Ban của Hội đồng nhân dân là gì? Nhiệm vụ, quyền hạn của các Ban của Hội đồng nhân dân?
Hội động nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương có vị trí, vai trò cực kỳ quan trọng trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Hội đồng nhân dân có hai chức năng chính là chức năng quyết định và chức năng giám sát. Để chuyên môn hóa và hỗ trợ hiệu quả hoạt động trong quá trình thực hiện chức năng, pháp luật quy định về việc tổ chức Hội đồng nhân dân tồn tại thêm các Ban của Hội đồng nhân dân. Vậy Ban của Hội đồng nhân dân là gì? Có nhiệm vụ, quyền hạn như thế nào? Hãy cùng Luật Dương Gia tìm kiếm câu trả lời ngay trong bài viết dưới đây.
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
Văn bản hợp nhất Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019.
Mục lục bài viết
1. Ban của Hội đồng nhân dân là gì?
Hội đồng nhân dân là chế định tồn tại ở các nước theo mô hình nhà nước xã hội chủ nghĩa và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 giải thích rằng: “Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.” (Khoản 1, Điều 113). Hội đồng nhân dân được thành lập theo cấp của chính quyền địa phương, có sự phân biệt tổ chức chính quyền địa phương ở nông thôn và đô thị.
Ban của Hội đồng nhân dân là một phần thuộc cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân, được giải thích tại Khoản 4, Điều 6 Luật Tổ chức chính quyền nhân dân là “cơ quan của Hội đồng nhân dân, có nhiệm vụ thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án trước khi trình Hội đồng nhân dân, giám sát, kiến nghị về những vấn đề thuộc lĩnh vực Ban phụ trách; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân.“. Như vậy, ngay trong chính định nghĩa đã phản ánh nhiệm vụ trọng tâm nhất của các Ban của Hội đồng nhân dân. Nhiệm kỳ của các Ban của Hội đồng nhân dân theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân cùng cấp.
Hội đồng nhân dân các cấp sẽ có các ban nhất định và số lượng ủy viên do Hội đồng cấp đó quyết định, cụ thể:
– Hội đồng nhân dân tỉnh thành lập Ban Pháp chế, Ban Kinh tế – ngân sách, Ban Văn hóa – xã hội; nơi nào có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số thì thành lập Ban Dân tộc. (Khoản 3, Điều 18, Luật).
– Hội đồng nhân dân huyện thành lập Ban Pháp chế, Ban Kinh tế – xã hội; nơi nào có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số thì thành lập Ban Dân tộc. (Khoản 3, Điều 25 Luật).
– Hội đồng nhân dân xã thành lập Ban pháp chế, Ban kinh tế – xã hội. (Khoản 3, Điều 32, Luật).
Các ban hoạt động chuyên trách theo từng lĩnh vực cụ thể được quy định tại Điều 108 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đều này nhằm chuyên môn hóa, thực hiện chức năng giám sát triệt để, hiệu quả về mọi mặt mà không có sự chồng chéo, góp phần hoàn thiện cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân nói chung và cũng là cách để quản lý nhà nước tối ưu nhất.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của các Ban của Hội đồng nhân dân?
Vì được xác định là cơ quan thuộc Hội đồng nhân dân, do đó, việc pháp luật quy định về nhiệm vụ, quyền hạn cho các Ban của Hội đồng nhân dân là cách để cơ quan này chủ động trong hoạt động chức năng. Theo đó, tại Điều 109 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định về 06 nhiệm vụ, quyền hạn của các ban của Hội đồng nhân dân như sau:
Thứ nhất, tham gia chuẩn bị nội dung kỳ họp của Hội đồng nhân dân liên quan đến lĩnh vực phụ trách.
Hoạt động của Hội đồng nhân dân chủ yếu thông qua hình thức là kỳ họp, có thể nói kỳ họp Hội đồng nhân dân là nội dung trọng tâm khi nghiên cứu về hoạt động của Hội đồng nhân dân, mọi vấn đề quan trọng của địa phương đều được phản ánh trong kỳ họp, là nơi và thời gian để quyết định những vấn đề trọng tâm của địa phương. Với tư cách là cơ quan có nhiệm vụ thẩm tra, giám sát, kiến nghị, các ban phải tham gia chuẩn bị nội dung kỳ họp nhằm xác định chính xác các vấn đề vướng mắc, những khó khăn, nắm bắt rõ nguyên vọng của người dân trong từng lĩnh vực phụ trách, từ đó, giúp các đại biểu hội đồng nhân dân hiểu rõ các nội dung cần thiết, tránh tản mạn và không có trọng tâm.
Việc tham gia chuẩn bị nội dung kỳ họp vừa là nhiệm vụ vừa là quyền hạn mà không phải bất cứ cơ quan nào cũng được thực hiện, thể hiện vai trò quan trọng của các ban trong sự tồn tại gắn kết và là cách tay đắc lực của Hội đồng nhân dân.
Thứ hai, thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án liên quan đến lĩnh vực phụ trách do Hội đồng nhân dân hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân phân công.
Các dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án liên quan này thường do Ủy ban nhân dân cùng cấp trình và các Ban có trách nhiệm thẩm tra trước khi trình Hội đồng nhân dân quyết định. Vai trò này có ý nghĩa trong việc đảm bảo các nội dung trong dự thảo là chính xác, đảm bảo được các yếu tố về kỹ thuật lập pháp và nội dung không trái với hiến pháp và pháp luật
Hoạt động này nếu thực hiện tốt sẽ hỗ trợ rất nhiều cho công tác giám sát của Hội động nhân dân các cấp tại kỳ họp. Bởi vì qua các báo cáo thẩm tra của các Ban sẽ cho đại biểu Hội đồng nhân dân nắm được rõ ràng, cụ thể các vấn đề nóng bỏng của địa phương, được cử tri quan tâm, qua đó giúp cho hoạt động chất vấn được thực hiện có chất lượng hơn.
Thứ ba, giúp Hội đồng nhân dân giám sát hoạt động của
Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân là các cơ quan tư pháp, hoạt động của các cơ quan này có khả năng ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân; các cơ quan này còn có ý nghĩa trong việc đảm bảo trật tự pháp luật, trật tự, kỹ cương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vì vậy, hoạt động của Tòa án và Viện kiểm sát phải được giám sát chặt chẽ, để kịp thời có những phương án, điều chỉnh, cải cách nền tư pháp nước nhà.
Hoạt động của Ủy ban nhân dân là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân vì vậy, việc giám sát là điều chắc chắn, các ban của Hội đồng nhân dân tùy thuộc vào lĩnh vực phụ trách để có sự giám sát chặt chẽ, tránh chồng lấn hay bỏ sót trong hoạt động giám sát.
Đối với hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật, đây là nội dung quan trọng, tương ứng với nhiệm vụ trọng tâm của các Ban của Hội đồng nhân dân.
Thứ tư, tổ chức khảo sát tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về lĩnh vực phụ trách do Hội đồng nhân dân hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân phân công.
Hoạt động tổ chức khảo sát có thể được thực hiện bằng các hình thức khác nhau, các Ban có thể tự do lựa chọn sao cho phù hợp và đạt hiệu quả tối ưu. Việc thực hiện tổ chức khảo sát tình hình thực hiện các quy định là cách để cơ quan có thẩm quyền đánh giá được tính áp dụng của quy định, từ đó đưa ra các phương án khắc phục, cũng là cách để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, hay cũng là cách để đánh giá tính tuân thủ pháp luật của cộng đồng dân cư đối với từng lĩnh vực cụ thể.
Hoạt động tổ chức khảo sát vừa là nhiệm vụ vừa là quyền hạn được pháp luật ghi nhân và có tác động hiệu quả trong việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật áp dụng bắt buộc đối với mọi chủ thể tại địa phương.
Thứ năm, báo cáo kết quả hoạt động giám sát với Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân.
Hoạt động báo cáo này thường diễn ra vào kỳ họp Hội đồng nhân dân, đây cũng là thời điểm để đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá được tình hình công tác của các ban, đánh giá nội dung báo cáo, đưa ra các phương án giải quyết những khó khăn được phản ánh trong báo cáo. Báo cáo là nhiệm vụ bắt buộc bởi các ban là cơ quan của hội đồng nhân dân, chịu sự quản lý trực tiếp của hội đồng nhân dân như cấp trên và cấp dưới.
Thứ sáu, ban của Hội đồng nhân dân chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân; trong thời gian Hội đồng nhân dân không họp thì báo cáo công tác trước Thường trực Hội đồng nhân dân.
Các ban của hội đồng nhân dân chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Thường trực Hội đồng nhân dân là cơ quan thường trực của Hội đồng nhân dân, cũng là cơ quan được pháp luật trao quyền trong việc tiếp nhận báo cáo công tác của Ban Hội đồng nhân dân, đảm bảo hoạt động báo cáo phải luôn diễn ra thường xuyên, đáp ứng hoạt động giám sát, kiểm tra của cấp trên và cấp dưới.