Khái quát về tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ? Quy định về tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ?
Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ là các thiết bị, phương tiện không được sử dụng một cách tùy tiện mà đặt dưới sự quản lý chặt chẽ của pháp luật và chỉ một số chủ thể nhất định mới được phép sử dụng, bảo quản, vận chuyển, quản lý. Để đảm bảo sự an toàn, thống nhất, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội cũng như tránh thất thoát nguồn vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã quy định về hoạt động tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Đây cũng là nội dung chính được Luật Dương Gia phản ánh trong bài viết dưới đây: Quy định về tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Luật sư
Cơ sở pháp lý: Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017.
Mục lục bài viết
- 1 1. Khái quát về tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ?
- 2 2. Quy định về tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ?
- 2.1 2.1. Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom.
- 2.2 2.2. Các trường hợp tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
- 2.3 2.3. Nguyên tắc tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
- 2.4 2.4. Thẩm quyền và trình tự, thủ tục tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
1. Khái quát về tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ?
Khái niệm về tiếp nhận vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trước đây được giải thích tại Điều 3, Nghị định 26/2012/NĐ-CP, theo đó:
– Tiếp nhận vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là việc tổ chức nhận vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ từ cơ quan, tổ chức, cá nhân giao nộp hoặc bàn giao;
– Thu gom vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là việc tổ chức thu hồi vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ do tổ chức, cá nhân phát hiện, trình báo, tố giác nhưng không xác định được cá nhân, cơ quan, tổ chức quản lý hoặc số vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sau chiến tranh còn tồn tại ở ngoài xã hội.
Mặc dù văn bản này đã hết hiệu lực nhưng cách hiểu về tiếp nhận vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và thu gom vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ như trên vẫn có thể áp dụng bởi bản chất của hai hoạt động này không hề thay đổi theo tinh thần của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
2. Quy định về tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ?
Khi tìm hiểu quy định của pháp luật hiện hành về tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tác giả tập trung vào các vấn đề pháp lý sau:
2.1. Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 64 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ: “Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom bao gồm: các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ quy định tại Điều 3 của Luật này; phế liệu, phế phẩm, phụ kiện của vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; chất nổ từ bom, mìn, lựu đạn, đạn, quả nổ, ngư lôi, thủy lôi.“
Như vậy, đối tượng tiếp nhận, thu gom là toàn bộ các vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, đó là vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, súng săn, vũ khí thể thao, Vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự, vật liệu nổ quân dụng, vật liệu nổ công nghiệp, công cụ hỗ trợ (Lựu đạn khói, lựu đạn cay, quả nổ,…) và tất cả các phế liệu, phế phẩm phát sinh do việc đã sử dụng từ bom, mìn, lựu đạn,…Quy định về đối tượng tiếp nhận, thu gom rộng nhằm thu thập triệt để các thiết bị, phương tiện nguy hiểm đang không được quản lý chặt chẽ.
2.2. Các trường hợp tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 64 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, có 03 trường hợp tiếp nhân, thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ:
Trường hợp 1: Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của cơ quan, tổ chức, cá nhân không được trang bị hoặc sở hữu theo quy định của pháp luật.
Trường hợp này áp dụng đối với việc tiếp nhận và chủ yếu dựa vào ý chí của cơ quan, tổ chức, cá nhân được nêu trên. Tuy nhiên, nếu đây là hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền hoàn toàn có quyền ép buộc các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải cung cấp và giao nộp. Thực tế, trường hợp này ít xảy ra nhất trong 03 trường hợp được nêu trong mục này.
Trường hợp 2: Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có liên quan đến vụ án đã được cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ do cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ.
Đây là trường hợp tiếp nhận vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ từ cơ quan có thẩm quyền, cơ quan chức năng do hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức trong xã hội. Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ chủ yếu được cơ quan có thẩm quyền thu giữ trong các vụ án hình sự về chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt, đây cũng là trường hợp tiếp nhận phổ biến nhất và việc tiếp nhận thường có số lượng lớn.
Trường hợp 3: Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ do cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện nhưng không xác định được cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý hoặc sở hữu; vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ sau chiến tranh còn tồn tại ở ngoài xã hội.
Đây là trường hợp thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, do việc không xác định được cơ quan, tổ chức có trách nhiệm quản lý và sở hữu, tuy nhiên, trường hợp này khá ít gặp. Đối với vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ sau chiến tranh còn tồn tại thì cực kỳ nhiều, đặc biệt là đối với một quốc gia như Việt Nam. Hoạt động rà phá bom mìn là một trong những hoạt động điển hình để thu gom các loai vũ khí, vật liệu còn sót lại, nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe, vật chất cho người dân.
2.3. Nguyên tắc tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Điều 63 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định rất nhiều các nguyên tắc, tuy nhiên, có 02 nguyên tắc cốt lõi nhất mà chi phối tới hoạt động tiếp nhận, thu gom là:
Thứ nhất, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải trình báo, khai báo, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho cơ quan quân sự,
Nguyên tắc này có ý nghĩa trong việc huy động, vận động ý chí của toàn dân trong công tác thu gom, tiếp nhân vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Thông qua hoạt động trình báo, khai báo, giao nộp, cơ quan có thẩm quyền sẽ có các biện pháp tiếp nhận, thu gom phù hợp, đảm bảo an toàn cho người trình báo, khai báo, giao nộp, từ đó cũng có những khen thưởng, động viên, khuyến khích người dân tích cực trong công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ một cách hiệu quả nhất.
Thứ hai, việc tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải được tiến hành thường xuyên và thông qua các đợt vận động.
Nguyên tắc này chi phối tới hoạt động mang tính ổn định, tạo tiền lệ và thói quen trong chính sinh hoạt và hoạt động hàng ngày của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đảm bảo được rằng, cơ thẩm quyền luôn sẵn sàng trong việc tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
2.4. Thẩm quyền và trình tự, thủ tục tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Thẩm quyền tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ: Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện, cơ quan quân sự, cơ quan Công an, đơn vị Quân đội. (Khoản 1, Điều 66 Luật).
Trình tự, thủ tục tiếp nhận và thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ là khác nhau và được quy định tại 02 khoản khác nhau tại Điều 67 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, cụ thể:
– Trình tự, thủ tục tiếp nhận vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. (Khoản 1)
(1) Tổ chức tiếp nhận vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;
(2) Lập biên bản tiếp nhận vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; biên bản tiếp nhận được lập thành 02 bản, 01 bản giao cho cơ quan, tổ chức, cá nhân giao nộp, 01 bản lưu tại cơ quan tiếp nhận;
(3) Ghi vào sổ tiếp nhận, thu gom đầy đủ các thông tin liên quan đến việc tiếp nhận vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
– Trình tự, thủ tục thu gom vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. (Khoản 2)
(1) Tổ chức thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;
(2) Lập biên bản thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;
(2) Ghi vào sổ tiếp nhận, thu gom đầy đủ các thông tin về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ do cơ quan, tổ chức, cá nhân trình báo.
Thực tế, trình tự thủ tục thực hiện hai hoạt động tiếp nhận và thu gom là như nhau, trước hết là tổ chức tiếp nhận, thu gom, thứ hai là lập biên bản tiếp nhận, thu gom và thứ ba là ghi vào sổ tiếp nhận, thu gom.