Quy định về việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng bảo hiểm? Quy định về việc hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm?
Trong cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Chúng ta không một ai có thể biết trước được tương lai và rất nhiều rủi ro có thể xảy đến mà không thể tránh được như là ốm đau bệnh tật, tai nạn, thất nghiệp. Do vậy nên bảo hiểm là vô cùng cần thiết và còn là trụ cột tài chính quan trọng để giúp các chủ thể chủ động vượt qua và dễ dàng đứng lên để đi tiếp con đường đã chọn. Pháp luật nước ta đã ban hành một số quy định cụ thể về vấn đề này. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu muốn hủy, sửa đổi, bổ sung hợp đồng bảo hiểm phải làm gì?
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
1. Quy định về việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng bảo hiểm:
1.1. Khái niệm về sửa đổi, bổ sung hợp đồng bảo hiểm đã ký kết:
Sửa đổi, bổ sung hợp đồng bảo hiểm được hiểu là dạng thỏa thuận giữa các bên giao kết hợp đồng bảo hiểm xác lập việc thay đổi nội dung của hợp đồng bảo hiểm đã được các bên ký kết trước đó. Việc sửa đổi hợp đồng bảo hiểm có thể thực hiện nhiều lần, vào nhiều thời điểm, có thể sửa đổi một hoặc nhiều nội dung đã được thỏa thuận trong hợp đồng đó nhưng việc sửa đổi, bổ sung sẽ cần phải tuân thủ quy định về hình thức thỏa thuận và nội dung thỏa thuận mới phát sinh hiệu lực áp dụng cho các bên khi thực hiện hợp đồng bảo hiểm.
Việc thỏa thuận sửa đổi, bổ sung hợp đồng bảo hiểm sẽ cần phải công chứng, chứng thực khi hợp đồng bảo hiểm chính được các bên công chứng, chứng thực hoặc thuộc trường hợp bắt buộc phải công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật hiện hành.
1.2. Quy định về sửa đổi, bổ sung hợp đồng tại Bộ luật dân sự 2015 :
Theo Điều 241
“1. Các bên có thể thỏa thuận sửa đổi hợp đồng.
2. Hợp đồng có thể được sửa đổi theo quy định tại Điều 420 của Bộ luật này.
3. Hợp đồng sủa đổi phải tuân theo hình thức của hợp đồng ban đầu.”
Ta nhận thấy, từ quy định được nêu trên thì sửa đổi hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên về việc thay đổi một hoặc một sô điều khoản của hợp đồng đã có hiệu lực. Việc sửa đổi hợp đồng có một sô đặc điểm cơ bản như sau:
+ Sửa đổi hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên. Các bên có thể thỏa thuận về việc sửa đổi hợp đồng khi giao kết hợp đồng hoặc khi hợp đồng đã có hiệu lực.
+ Việc sửa đổi hợp đồng sẽ chỉ được tiến hành khi hợp đồng đó đã có hiệu lực trên thực tế. Bởi trong trường hợp hợp đồng đó chưa có hiệu lực thì không coi là sửa đổi hợp đồng mà đó chỉ là quá trình các bên thay đổi các nội dung thỏa thuận trong quá trình giao kết hợp đồng.
+ Việc sửa đổi hợp đồng sẽ chỉ làm thay đổi một hoặc một sộ điều khoản của hợp đồng đã có hiệu lực.
+ Khi hợp đồng được sửa đổi thì phần bị sửa đổi của hợp đồng đó sẽ không còn giá trị, phần được sửa đổi sẽ có giá trị kể từ thời điểm việc sửa đổi có giá trị pháp lý.
Tuy sửa đổi hợp đồng là một trong các quyền cơ bản của các bên trong hợp đồng được pháp luật ghi nhận, nhưng quyền này bị giới hạn bởi quy định của pháp luật trong một số trường hợp nhất định. Hiểu một cách đơn giản đó là trong một số trường hợp, các bên không được sửa đổi hợp đồng.
Trong một số trường hợp nhất định, việc sửa đổi hợp đồng sẽ không dựa trên sự thỏa thuận của các bên mà do pháp luật quy định. Tuy nhiên, việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp này chỉ được thực hiện khi có những điều kiện nhất định do pháp luật quy định.
Việc sửa đổi hợp đồng sẽ phải được thực hiện theo hình thức của hợp đồng. Quy định này chỉ áp dụng đối với các hợp đồng mà pháp luật quy định bắt buộc phải được giao kết bằng văn bản, được công chứng, chứng thực, đăng ký hoặc cho phép. Còn đối với các trường hợp cụ thể mà pháp luật không có quy định bắt buộc về hình thức của hợp đồng thì việc sửa đổi hợp đồng đó sẽ không bắt buộc phải tuân theo hình thức của hợp đồng.
Việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng chính đã ký phát sinh hiệu lực áp dụng cho các bên thực hiện hợp đồng được pháp luật quy định cụ thể như sau:
– Đối với hợp đồng khi đã có công chứng, chứng thực thì thời điểm phát sinh hiệu lực là thời điểm công chứng, chứng thực đối với hợp đồng đó hoặc thời điểm ghi nhận trong thỏa thuận sửa đổi, bổ sung hợp đồng.
– Còn đối với hợp đồng không công chứng thì thì thời điểm phát sinh hiệu lực là thời điểm ký kết hoặc thời điểm ghi nhận trong thỏa thuận sửa đổi, bổ sung hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật.
Tranh chấp hợp đồng liên quan đến sửa đổi, bổ sung hợp đồng:
– Dạng tranh chấp phổ biến liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng thường hay xảy ra trên thực tế đó là bên bị bất lợi khi triển khai hợp đồng cố tình không thực hiện các nghĩa vụ theo thỏa thuận mà các bên đã ký kết trong hợp đồng. Do đó phát sinh việc tranh chấp, yêu cầu bồi thường thiệt hại.
– Một dạng tranh chấp thứ hai liên quan đến sửa đổi, bổ sung hợp đồng đó là thỏa thuận sửa đổi, bổ sung hợp đồng được giao kết vô hiệu không phát sinh nghĩa vụ cho các bên, từ đó bên có quyền lợi bị ảnh hưởng khởi kiện để bảo vệ quyền lợi cho mình.
1.3. Quy định về sửa đổi, bổ sung hợp đồng bảo hiểm:
Theo Điều 25
“1. Bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thoả thuận sửa đổi, bổ sung phí bảo hiểm, điều kiện, điều khoản bảo hiểm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Mọi sửa đổi, bổ sung hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản.”
Như vậy, ta nhận thấy, theo quy định của pháp luật thì đối với các bên tham gia giao kết hợp đồng, cụ thể ở đây đó là bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có thể cùng nhau thỏa thuận sửa đổi, bổ sung phí bảo hiểm, điều kiện, điều khoản bảo hiểm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Tuy nhiên việc sửa đổi, bổ sung phí bảo hiểm, điều kiện, điều khoản bảo hiểm sẽ cần tuân thủ các quy định của pháp luật về hình thức và nội dung cũng như trình tự cụ thể.
Cần lưu ý những sửa đổi, bổ sung đối với hợp đồng bảo hiểm sẽ cần phải được lập thành văn bản theo đúng quy định của pháp luật.
2. Quy định về việc hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm:
2.1. Quyền hủy bỏ hợp đồng trong Bộ luật dân sự năm 2015:
Theo Bộ luật dân sự 2015 quy định một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp cụ thể như sau đây:
– Một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận.
– Một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng.
Vi phạm nghiêm trọng được hiểu là việc không thực hiện đúng nghĩa vụ của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng.
– Một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp khác do luật quy định.
Cần lưu y bên hủy bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc hủy bỏ, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
2.2. Hậu quả của việc hủy bỏ hợp đồng:
Trong trường hợp khi hợp đồng bị hủy bỏ thì hợp đồng đó sẽ không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên tham gia hợp đồng sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp.
Các bên sẽ cần phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ chi phí hợp lý trong thực hiện hợp đồng và chi phí bảo quản, phát triển tài sản.
– Việc hoàn trả sẽ được thực hiện bằng hiện vật. Đối với trường hợp các bên không hoàn trả được bằng hiện vật thì được trị giá thành tiền để hoàn trả.
– Trong trường hợp các bên cùng có nghĩa vụ hoàn trả thì việc hoàn trả phải được thực hiện cùng một thời điểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Bên bị thiệt hại do hành vi vi phạm nghĩa vụ của bên kia theo quy định của pháp luật sẽ được bồi thường.
Việc giải quyết hậu quả của việc hủy bỏ hợp đồng liên quan đến quyền nhân thân do pháp luật quy định cụ thể.
Đối với trường hợp việc hủy bỏ hợp đồng không có căn cứ cụ thể quy định thì bên hủy bỏ hợp đồng sẽ được xác định là bên vi phạm nghĩa vụ và phải thực hiện trách nhiệm dân sự do không thực hiện đúng nghĩa vụ theo quy định.
2.3. Hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm:
Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 và được sửa đổi qua các năm chưa đưa ra bất cứ một quy định cụ thể nào về việc hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, tại Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng đã nhắc đến vấn đề này.
Theo Khoản 2 Điều 19 Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định các trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm và trong các trường hợp cụ thể này thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không có nghĩa vụ cần phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm và không cần phải hoàn lại phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 427 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định thì khi hợp đồng bị hủy bỏ thì hợp đồng đó sẽ không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận (trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp). Các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ chi phí hợp lý trong thực hiện hợp đồng và chi phí bảo quản, phát triển tài sản.
Như vậy, ta nhận thấy, việc Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định doanh nghiệp sẽ không hoàn lại phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm khi hủy bỏ hợp đồng là vẫn chưa phù hợp, thống nhất với quy định về hủy bỏ hợp đồng quy định tại Bộ luật dân sự 2015. Chính bởi vì vậy mà Ban soạn thảo sẽ cần điều chỉnh lại quy định này để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.