Đảm bảo việc vận chuyển công cụ hỗ trợ? Thủ tục cấp giấy phép vận chuyển công cụ hỗ trợ?
Vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ là những đối tượng thuộc sự quản lý chặt chẽ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do vậy, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, sửa đổi bổ sung năm 2019 đã quy định chi tiết về thủ tục cấp giấy phép vận chuyển công cụ hỗ trợ. Việc quy định về cấp giấy phép vận chuyển công cụ hỗ trợ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc quản lý công cụ hỗ trợ.
Luật sư
* Cơ sở pháp lý:
– Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, sửa đổi bổ sung năm 2019;
– Thông tư số 16/2018/TT/BCA ngày 15 tháng 5 năm 2018 do Bộ Công an ban hành quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;
– Thông tư số 18/2018/TT/BCA ngày 15 tháng 5 năm 2018 do Bộ Công an ban hành quy định về biểu mẫu và trình tự cấp, cấp đổi, cấp lại giấy phép, giấy xác nhận về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, thông báo xác nhận khai báo vũ khí thô sơ.
Mục lục bài viết
1. Đảm bảo việc vận chuyển công cụ hỗ trợ:
Tại Khoản 1 Điều 59 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, sửa đổi bổ sung năm 2019 quy định về việc đảm bảo việc vận chuyển công cụ hỗ trợ:
– Thứ nhất, phải có mệnh lệnh vận chuyển công cụ hỗ trợ hoặc Giấy phép vận chuyển công cụ hỗ trợ của cơ quan có thẩm quyền. Tương tự như việc bảo quản công cụ hỗ trợ, việc vận chuyển công cụ hỗ trợ cũng phải do chủ thể có thẩm quyền quyết định. Nếu pháp luật không quy định về chủ thể quyết định về việc vận chuyển công cụ hỗ trợ thì việc vận chuyển công cụ hỗ trợ sẽ diễn ra tràn lan, không thể quản lý được.
– Thứ hai, việc vận chuyển công cụ hỗ trợ bảo đảm bí mật, an toàn. Việc bảo đảm bí mật, an toàn nhằm mục đích bảo đảm cho việc vận chuyển được xuyên suốt. Việc bảo đảm bí mật giúp cho việc phòng tránh các tệ nạn như cướp giật vũ khí, gây ra các tai tệ nạn,… Việc đảm bảo bí mật, an toàn giúp vận chuyển công cụ hỗ trợ đến nơi, đầy đủ số lượng, giảm thiệt hại hỏng hóc.
– Thứ ba, vận chuyển với số lượng lớn hoặc công cụ hỗ trợ dễ cháy, nổ, nguy hiểm phải có phương tiện chuyên dùng và bảo đảm các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy. Vận chuyển số lượng lớn đảm bảo các điều kiện để đảm bảo an toàn cho việc vận chuyển, không xảy ra cháy, nổ, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Việc đảm bảo các điều kiện phòng cháy, chữa cháy có thể được thực hiện bằng cách dùng các xe chuyên dùng, chuẩn bị các phương tiện chữa cháy như bình cứu hỏa,…
– Thứ tư, không được chở công cụ hỗ trợ và người trên cùng một phương tiện, trừ người có trách nhiệm trong việc vận chuyển. Việc đảm bảo theo quy định này để đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người trên xe trong suốt quá trình vận chuyển. Phòng trường hợp có các sự cố cháy, nổ xảy ra thì thiệt hại về người được giảm xuống thấp nhất. Người có trách nhiệm vận chuyển có thể kể đến như lái xe, phụ xe,… thì đây là những cá nhân không thể không có trong quá trình vận chuyển.
– Thứ năm không dừng, đỗ phương tiện vận chuyển công cụ hỗ trợ ở nơi đông người, khu vực dân cư, nơi có công trình quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa, ngoại giao. Trường hợp cần nghỉ qua đêm hoặc do sự cố, khi không đủ lực lượng bảo vệ phải thông báo ngay cho cơ quan quân sự, cơ quan Công an nơi gần nhất để phối hợp bảo vệ (Điểm c, Khoản 1). Việc quy định không dừng đỗ nhằm đảm an toàn của nơi đông người, khu vực dân cư. Đồng thời tại nơi đông người, khu vực dân cư, khu kinh tế, văn hóa là những khu đông người việc dừng đỗ dễ có khả năng xảy ra tệ nạn như trộm cắp, cướp giật, phá hoại tài sản,… Hay những khu ngoại giao là những khu vực “nhạy cảm”, việc dừng đỗ tại các khu vực này dễ gây ra những hiểu nhầm không đáng có trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Chỉ khi thực sự cần thiết thì mới dừng đỗ ở các khu vực đó.
2. Thủ tục cấp giấy phép vận chuyển công cụ hỗ trợ:
Khoản 2 Điều 59 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, sửa đổi bổ sung năm 2019 đề cập đến thủ tục cấp Giấy phép vận chuyển công cụ hỗ trợ đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng. Theo đó, thủ tục này được thực hiện như sau:
Bước đầu tiên đó chính là việc chuẩn bị hồ sơ, thì chủ thể tiến hành vận chuyển công cụ hỗ trợ sẽ chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp giấy phép. Các giấy tờ trong hồ sơ được quy định tại điểm a, Khoản 2 này, bao gồm các giấy tờ sau: văn bản đề nghị nêu rõ lý do, số lượng, chủng loại, nơi đi, nơi đến, thời gian và tuyến đường vận chuyển; họ và tên, địa chỉ của người chịu trách nhiệm vận chuyển, người điều khiển phương tiện; biển kiểm soát của phương tiện;
Việc quy định một bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép phải đầy đủ những thông tin như vậy để cơ quan có thẩm quyền có thể đánh giá toàn diện về việc vận chuyển, xem xét đến mục đích vận chuyển, tuyến đường vận chuyển có đảm bảo an toàn không; chủ thể vận chuyển có đủ năng lực không; phương tiện vận chuyển có đạt đủ điều kiện để vận chuyển không, đặc biệt là đối với việc vận chuyển công cụ hỗ trợ có số lượng lớn, dễ cháy, nổ.
Sau khi chuẩn bị hồ sơ, thì chủ thể có thẩm quyền sẽ nộp hồ sơ lên
Sau khi nhận được hồ sơ, thì các cơ quan nhận hồ sơ sẽ tiến hành kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Nếu hồ sơ không hợp lệ thì cơ quan trả lại hồ sơ cho người nộp; trường hợp hồ sơ đủ điều kiện luật định nhưng chưa kê khai, hoặc kê khai không hợp lệ thì đề nghị sửa đổi, bổ sung; còn nếu hồ sơ đã hợp lệ thì tiến hành ghi giấy biên nhận hồ sơ và ghi vào sổ nhận hồ sơ.
Sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ, thì người trực tiếp nhận hồ sơ sẽ tiến hành báo cáo và chuyển hồ sơ lên chủ thể có thẩm quyền theo quy định, mà cụ thể đó chính là lãnh đạo phòng của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, hoặc chỉ huy cấp đội đối với trường hợp nộp hồ sơ tại Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh. Sau khi nhận được hồ sơ, thì các chủ này tiến hành phân công hồ sơ đến các cán bộ có nhiệm vụ trong đơn vị. Các cán bộ được phân công phải nghiên cứu, và kiểm tra hồ sơ. Nội dung kiểm tra bao gồm các nội dung được quy định tại điểm đ, Khoản 9 Thông tư số 18/2018/TT-BCA: “Kiểm tra điều kiện được vận chuyển, số lượng, chủng loại, nguồn gốc, xuất xứ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cần vận chuyển; điều kiện của phương tiện vận chuyển, người áp tải và người điều khiển phương tiện;”.
Sau khi tiến hành kiểm tra, các cán bộ kiểm tra phải tổng kết kết quả và báo cáo lại cho lãnh đạo phân công về kết quả kiểm tra. Nếu đủ điều kiện cấp giấy thì Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội hoặc Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an cấp tỉnh duyệt, ký cấp Giấy phép vận chuyển công cụ hỗ trợ.
Thời hạn để thực hiện tất cả các hoạt động trên là trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển công cụ hỗ trợ. Sau khi tiến hành cấp Giấy phép, thì cơ quan cấp sẽ thông báo đến chủ thể đề nghị, tiến hành trả giấy phép và thu lệ phí cấp Giấy phép vận chuyển công cụ hỗ trợ.
Trong các trường hợp không đủ điều kiện cấp Giấy phép vận chuyển công cụ hỗ trợ thì phải giải thích bằng văn bản về lý do không cấp giấy phép cho chủ thể đề nghị biết đồng thời trả lại hồ sơ đã tiếp nhận.
Theo quy định của luật, thì Giấy phép vận chuyển công cụ hỗ trợ có thời hạn 30 ngày và giấy phép này chỉ có giá trị cho một lượt vận chuyển. Sau khi tiến hành vận chuyển công cụ hỗ trợ xong, thì chủ thể được cấp giấy phép tiến hành nộp lại Giấy phép trong thời hạn 07 ngày cho cơ quan đã cấp giấy phép. Quy định như vậy nhằm kiểm soát việc vận chuyển chỉ được thực hiện theo nội dung đã được cấp phép.