Đầu tư công hiện nay đang là một trong số những hoạt động đầu tư của Nhà nước. Hoạt động đầu tư công có những vai trò quan trọng được thực hiện để nhằm mục đích phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Pháp luật nước ta đã ban hành các quy định cụ thể của pháp luật về vấn đề này.
Mục lục bài viết
1. Khái quát về đầu tư công:
1.1. Đầu tư công là gì?
Khái niệm đầu tư công được quy định tại khoản 15 Điều 4
“Đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án và đối tượng đầu tư công khác theo quy định của Luật này.”
Hiện nay, hoạt động đầu tư công bao gồm việc lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định chương trình, dự án đầu tư công; lập, thẩm định, phê duyệt, giao, triển khai thực hiện kế hoạch, dự án đầu tư công; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; nghiệm thu, bàn giao chương trình, quyết toán dự án đầu tư công và theo dõi và đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công.
Thông qua đó ta nhận thấy, về cơ bản, đầu tư công là một hoạt động đầu tư của Nhà nước. Hoạt động đầu tư công sẽ sử dụng nguồn vốn chủ yếu từ ngân sách Nhà nước để nhằm thực hiện thiết kế, xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và các chương trình, dự án để phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Khái niệm Luật đầu tư công về cơ bản được định nghĩa như sau:
Luật đầu tư công là một ngành luật trong hệ thống pháp luật được ban hành để quy định về các hoạt động trong lĩnh vực đầu tư công. Luật đầu tư công bao gồm hệ thống những quy phạm pháp luật do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tổ chức và tiến hành hoạt động đầu tư công.
1.2. Nguyên tắc quản lý đầu tư công:
Nguyên tắc quản lý đầu tư công được quy định tại điều 12 Luật đầu tư công năm 2019 với nội dung cơ bản như sau:
– Nguyên tắc đầu tiên vô cùng quan trọng đó là việc quản lý đầu tư công cần tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 05 năm của quốc gia và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch và các quy định khác có liên quan.
– Thực hiện đúng trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
Như đã nêu trên thì đầu tư công là một hoạt động đầu tư của Nhà nước. Hoạt động đầu tư công sẽ sử dụng nguồn vốn chủ yếu từ ngân sách Nhà nước. Do đó mà cần thực hiện đúng trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Việc ban hành nguyên tắc này để góp phần đảm bảo nguồn vốn đầu tư công được sử dụng đúng mục đích và phát huy được vai trò.
– Quản lý việc sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định đối với từng nguồn vốn; bảo đảm đầu tư tập trung, đồng bộ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả và khả năng cân đối nguồn lực; không để thất thoát, lãng phí.
– Nguyên tắc cuối cùng đó là cần bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư công.
Cũng theo quy định pháp luật thì các nội dung công khai, minh bạch trong đầu tư công, bao gồm: Chính sách, pháp luật và việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; Nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công; Nguyên tắc, tiêu chí, căn cứ xác định danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; Quy hoạch, kế hoạch, chương trình đầu tư công trên địa bàn; vốn bố trí cho từng chương trình theo từng năm, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn chương trình đầu tư công; Danh mục dự án trên địa bàn, bao gồm quy mô, tổng mức đầu tư, thời gian, địa điểm; báo cáo đánh giá tác động tổng thể của dự án tới địa bàn đầu tư; Kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm theo từng nguồn vốn, bao gồm danh mục dự án và mức vốn đầu tư công bố trí cho từng dự án; Tình hình huy động các nguồn lực và nguồn vốn khác tham gia thực hiện dự án đầu tư công; Tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án; Tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án theo từng nguồn vốn; Kết quả nghiệm thu, đánh giá chương trình, dự án.
2. Các hành vi bị cấm trong đầu tư công:
Các hành vi bị cấm trong đầu tư công được quy định tại điều 16 Luật đầu tư công năm 2019 bao gồm các hành vi sau đây:
– Hành vi quyết định chủ trương đầu tư không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; không xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
– Hành vi quyết định đầu tư chương trình, dự án khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư hoặc không đúng với các nội dung về mục tiêu, phạm vi, quy mô, vượt tổng vốn đầu tư của chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Quyết định điều chỉnh tổng vốn đầu tư của chương trình, tổng mức đầu tư của dự án trái với quy định của pháp luật về đầu tư công.
– Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt, vụ lợi, tham nhũng trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
– Chủ chương trình, chủ đầu tư thông đồng với tổ chức tư vấn dẫn tới quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án gây thất thoát, lãng phí vốn, tài sản của Nhà nước, tài nguyên của quốc gia; làm tổn hại, xâm phạm lợi ích của công dân và của cộng đồng.
– Pháp luật nghiêm cấm hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ.
– Pháp luật nghiêm cấm hành vi yêu cầu tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư khi chương trình, dự án chưa được quyết định chủ trương đầu tư, chưa được phê duyệt, gây nợ đọng xây dựng cơ bản.
– Pháp luật nghiêm cấm hành vi sử dụng vốn đầu tư công không đúng mục đích, không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức theo quy định của pháp luật.
– Pháp luật nghiêm cấm hành vi làm giả, làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu, liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện chương trình, dự án.
– Pháp luật nghiêm cấm hành vi cố ý báo cáo, cung cấp thông tin không đúng, không trung thực, không khách quan ảnh hưởng đến việc lập, thẩm định, quyết định kế hoạch, chương trình, dự án, theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm trong triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án.
– Pháp luật nghiêm cấm hành vi cố ý hủy hoại, lừa dối, che giấu hoặc lưu giữ không đầy đủ tài liệu, chứng từ, hồ sơ liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện chương trình, dự án.
– Pháp luật nghiêm cấm hành vi cản trở việc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư công.
Đầu tư công hiện nay đóng vai trò quan trọng với tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững ở các quốc gia nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Đầu tư công được đầu tư tập trung vào xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội giúp cải thiện kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài, hoạt động đầu tư công đã tạo việc làm cho người lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng phúc lợi xã hội. Với những vai trò như vậy thì cũng có những hành vi pháp luật nghiêm cấm đối với hoạt động này. Các chủ thể khi cố tình hay vô tình thực hiện các hành vi nêu trên thì căn cứ theo tính chất và mức độ sẽ bị xử phạt theo đúng quy định của pháp luật.
3. Đối tượng áp dụng luật đầu tư công:
Theo Điều 2 Luật Đầu tư công năm 2019 quy định về đối tượng áp dụng có nội dung như sau:
Luật đầu tư công áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
Bên cạnh đó, Luật Đầu tư công năm 2019 cũng bổ sung thêm đối tượng đầu tư công. Cụ thể, có sáu đối tượng đầu tư công sau đây:
– Thứ nhất: Đầu tư chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội.
Đối với những trường hợp thật sự cần thiết tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, đối với dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội xem xét, quyết định; đối với dự án nhóm A sẽ do Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định theo thẩm quyền được quy định cụ thể.
Việc tách riêng dự án độc lập sẽ được thực hiện khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A theo đúng quy định của pháp luật.
– Thứ hai: Đầu tư phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội.
– Thứ ba: Đầu tư và hỗ trợ hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, phúc lợi xã hội.
– Thứ tư: Đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư.
– Thứ năm: Đầu tư lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
– Thứ sáu: Cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý; cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
Như vậy, trên đây là sáu đối tượng đầu tư công cụ thể được pháp luật quy định. Nhà nước sẽ có các chính sách cụ thể đối với các đối tượng này tuân theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó thì Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng khác theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và tuân theo đúng quy định của pháp luật quốc gia.