Quy định việc quản lý Nhà nước về thanh niên? Một số chính sách của Nhà nước đối với thanh niên?
Trong những năm gần đây, quản lý nhà nước đối với công tác thanh niên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng xuất phát từ đòi hỏi đối với sự phát triển của thanh niên và cũng là một yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo con đường xã hội chủ nghĩa. Công tác thanh niên là một bộ phận quan trọng trong công tác quần chúng, bao gồm toàn bộ những hoạt động của Đảng, Nhà nước, Đoàn Thanh niên và xã hội nhằm mục đích để giáo dục, bồi dưỡng và tạo điều kiện cho thanh niên phát triển, trưởng thành, phát huy mọi tiềm năng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu quy định về chính sách quản lý Nhà nước về thanh niên, công tác thanh niên.
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
1. Quy định việc quản lý Nhà nước về thanh niên:
Theo Điều 36 Luật Thanh niên đã Quy định việc quản lý Nhà nước về thanh niên có nội dung như sau:
“1. Ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về thanh niên; quy định các biện pháp để thực hiện chính sách đối với thanh niên.
2. Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển thanh niên.
3. Thực hiện công tác thống kê, thông tin, báo cáo về tình hình thanh niên và việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên.
4. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về thanh niên.
5. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về thanh niên.
6. Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị; sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng trong việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên.
7. Hợp tác quốc tế về thanh niên.
8. Ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện chính sách đối với thanh niên.”
Ta nhận thấy, Luật Thanh niên năm 2020 được ban hành đã quy định Bộ Nội vụ là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thanh niên. Bên cạnh đó, Luật Thanh niên năm 2020 cũng quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên và việc tổ chức triển khai đối với các chính sách, pháp luật đối với thanh niên.
Các cơ quan Nhà nước có nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, tạo điều kiện cho thanh niên thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình cũng như đã tạo điều kiện cho các chủ thể là thanh niên được học tập, lao động an toàn, phát triển thể lực, trí tuệ, tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và tạo điều kiện cho các tổ chức Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành lập các tổ chức nhằm mục đích để bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên.
Trong nhiều năm qua, vấn đề quản lý nhà nước về công tác thanh niên vẫn luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ngành, đoàn thể và toàn xã hội, quản lý nhà nước về công tác thanh niên đã đạt được thành tựu lớn, nhất là việc ban hành luật thanh niên năm 2020 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc ban hành các cơ chế, chính sách bảo đảm việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của thanh niên, từ đó đã phát huy vai trò sáng tạo, tiềm năng to lớn của thanh niên trong phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc; mở rộng quan hệ hợp tác về thanh niên của nước ta với các nước, các tổ chức trên thế giới; góp phần tăng cường giáo dục, bồi dưỡng thanh niên, bảo vệ thanh niên trước tác động của những tiêu cực và các tệ nạn xã hội.
Ta nhận thấy, Luật thanh niên 2020 được Quốc Hội ban hành đã góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý, xác định rõ quyền và nghĩa vụ của thanh niên, các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên, bảo đảm trách nhiệm của nhà nước, gia đình, nhà trường, xã hội và các tổ chức của thanh niên trong thực hiện chính sách, pháp luật để các chủ thể là thanh niên được tham gia tu dưỡng, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2. Một số chính sách của Nhà nước đối với thanh niên:
Chính sách về học tập và nghiên cứu khoa học đối với thanh niên được quy định như sau:
– Bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận giáo dục và tạo điều kiện cho thanh niên tham gia nghiên cứu khoa học.
– Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và bảo đảm thực hiện các chương trình giáo dục đạo đức, lý tưởng, truyền thống dân tộc, lối sống văn hóa, kỹ năng sống, ý thức chấp hành pháp luật cho thanh niên.
– Có chính sách tín dụng, học bổng, miễn, giảm học phí cho thanh niên theo quy định của pháp luật.
– Khuyến khích, hỗ trợ thanh niên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; khả năng sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ.
– Ưu đãi, hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo của thanh niên; tham gia đào tạo kỹ năng sống và kỹ năng cần thiết khác cho thanh niên.
Chính sách về lao động, việc làm đối với thanh niên được quy định như sau:
– Tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động cho thanh niên; giáo dục kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp cho thanh niên; bảo đảm thanh niên không bị cưỡng bức, bóc lột sức lao động.
– Tạo điều kiện để thanh niên có việc làm; tạo việc làm tại chỗ cho thanh niên ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo phù hợp với từng vùng, miền, gắn với từng giai đoạn phát triển của đất nước.
– Tạo điều kiện cho thanh niên được vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn tín dụng hợp pháp khác để tự tạo việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Chính sách về khởi nghiệp đối với thanh niên được quy định như sau:
– Cần giáo dục, đào tạo kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho thanh niên.
– Cung cấp thông tin về thị trường; hỗ trợ pháp lý, khoa học và công nghệ, xúc tiến đầu tư, phát triển nguồn nhân lực; ưu đãi vay vốn từ các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.
– Khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi để thanh niên khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng khoa học và công nghệ.
– Ưu đãi, hỗ trợ tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng dịch vụ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; khuyến khích thành lập quỹ khởi nghiệp cho thanh niên theo quy định của pháp luật
Chính sách về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe đối với thanh niên được quy định như sau:
– Tư vấn, hỗ trợ nâng cao sức khỏe cho thanh niên; phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại tình dục; phòng, chống ma túy, HIV/AIDS; phòng ngừa bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh xã hội khác và các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần của thanh niên.
– Bảo đảm cho thanh niên được cung cấp thông tin, tiếp cận dịch vụ thân thiện về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục; được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn
– Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, cung cấp dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho thanh niên.
Chính sách về văn hóa, thể dục, thể thao đối với thanh niên được quy định như sau:
– Khuyến khích, hỗ trợ thanh niên tham gia hoạt động và sáng tạo trong văn hóa, thể dục, thể thao.
– Tạo điều kiện cho thanh niên tích cực tham gia giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
– Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức và bảo vệ sự an toàn của thanh niên trên không gian mạng.
– Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể dục, thể thao cho thanh niên.
Chính sách về bảo vệ Tổ quốc đối với thanh niên được quy định như sau:
– Bảo đảm cho thanh niên được giáo dục quốc phòng và an ninh, tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
– Bảo đảm cho thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự; nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân, Dân quân tự vệ; tham gia quân nhân dự bị và xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân theo quy định của pháp luật.
– Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và các chính sách ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, tại các Điều 22 đến 26 Luật thanh niên năm 2020 cũng quy định cụ thể về các chính sách đối với thanh niên xung phong, chính sách đối với thanh niên tình nguyện, chính sách đối với thanh niên có tài năng, chính sách đối với thanh niên là người dân tộc thiểu số và chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Các chính sách này về cơ bản đã góp phần phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên đối với đất nước và xã hội. Bên cạnh đó, có nhiều chính sách cho thanh niên đã được ban hành đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước ta đối với việc chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục và phát huy thanh niên.
Hoạt động quản lý nhà nước đối với công tác thanh niên là một dạng quản lý xã hội tổng hợp, mang tính quyền lực nhà nước đối với một đối tượng đặc trưng cụ thể ở đây là thanh niên; là quá trình tác động của hệ thống các cơ quan nhà nước đối với công tác thanh niên và thanh niên bằng chính sách, luật pháp, cơ chế vận hành và tổ chức bộ máy, bằng kiểm tra, giám sát, bên cạnh đó cũng bằng các chính sách, luật pháp, Nhà nước huy động mọi tổ chức, mọi nguồn lực xã hội tham gia thực hiện các nhiệm vụ công tác thanh niên. Các chính sách được ban hành để nhằm mục đích để quản lý thanh niên đã ít nhiều phát huy được vai trò của mình. Để nhằm đảm bảo vai trò của thanh niên trong giai đoạn hiện nay, các cơ quan Nhà nước sẽ cần tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước về công tác thanh niên cũng như xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách đối với thanh niên.