Chức năng của Cảng vụ hàng hải? Nhiệm vụ, quyền hạn của Cảng vụ hàng hải?
Quản lý nhà nước trong lĩnh vực hàng hải là lĩnh vực trọng tâm được Đảng và Nhà nước cực kỳ chú trọng trong bối cảnh phát triển kinh tế biển ngày càng mạnh mẽ, cũng như quá trình giao lưu hội nhập quốc tế thông qua đường biển. Khi nhắc đến vấn đề quản lý không thể không nhắc đến các cơ quan chức năng, được nhà nước trao quyền quản lý, trong đó, đáng chú ý là Cảng vụ hàng hải. Trong bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ tập trung phân tích các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảng vụ hàng hải theo pháp luật hiện hành.
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015.
Thông tư 19/2021/TT-BGTVT quy định về tổ chức và hoạt động của Cảng vụ hàng hải do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.
1. Chức năng của Cảng vụ hàng hải?
Khái niệm về Cảng vụ hàng hải được xây dựng cũng dựa trên chức năng của cơ quan này, theo đó, tại Khoản 1, Điều 91 Bộ luật hàng hải có quy định rằng: “Cảng vụ hàng hải là cơ quan trực thuộc cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hàng hải tại cảng biển và khu vực quản lý được giao.”. Dựa vào cách giải thích này, chức năng trọng tâm của Cảng vụ hàng hải là “quản lý nhà nước về hàng hải tại cảng biển và khu vực quản lý được giao”. Vậy chức năng này được biểu hiện cụ thể như thế nào?
– Cảng vụ hàng hải có cơ cấu tổ chức, có các chức danh lãnh đạo, quản lý, trong đó, Giám đốc Cảng vụ hàng hải là người chỉ huy cao nhất của Cảng vụ hàng hải. Với bộ máy như vậy, Cảng vụ hàng hải có khả năng thực hiện đầy đủ nghiệp vụ chuyên môn, đầy đủ năng lực để thiết lập chức năng quản lý.
– Cảng vụ hàng hải được pháp luật hàng hải quy định về nhiệm vụ, quyền hạn. Thông qua đó để chủ động thực hiện chức năng của mình, thông qua việc trao quyền và buộc thực hiện nhiệm vụ là cách để nhà nước ràng buộc trách nhiệm của cơ quan này trước hoạt động quản lý sao cho hiệu quả và hợp pháp, đảm bảo cho hoạt động hàng hải được diễn ra thuận lợi, mở rộng nhưng trong khuôn khổ.
– Hoạt động của cảng vụ hàng hải có tính độc lập tương đối khi được xác định là cơ quan có tư cách pháp nhân, có trụ sở riêng, được sử dụng con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước. Đây cũng là điều kiện để Cảng vụ hàng hải chủ động hơn trong quá trình thực hiện chức năng của mình.
– Hoạt động của Cảng vụ hàng hải xuất hiện ở hầu hết mọi giai đoạn, mọi công tác liên quan đến lĩnh vực hàng hải.
Cảng vụ hàng hải có tên giao dịch tiếng Anh là Maritime Administration of… (tên địa danh nơi đặt trụ sở chính của Cảng vụ hàng hải). Ví dụ: Maritime Administration of Quang Ninh; Maritime Administration of Hai Phong,…
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cảng vụ hàng hải?
Nhiệm vụ, quyền hạn của Cảng vụ hàng hải không được quy định trong Bộ luật Hàng hải Việt Nam. Nội dung này được ghi nhận trong Thông tư 19/2021/TT-BGTVT (Thông tư thay thế Thông tư 31/2016/TT-BGTVT). Đánh giá sơ bộ về quy định tại Điều 4 Thông tư 19, có thể thấy, Cảng vụ hàng hải được trao rất nhiều nhiệm vụ, quyền hạn, điều này cũng phản ánh được vị trí, chức năng mà cơ quan này phải đảm nhận. Chính vì nhiệm vụ, quyền hạn rộng, do đó, tác giả chỉ tập trung vào một số các nhiệm vụ, quyền hạn điển hình nhất, cụ thể:
Thứ nhất, xây dựng và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án và đề án.
Nhiệm vụ, quyền hạn này được được trao cho Cảng vụ hàng hải xuất phát từ tính chuyên môn và các thực tiễn mà cơ quan này đã trải qua trong quá trình thực hiện chức năng của mình. Biểu hiện của nhiệm vụ, quyền hạn này là việc Cảng vụ hàng hải tham gia xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến hàng hải và chỉ liên quan đến hàng hải. Đồng thời, Cảng vụ hàng hải phải thực hiện các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, tổ chức chức hiện các quy định của pháp luật hàng hải, các chương trình, đề án, kế hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và công bố.
Thứ hai, về quản lý hoạt động hàng hải tại cảng biển và khu vực quản lý được giao.
Hoạt động quản lý hoạt động hàng hải được biểu hiện dưới nhiều góc độ khác nhau và thực tế là rất rộng, hoạt động này chủ yếu là việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý hàng hải, kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ chức, cá nhân; các hoạt động liên quan đến việc tàu thuyền đến cảng và rời cảng; kiểm tra, giám sát hoạt động quy hoạch cảng, thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển, thả tàu biển đang bị bắt giữ của cơ quan có thẩm quyền và tạm giữ tàu biển theo quy định.
Đây là nhiệm vụ, quyền hạn trọng tâm nhất của Cảng vụ hàng hải, thể hiện đúng chức năng mà cơ quan này đang gánh vác. Việc thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn kể trên là cơ sở để các nhiệm vụ, quyền hạn khác được thực hiện hiệu quả và triệt để.
Thứ ba, về vận tải biển và dịch vụ hàng hải.
Nhiệm vụ, quyền hạn về vận tải biển và dịch vụ hảng hải được quy định chủ yếu thông qua các hoạt động về quản lý vận tải biển, tuyến vận tải thủy; kiểm tra an toàn công-te-nơ; kiểm tra, giám sát việc thực hiện xác nhận khối lượng toàn bộ công-te-nơ vận tải biển; kiểm soát tải trọng, tốc độ phương tiện tại cảng biển; giám sát giá dịch vụ hàng hải theo quy định. (Khoản 3 Điều 4). Các nội dung này vừa đảm bảo an toàn hàng hải vừa đảm bảo cho hoạt động của cá nhân, tổ chức tại các cảng được giao phải thực sự hiệu quả, an toàn, phù hợp với điều kiện khách quan.
Thứ tư, về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường trong hoạt động hàng hải.
Nhiệm vụ, quyền hạn về nội dung này khá rộng, trong đó đáng chú ý là:
– Kiểm tra nhà nước cảng biển đối với tàu biển nước ngoài, kiểm tra an toàn đối với tàu biển Việt Nam và phương tiện thủy nội địa hoạt động trong vùng nước cảng biển và khu vực quản lý. (Điểm b, Khoản 4, Điều 4) Hoạt động kiểm tra này có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an toàn tuyệt đối và dự đoán những rủi ro thực tế có thể xảy ra, từ đó có những điều chỉnh kịp thời, tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe con người và môi trường tự nhiên.
– Điều tra, xử lý theo thẩm quyền các tai nạn hàng hải, tai nạn lao động hàng hải tại cảng biển và khu vực quản lý theo quy định. (Điểm c, Khoản 4, Điều 4). Quyền hạn này cho phép Cảng vụ hàng hải thực hiện chức năng như một “cơ quan điều tra”, nhanh chóng tiếp cận các tai nạn hàng hải, tai nạn lao động hàng hải, để giải quyết, xử lý, khắc phục hậu quả kịp thời, bảo vệ quyền lợi cho các chủ thể liên quan.
Thứ năm, về quản lý công trình hàng hải và công trình khác trong vùng nước cảng biển.
Nhiệm vụ, quyền hạn được thực hiện liên quan đến quản lý công trình hàng hải và công trình khác trong vùng nước cảng biển cho phép, đồng thời buộc Cảng vụ hàng hải phải tiến hành quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải được giao quản lý; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quá trình xây dựng, khai thác, bảo trì, bảo vệ công trình hàng hải và công trình khác trong vùng nước cảng biển. (Khoản 5, Điều 4). Các nhiệm vụ, quyền hạn này nhằm đảm bảo cho hệ thống cơ sở hạ tầng hàng hải được duy trì lâu dài, đáp ứng khả năng sử dụng trong khoảng thời gian có tính hiệu quả theo đúng với tiêu chuẩn kỹ thuật.
Thứ sáu, tổ chức thực hiện việc đăng ký tàu biển, đăng ký thuyền viên và cấp các loại giấy tờ có liên quan đến tàu biển và thuyền viên khi được cơ quan có thẩm quyền giao.
Theo giải thích tại Khoản 1, Điều 17 Bộ luật hàng hải: “Đăng ký tàu biển là việc ghi, lưu trữ các thông tin về tàu biển vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam và cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam theo quy định của pháp luật.” Đăng ký thuyền viên cũng mang tính chất như vậy nhưng áp dụng đối với người làm việc trên các tài thuyền Việt Nam hoặc nước ngoài. Với việc thực hiện chức năng quản lý, thì việc trao cho Cảng vụ hàng hàng hải quyền hạn này là điều dễ hiểu.
Thứ bảy, tổ chức thực hiện thanh tra hàng hải; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng; xử phạt vi phạm hành chính và tổ chức triển khai thực hiện
Nhìn chung, các nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật hàng hải quy định khá chi tiết, điều quan trọng là Cảng vụ hàng hải phải áp dụng linh hoạt, hiệu quả, phát huy hết khả năng để hoạt động quản lý nhà nước trở nên hiệu quả, đảm bảo công bằng, minh bạch và mang lại lợi ích cho các nhân, tổ chức và nhà nước.