Quy định về Giấy chứng nhận dung tích tàu biển? Mẫu Giấy chứng nhận dung tích tàu biển? Hướng dẫn mẫu Giấy chứng nhận dung tích tàu biển?
Tàu biển là đối tượng tác động chính trong lĩnh vực hàng hải, mọi hoạt động quản lý liên quan đến tàu biển đều được áp dụng một cách chặt chẽ để đảm bảo an toàn hàng hải. Hình thức biểu hiện của hoạt động quản lý này là các giấy chứng nhận liên quan đến tàu biển như Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển, Giấy chứng nhận phân cấp tàu biển,…đây được xem như thông lệ quốc tế được ghi nhận trong các văn bản quốc tế và pháp luật quốc gia. Giấy chứng nhận dung tích tàu biển cũng là một trong các loại tài liệu mang ý nghĩa đó. Trong bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ cung cấp cho người đọc mẫu giấy chứng nhận dung tích tàu biển và phân tích quy định về giấy chứng nhận dung tích tàu biển theo Bộ luật hàng hải Việt Nam hiện hành.
Cơ sở pháp lý:
Công ước quốc tế về đo dung tích tàu 1969.
Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015.
Thông tư 25/2017/TT-BGTVT quy định về biểu mẫu giấy chứng nhận, sổ an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cấp cho tàu biển, phương tiện thủy nội địa và sản phẩm công nghiệp sử dụng cho phương tiện thủy nội địa do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.
1. Quy định về Giấy chứng nhận dung tích tàu biển?
Trước khi giải thích về Giấy chứng nhận dung tích tàu biển, tác giả nêu rõ một số vấn đề liên quan.
– Dung tích tàu biển bao gồm tổng dung tích và dung tích có ích, trong đó, tổng dung tích là hàm số thể tích của tất cả các không gian được đo; còn dung tích có ích là phần còn lại của tổng dung tích sau khi đã khấu trừ đi một lượng nào đó. (Cách giải thích dựa trên Điều 2 Công ước quốc tế về đo dung tích tàu 1969). Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều yêu cầu, trước khi đăng ký, tàu phải được đo dung tích theo một quy định nào đó.
– Để được cấp giấy chứng nhận dung tích tàu biển phải trải qua quá trình kiểm tra, đo và xác định dung tích tàu biển, áp dụng đối với cả tàu có chiều dài từ 24 mét trở lên hoặc tàu có chiều dài nhỏ hơn 24 mét.
Dựa theo quy định tại Điều 7 Công ước quốc tế về đo dung tích tàu 1969:
” (1) Một giấy chứng nhận dung tích quốc tế (1969) phải được cấp cho mỗi con tàu, dung tích toàn phần và dung tích có ích của nó phải được xác định phù hợp với công ước này.
(2) Giấy chứng nhận trên phải được cấp phát bởi chính quyền hàng hải hoặc bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào được ủy quyền thích hợp bởi chính quyền hàng hải. Trong mỗi trường hợp trên, chính quyền hàng hải phải chịu trách nhiệm đầy đủ cho giấy chứng nhận đó.“
Trên cơ sở tiếp thu và phát triển quy định này, Bộ luật hàng hải Việt Nam ghi nhận tại Điều 35 nội dung như sau:
“1. Tàu biển Việt Nam và tàu biển nước ngoài khi hoạt động tại vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam phải có Giấy chứng nhận dung tích tàu biển do tổ chức đăng kiểm Việt Nam hoặc tổ chức đo dung tích tàu biển có thẩm quyền của nước ngoài cấp. Giấy chứng nhận dung tích tàu biển phải phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Trường hợp có nghi ngờ về tính xác thực của Giấy chứng nhận dung tích tàu biển quy định tại khoản 1 Điều này thì cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tự mình hoặc theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân có liên quan quyết định tiến hành kiểm tra lại dung tích tàu biển. Trường hợp kết quả kiểm tra không phù hợp với Giấy chứng nhận dung tích tàu biển thì chủ tàu phải thanh toán chi phí liên quan đến việc kiểm tra lại dung tích tàu biển. Trường hợp kết quả kiểm tra phù hợp với Giấy chứng nhận dung tích tàu biển thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền tự quyết định kiểm tra hoặc tổ chức, cá nhân yêu cầu kiểm tra phải chịu chi phí liên quan đến việc kiểm tra lại dung tích tàu biển.“
Phân tích cụ thể hơn về quy định này:
– Thứ nhất, Giấy chứng nhận dung tích tàu biển là điều kiện bắt buộc để tàu biển Việt Nam hoặc tàu biển khi hoạt động tại vùng nước cảng biển. Việc xác định dung tích có ý nghĩa quan trọng trong việc làm cơ sở cho việc tính các chi phí dịch vụ và thuế, dịch vụ cảng, kéo tàu, hoa tiêu, đèn biển, luồng lạch, kênh đào, cũng như đánh giá tính tuân thủ pháp luật của chủ sở hữu tàu.
– Thứ hai, giấy chứng nhận dung tích tàu biển phải được tổ chức đăng kiểm Việt Nam hoặc tổ chức đo dung tích tàu biển có thẩm quyền của nước ngoài cấp. Đây là các cơ quan chuyên môn được pháp luật các nước trao quyền để thực hiện luôn các giai đoạn trước khi cấp giấy chứng nhận bao gồm cả kiểm tra, đo, xác định dung tích tàu biển. Tại Việt Nam có Cục đăng kiểm Việt Nam là cơ quan có thẩm quyền trong việc Cấp giấy chứng nhận dung tích tàu biển.
– Thứ ba, giấy chứng nhận dung tích tàu biển phải phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Đây là nguyên tắc chi phối tới nội dung và hình thức của mẫu giấy chứng nhận dung tích tàu biển, tuy nhiên, việc đề ra nguyên tắc này cũng không cần thiết bởi khi Bộ Giao thông vận tải ban hành mẫu giấy chứng nhận đã dựa trên sự tiếp cận, tiếp thu và phát triển so với các công ước quốc tế về do dung tích tàu biển mà Việt Nam là thành viên.
– Thứ tư, quyền tiến hành kiểm tra lại dung tích tàu biển. Quyền này thuộc về cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam (tự mình hoặc theo yêu cầu) khi nghi ngờ về tính xác thực của Giấy chứng nhận, tính xác thực về nội dung và tính xác thực về thẩm quyền cấp giấy chứng nhận. Điều này nhằm đảm bảo tính chất pháp lý của Giấy chứng nhận cũng như đảm bảo tính an toàn hàng hải đối với tàu biển khi hoạt động tại vùng nước cảng biển. Thực tế hoạt động kiểm tra dung tích sẽ làm phát sinh các chi phí, do vậy, quy định trên còn đặt ra nghĩa vụ chịu chi phí kiểm tra lại trong 02 trường hợp: (1) nếu kết quả kiểm tra không phù hợp với Giấy chứng nhận dung tích tàu biển thì chủ tàu phải thanh toán chi phí liên quan đến việc kiểm tra lại dung tích tàu biển, điều này hoàn toàn hợp xuất phát từ “lỗi” của bên chủ tàu; (2) nếu kết quả kiểm tra phù hợp với Giấy chứng nhận dung tích tàu biển thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền tự quyết định kiểm tra hoặc tổ chức, cá nhân yêu cầu kiểm tra phải chịu chi phí liên quan đến việc kiểm tra lại dung tích tàu biển, đây là trường hợp do lỗi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân yêu cầu.
Với việc quy định về Giấy chứng nhận dung tích tàu biển tại Điều 35 Bộ luật hàng hải, pháp luật hàng hải Việt Nam đã có sự tiếp cận và phát triển các quy định của pháp luật quốc tế một cách trọn vẹn và áp dụng nó một cách triệt để, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để chủ tàu cũng như cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thực hiện nghĩa vụ của mình.
2. Mẫu Giấy chứng nhận dung tích tàu biển?
Mẫu Giấy chứng nhận dung tích tàu biển được xây dựng dựa trên nền tảng Công ước quốc tế về đo dung tích tàu 1969 (Công ước Tonnage 1969), theo đó, tại Điều 9 Công ước này quy định:
“Giấy chứng nhận này phải được soạn thảo theo ngôn ngữ chính thức hoặc những ngôn ngữ của quốc gia cấp phát. Nếu ngôn ngữ đó không phải là Tiếng Anh hoặc Tiếng Pháp, bản gốc phải bao gồm một bản dịch sang một trong những ngôn ngữ này.
Mẫu giấy chứng nhận phải phù hợp với mẫu đã được đưa ra trong phụ lục II“
Theo quy định này, tức là, mẫu giấy chứng nhận dung tích tàu biển có 02 loại, một là căn cứ vào Công ước Tonnage 1969 và hai là căn cứ vào văn bản pháp luật quốc gia, mà cụ thể tại Việt Nam là Thông tư 25/2017/TT-BGTVT. Trong phần này, tác giả chỉ cung cấp mẫu do Bộ Gao thông vận tải ban hành.
CỤC ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM (Quốc huy) CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Số:
GIẤY CHỨNG NHẬN DUNG TÍCH
Cấp theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Đo dung tích tàu biển QCVN 63: 2013/BGTVT
(Áp dụng cho tàu có chiều dài nhỏ hơn 24 m)
Tên tàu….
Số đăng ký hoặc Hô hiệu…..
Cảng đăng ký….
Năm đóng…..
CÁC KÍCH THƯỚC CHÍNH
Chiều dài (m)….
Chiều rộng (m)….
Chiều cao mạn (m)….
DUNG TÍCH CỦA TÀU…
TỔNG DUNG TÍCH DUNG TÍCH CÓ ÍCH
CHỨNG NHẬN RẰNG
Dung tích của tàu nói trên đã được đo phù hợp với quy định về đo dung tích cho tàu biển có chiều dài nhỏ hơn 24 m.
Cấp tại…. Ngày……
CỤC ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM
CÁC KHÔNG GIAN TÍNH VÀO DUNG TÍCH TÀU
TỔNG DUNG TÍCH…..
Tên không gian….
Vị trí….
Chiều dài (m)….
Thể tích V (m3)….
TỔNG CỘNG V :….
DUNG TÍCH CÓ ÍCH….
NT = 0,3 x GT….
CHIỀU CHÌM LÝ THUYẾT……
(m)
3. Hướng dẫn mẫu Giấy chứng nhận dung tích tàu biển?
Nhìn chung mẫu Giấy chứng nhận dung tích tàu biển khá ngắn gọn và nội dung đơn giản, trong đó phản ánh 2 nội dung quan trọng nhất là thông tin tàu biển và tổng dung tích/dung tích có ích. Hoạt động kiểm tra dung tích tàu biển sẽ đem lại các kết quả cụ thể để chủ thể có thẩm quyền điền các nội dung phù hợp vào mẫu Giấy, điều cần lưu ý là phải khách quan, chính xác về nội dung, đảm bảo bố cục, hình thức theo đúng mẫu được Bộ Giao thông vận tải ban hành để làm phát sinh giá trị hiệu lực của Giấy chứng nhận dung tích tàu biển.