nghị định 82 năm 2020 của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình.
Thứ ba, nếu người vi phạm là công chức, viên chức thì theo Nghị định 112 năm 2020 của chính phủ quy định: Công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình (trong đó có việc kết hôn giả tạo) thì sẽ phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau đây:
– Đối với công chức: Tùy theo mức độ mà bị khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức.
– Đối với viên chức: Cũng tùy theo mức độ mà bị khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc.
Xử lý kỷ luật đảng: Đảng viên vi phạm quy định về cấm kết hôn thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ theo điểm a khoản 3 Điều 24 Quyết định số 102/QĐ năm 2017.
2. Xử lý hành vi kết hôn giả theo pháp luật Mỹ (Hoa Kỳ)
Tại website của Đại sứ quán và tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam thông báo:
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xử lý rất nghiêm những cáo buộc về hành vi giả mạo hoặc sai phạm trong quy trình xử lý thị thực. Các thông tin Quý vị cung cấp cho chúng tôi sẽ được bảo mật và sẽ chỉ được viên chức Lãnh sự và các nhân viên của Chính phủ Hoa Kỳ đang làm việc về trường hợp xin thị thực cụ thể đó biết. Chúng tôi cần Quý vị báo cáo một cách trung thực và ngắn gọn nhưng đầy đủ thông tin hết mức có thể. Nếu Quý vị có thông tin cụ thể về một trường hợp giả mạo hoặc sai phạm, xin vui lòng gửi email cho chúng tôi .
Trang web của Cơ quan Thực thi di trú và hải quan Hoa Kỳ (ICE) trong phần thông tin về kết hôn giả khẳng định: “Kết hôn giả là một tội nghiêm trọng làm suy yếu an ninh quốc gia và khiến chúng ta mất an toàn hơn “.
Kết hôn “giả” là tội phạm liên bang: Điều này có nghĩa cá nhân lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập quốc tịch Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Luật liên bang Mỹ có quy định rõ về việc tước quốc tịch: “Bất cứ người nào có được quốc tịch Mỹ bằng cách gian dối, bất hợp pháp đều bị tước quốc tịch”.
Thêm nữa, dù cố ý hay không cố ý trong việc kết hôn giả, dù đã có quốc tịch bao nhiêu năm, song nếu bị phát hiện đã dùng thủ đoạn gian dối để có, một người vẫn sẽ bị tước quốc tịch Mỹ.
Liên quan tội kết hôn giả, tùy theo mức độ liên đới và ở từng trường hợp cụ thể, mức án phạt sẽ khác nhau.
Đối với công dân Mỹ: Kết hôn giả sẽ phải chịu mức án có thể lên đến 10 năm tù và số tiền phạt lên đến 250.000USD.
Đối với công dân nước ngoài: Kết hôn giả sẽ bị phạt lên đến 250.000USD, bị trục xuất lập tức ra khỏi nước Mỹ và bị cấm nhập cảnh vào Mỹ vĩnh viễn. Hồ sơ lý lịch nhân thân trong gia đình có thể vì vậy mà cũng sẽ bị ảnh hưởng như bị kiểm tra gắt gao hơn cho những nhu cầu nhập cảnh vào nước Mỹ sau này.
Ngoài ra, những người thực hiện hành vi phạm tội này còn có thể bị cáo buộc thêm những tội như gian lận về visa định cư Mỹ, bao che người nhập cư bất hợp pháp, đưa ra những lời khai sai sự thật, vân vân những án phạt sẽ tăng thêm nếu những cáo buộc này được đưa ra và được bồi thẩm đoàn xác nhận luận tội.
Bên cạnh đó, nếu người kết hôn giả nhằm mục đích và đã thực hiện các hành vi có liên quan đến việc rửa tiền, trốn thuế, cơ quan nhà nước tiến hành điều tra, xác minh và có đầy đủ căn cứ để khởi tố thì còn có thể tiếp tục bị xử lý hình sự về loại tội phạm này.
3. Kết hôn giả để nhập tịch – Nên hay không nên?
Trên thực tế, việc kết hôn giả để nhập tịch (đặc biệt là đối với 01 số quốc gia có điều kiện nhập tịch khắt khe) là rất phổ biến. Trong số hàng trăm ngàn người nhận visa nhập cư vào Mỹ được phê chuẩn trên cơ sở hôn nhân mỗi năm, khoảng 30% thuộc diện hôn nhân giả (theo dữ liệu của Cơ quan Thực thi di trú và hải quan Mỹ). Thông thường thì đây là thỏa thuận giữa hai cá nhân. Và người thuê dịch vụ sẽ phải trả một số tiền khá lớn để làm việc này.
Như đã phân tích ở trên, hành vi kết hôn giả để nhập tịch, xuất nhập cảnh dù ở Việt Nam, Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào đều là bất hợp pháp. Và người thực hiện hành vi đều sẽ phải đối diện với nguy cơ “tiền mất tật mang”.
Chưa kể đến các phức tạp, khó khăn có thể gặp phải khi thực hiện thủ tục ly hôn. Trên thực tế, nhiều trường hợp bị đối phương làm khó, yêu cầu trả thêm tiền, thậm chí là còn đòi quan hệ tình dục…khi đã đã được nhập quốc tịch và muốn ly hôn.
Tháng 5-2019, cộng đồng người Việt ở Mỹ rúng động khi cảnh sát thông báo triệt phá đường dây kết hôn giả do một phụ nữ Việt cầm đầu với gần 100 người bị bắt tại thành phố Houston, tiểu bang Texas. Sau đó thì hàng loạt người bị tước quốc tịch, trục xuất vĩnh viễn khi giấc mơ Mỹ còn dang dở.
Có nhiều trường hợp sau khi bị tước quốc tịch, hủy kết hôn, trục xuất vĩnh viễn đã tâm sự mình có một khoảng thời gian thấp thỏm, lo lâu, sợ hãi và có cuộc sống đầy cay đắng nơi xứ người. Cũng có nhiều người khuyên: “Đừng nhập tịch bằng mọi giá” – Vì cái giá của nó đôi khi là quá đắt với cuộc đời một con người.
Các số liệu trên để thấy, các rủi ro có thể gặp phải khi kết hôn giả, sau khi kết hôn giả lớn như thế nào. Vì vậy, thay vì lựa chọn con đường tắt – vi phạm pháp luật thì người có nhu cầu nhập cảnh, nhập tịch nên tìm hiểu các quy định về điều kiện nhập cảnh, nhập tịch hợp pháp. Có thể việc đó sẽ mất nhiều thời gian, chi phí hơn nhưng đổi lại bạn sẽ không phải đối diện với các rủi ro pháp lý và các rủi ro khác.