Cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân phường? Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân phường?
Hoạt động của Chính quyền địa phương đóng vai trò vô cùng quan trọng với sự đổi mới và phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân. Là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, Ủy ban nhân dân phường tiến hành hoạt động quản lý hành chính trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như: tài chính và ngân sách; nông – lâm- ngư nghiệp; thủy lợi và tiểu thủ công nghiệp; an ninh quốc phòng; trật tự an toàn xã hội; giao thông vận tải; đất đai; chứng thực; hộ tịch,… Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ cung cấp các thông tin về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ quyền hạn của Ủy ban nhân dân phường.
Tổng đài Luật sư
1. Cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân phường
Phường là một thuật ngữ xuất hiện từ lâu đời ở nước ta. Khái niệm “Phường” cũng đi liền với khái niệm “Đô thị”, chỉ nơi tập trung đông dân cư và là nơi trung tâm hành chính của bộ máy cai trị, nơi trung tâm kinh tế, chính trị của một quốc gia. Thông thường, ở đô thị, người ta dùng khái niệm “phường, tổ dân phố, khu phố, khu dân cư” để phân biệt khái niệm “xã, thôn, làng, ấp, bản”…chỉ nơi quần cư của cộng đồng dân cư ở nông thôn.
Theo Điều 110
Như vậy, phường là đơn vị hành chính cơ sở ở đô thị (thị xã, thành phố). Theo đặc điểm của loại thành phố, thị xã mà phường trực thuộc, có ba loại:
– Thứ nhất, là phường thuộc quận ở các thành phố trực thuộc Trung ương (phường ở các quận nội thành Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ)
– Thứ hai, là phường thuộc thành phố trực thuộc tỉnh (phường ở thành phố Tam Kỳ thuộc tỉnh Quảng Nam, ở thành phố Quảng Ngãi thuộc tỉnh Quảng Ngãi, …)
– Thứ ba, là phường thuộc các thị xã ở các tỉnh, thành phố (như phường thuộc thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội, phường thuộc thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương,…)
Chính quyền địa phương ở phường là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân phường và Ủy ban nhân dân phường. Ủy ban nhân dân là một cơ quan hành chính nhà nước của hệ thống hành chính Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là cơ quan thực thi pháp luật tại các cấp: tỉnh, huyện, xã. Theo từ điển luật học: “Ủy ban nhân dân là tên gọi của các cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương”. Điều 8 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2019 quy định: “1. Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương, Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.”
Ủy ban nhân dân phường là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương do Hội đồng nhân dân phường bầu ra, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân phường và cơ quan nhà nước cấp trên về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình.
Như vậy, Ủy ban nhân dân phường là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương có thẩm quyền chung, hoạt động với tư cách là Cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.
Tại Điều 62 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2019 quy định về cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân phường như sau:
“Ủy ban nhân dân phường gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách công an.
Ủy ban nhân dân phường loại I, loại II có không quá hai Phó Chủ tịch; phường loại III có một Phó Chủ tịch.”
Như vậy, Ủy ban nhân dân phường có cơ cấu bao gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch, Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách công an. Số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phụ thuộc phân loại phường. Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì cơ sở để phân loại Phường loại I, II, III dựa và các yếu tổ: Quy mô dân số; Diện tích tự nhiên; Số đơn vị hành chính trực thuộc; Trình độ phát triển kinh tế- xã hội và các yếu tố đặc thù.
Về mặt tổ chức, Ủy ban nhân dân phường do Hội đồng nhân dân phường bầu ra, hay nói cách khác việc hình thành nên các thành viên của Ủy ban nhân dân phường do Hội đồng nhân dân phường quyết định. Điều này được quy định tại Điều 114 Hiến pháp 2013 và Điều 8 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 “Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu”. Theo quy định này thì phương thức xác lập các chức danh trực thuộc Ủy ban nhân dân được hình thành thông qua con đường bầu cử. Như vậy, Hội đồng nhân dân phường sẽ bầu ra các chức danh của Ủy ban nhân dân phường bao gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên Ủy ban nhân dân phường.
Theo quy định của pháp luật hiện nay, trong số các thành viên của Ủy ban nhân dân phường có thành viên là đại biểu Hội đồng nhân dân phường, có thành viên không phải là đại biểu Hội đồng nhân dân phường, các thành viên này đáp ứng được các điều kiện do pháp luật quy định và được các đại biểu Hội đồng nhân dân phường tín nhiệm bầu họ giữ các chức danh chủ chốt trong cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.
Sự khác biệt nổi bật giữa Luật Tổ chức hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 là việc cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân phường theo Luật Tổ chức hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 gồm 05 thành viên: Một Chủ tịch, hai Phó chủ tịch, hai ủy viên, trong hai phó chủ tịch thì một phó chủ tịch phụ trách khối kinh tế- tài chính xây dựng cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, nhà đất và tài nguyên môi trường; còn phó chủ tịch còn lại phụ trách khối văn hóa xã hội và các lĩnh vực xã hội khác. Trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân phân loại theo loại hình của Phường, là phường cấp I, cấp II hay cấp 3. Việc quy định như vậy nhằm thể hiện mục tiêu tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy nhà nước.
Tại Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003, không phải người đứng đầu các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân nào cũng là ủy viên của Ủy ban nhân dân thì đến Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã mở rộng cơ cấu tổ chức Ủy ban nhân dân theo đó tất cả người đứng đầu của các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân đều là ủy viên của Ủy ban nhân dân. Sự thay đổi ở quy định này nhằm phát huy trí tuệ tập thể của các thành viên Ủy ban nhân dân, tăng cường hiệu lực giám sát của Hội đồng nhân dân đối với Ủy ban nhân dân cùng cấp thông qua cơ chế lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân phường
Ủy ban nhân dân phường là trụ cột của hệ thống chính trị ở phường vì nó vừa là đại diện cho quyền lực của nhân dân trên địa bàn, được Hội đồng nhân dân bầu ra, thực hiện ý chí chung của nhân dân trên địa bàn. Ủy ban nhân dân phường có nghĩa vụ chấp hành các nghị quyết của Hội đồng nhân dân phường, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân phường, chịu sự giám sát của Hội đồng nhân dân phường, chịu sự kiểm tra, đôn đốc của Thường trực Hội đồng nhân dân phường. Ủy ban nhân dân phường có trách nhiệm chấp hành pháp luật.
Tại Điều 63 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2019 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân phường như sau:
“Điều 63. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân phường
1. Xây dựng, trình Hội đồng nhân dân phường quyết định các nội dung quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 61 của Luật này và tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân phường.
2. Tổ chức thực hiện ngân sách địa phương.
3. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp, ủy quyền.”
Về nhiệm vụ xây dựng các văn bản pháp luật, thì đối chiếu theo quy định tại Điều 61, có thể nhận thấy Ủy ban nhân dân phường sẽ có trách nhiệm xây dựng các văn bản để làm cơ sở cho Hội đồng dân dân phường căn cứ vào đó để quyết định, thông thường, đây là các văn bản thể hiện các nội dung quan trọng của phường hoặc quyết định những vấn đề lớn,… Bên cạnh đó là việc xây dựng dự toán ngân sách của phường, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của phường, kế hoạch đầu tư của phường,… Là cơ quan hành chính của Nhà nước ở địa phương, nên trách nhiệm này thuộc về Ủy ban nhân dân phường là hoàn toàn hợp lý.
Nếu như Chính phủ là cơ quan hành pháp ở trung ương, thì Ủy ban nhân dân cấp xã nói chung và Ủy ban nhân dân phường nói riêng cũng đóng vai trò gần như tương tự như vậy. Sau khi dự toán thu ngân sách, chi ngân sách được phê duyệt, thì Ủy ban nhân dân phường chính là cơ quan trực tiếp thực hiện các hoạt động liên quan đến ngân sách đó dựa trên cơ sở dự toán đã được phê duyệt.
Ủy ban nhân dân được tổ chức và hoạt động trong một chỉnh thể thống nhất theo nguyên tắc quyền uy và phục tùng: cấp dưới phục tùng cấp trên, địa phương phục tùng trung ương. Do đó, mà Ủy ban nhân dân phường phải thực hiện các nhiệm vụ do cấp trên yêu cầu, hoặc được ủy quyền. Bên cạnh đó, thì Ủy ban nhân dân là cơ quan quản lý nhà nước thẩm quyền chung, quản lý tất cả các lĩnh vực của quản lý nhà nước . Để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Ủy ban nhân dân phường ban hành các quyết định, chỉ thị, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện văn bản đó theo thẩm quyền.