Vũ khí là phương tiện nguy hiểm có khả năng sát thương, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, vật chất. Vì vậy việc quản lý vũ khí là nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là đối với những đối tượng được trang bị vũ khí, họ là người có trách nhiệm quản lý trực tiếp. Cùng tìm hiểu về vũ khí thể thao.
Mục lục bài viết
1. Vũ khí thể thao là gì?
Khái niệm về vũ khí thể thao được quy định tại Khoản 5, Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, cụ thể:
“Vũ khí thể thao là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để luyện tập, thi đấu thể thao, bao gồm:
a) Súng trường hơi, súng trường bắn đạn nổ, súng ngắn hơi, súng ngắn bắn đạn nổ, súng thể thao bắn đạn sơn, súng bắn đĩa bay và đạn sử dụng cho các loại súng này;
b) Vũ khí thô sơ quy định tại khoản 4 Điều này dùng để luyện tập, thi đấu thể thao.“
Vũ khí thô sơ được quy định ở Khoản 4 “là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản và được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, bao gồm: dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu.“
Dựa trên khái niệm này, có thể thấy, vũ khí thể thao mang những đặc điểm sau:
– Một là, vũ khí thể thao là vũ khí – là phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất. (Khoản 1, Điều 3, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ). Thông thường, vũ khí thể thao sẽ không có được sử sản xuất và chế tạo đảm bảo kỹ thuật chặt chẽ như vũ khí quân dụng.
– Hai là, vũ khí thể thao được dùng để luyện tập và thi đấu thể thao. Đây là đặc điểm quyết định vũ khí đó có được gọi là vũ khí thể thao hay không, việc sử dụng vũ khí trong luyện tập và thi đấu thể thao phải là các môn thi đấu được công nhận tại các giải đấu cụ thể, ví dụ: Tại Đại hội thể thao Châu Á có các môn như: 10m súng ngắn bắn hơi; bắn súng 3 tư thế súng trường; đấu kiếm;…
2. Quy định về sử dụng vũ khí, súng thể thao:
Nghiên cứu quy định về sử dụng vũ khí thế thao, tác giả tập trung vào hai quy định tại Điều 26 và Điều 27 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Trong đó, trọng tâm là Điều 27 quy định về sử dụng vũ khí thể thao, cụ thể:
“1. Vũ khí thể thao được sử dụng trong tập luyện, thi đấu thể thao tại trường bắn hoặc địa điểm tổ chức, được cảnh giới và có biện pháp bảo đảm an toàn; tuân thủ giáo án tập luyện, luật thi đấu thể thao và điều lệ giải.
2. Vũ khí thể thao phải được kiểm tra an toàn trước, trong và sau khi tập luyện, thi đấu thể thao.
3. Vũ khí thể thao được giao cho vận động viên, huấn luyện viên, học viên hoặc hội viên thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 24 của Luật này để tập luyện, thi đấu thể thao tại địa điểm tập luyện và thi đấu.“
3. Phân tích quy định về sử dụng vũ khí, súng thể thao:
– Thứ nhất, vũ khí thể thao phải được sử dụng tại trường bắn hoặc địa điểm tổ chức, được cảnh giới và có biện pháp bảo đảm an toàn. Trường bắn là cơ sở, địa điểm hoặc một thao trường có diện tích cụ thể được thiết kế chuyên biệt phục vụ cho việc luyện tập, huấn luyện vũ khí, đặc biệt là súng sử dụng đạn thật. Địa điểm tổ chức ở đây được xác định theo các sự kiện thi đấu thể thao, tùy vào các giải thi đấu mà đơn vị tổ chức lựa chọn vị trí và bố trí các địa điểm cụ thể, đó có thể là một phòng có diện tích đủ rộng hoặc tại một sân lớn có thiết kế phù hợp để thi đấu. Việc thiết lập cảnh giới là đưa ra các phương thức, sử dụng nhân lực, vật lực để đảm bảo an toàn, tránh tình trạng sử dụng vũ khí bừa bãi, ảnh hưởng đến người xung quanh.
– Thứ hai, vũ khí thể thao được sử dụng phải tuân thủ giáo án tập luyện, luật thi đấu thể thao và điều lệ giải. Giáo án tập luyện là kế hoạch tập luyện cụ thể phù hợp với từng cá nhân và phù hợp đối với các loại vũ khí nhằm đảm bảo nâng cao được kỹ năng cho người sử dụng vũ khí. Đối với mỗi môn thể thao sẽ có các luật thi đấu khác nhau, ví dụ, đối với bắn súng (môn thể thao sử dụng vũ khí thể thao điển hình nhất tại Việt Nam), sẽ thiết lập các điều kiện về vòng loại, xác định như thế nào là đạt chuẩn, như thế nào là thắng, mỗi người chỉ được bắn mấy lần,…Còn điều lệ giải đấu là nội dung nguyên tắc được ban hành ngay khi giải đấu được bắt đầu, xác định đối tượng tham gia, điều kiện tham gia, giải thưởng,…
– Thứ ba, vũ khí thể thao phải được kiểm tra an toàn trước, trong và sau khi tập luyện, thi đấu thể thao. Vũ khí thể thao có thể được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp (đối với súng thi đấu thường sản xuất công nghiệp), hơn nữa, trong quy định về vũ khí thể thao lại không thấy quy định về yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể đối với các loại vũ khí, điều này dẫn đến các trường hợp vũ khí có thể không đảm bảo an toàn khi đưa vào sử dụng. Giai đoạn kiểm tra an toàn trước khi sử dụng là quan trọng nhất, bởi đó là lúc có thể khắc phục được sự cố và đưa ra các phương án thay thế để đưa vũ khí vào luyện tập hoặc thi đấu.
– Thứ tư, vũ khí thể thao được giao cho vận động viên, huấn luyện viên, học viên hoặc hội viên thuộc các đối tượng: Quân đội nhân dân; Dân quân tự vệ; Công an nhân dân; Câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động; Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh; Cơ quan, tổ chức khác được thành lập, cấp phép hoạt động trong luyện tập, thi đấu thể thao để tập luyện, thi đấu thể thao tại địa điểm tập luyện và thi đấu. Việc xác định đối tượng ngay từ đầu đã là căn cứ để hiểu rằng, việc sử dụng vũ khí thể thao có hợp pháp hay không. Tuy nhiên, việc sử dụng vũ khí thể thao của các đối tượng này phải phù hợp với mục đích (tập luyện, thi đấu thể thao), đúng địa điểm đã được phân tích ở trên.
Đối với việc sử dụng vũ khí thể thao là: Súng trường hơi, súng trường bắn đạn nổ, súng ngắn hơi, súng ngắn bắn đạn nổ, súng thể thao bắn đạn sơn, súng bắn đĩa bay và đạn sử dụng cho các loại súng này; không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng phải được cấp Giấy phép sử dụng vũ khí. Thủ tục cấp phép được quy định tại Điều 26 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, cụ thể:
Cá nhân, tổ chức sử dụng vũ khí thể thao nộp 01 bộ hồ sơ tại
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan Công an có thẩm quyền kiểm tra thực tế, cấp Giấy phép sử dụng vũ khí thể thao; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Giấy phép sử dụng vũ khí thể thao chỉ cấp cho cơ quan, tổ chức, đơn vị được trang bị và có thời hạn 05 năm.
Đối với vũ khí thể thao là vũ khí thô sơ được sử dụng để tập luyện và thi đấu thể thao phải được thực hiện thủ tục khai báo theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 30 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ chỉ áp dụng đối với các vũ khí thể thao không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, còn đối với các vũ khí thể theo thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thì sẽ do cơ quan này ban hành văn bản pháp luật cụ thể để điều chỉnh.
Nhìn chung, các quy định về sử dụng vũ khí thể thao được đánh giá là chi tiết, cụ thể, đáp ứng được cơ bản các nguyên tắc trong quá trình sử dụng vũ khí thể thao, đảm bảo an toàn cho người dùng và những người xung quanh.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết: Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017.