Khái quát về dự án PPP do nhà đầu tư đề xuất? Quy định mới đối với dự án PPP do nhà đầu tư đề xuất?
Hiện nay, rất nhiều nước trên thế giới đã và đang triển khai thành công hình thức PPP (Public-Private Partnership) – hợp tác Công – Tư. Các chuyên gia khẳng định rằng Quan hệ đối tác tư nhân nhà nước – PPP hiện đang là một xu hướng trên thế giới và Việt Nam đang nằm trong xu hướng đó. Thông thường, các dự án PPP đều do Nhà nước thực hiện việc kêu gọi nhà đầu tư đối với các công trình cơ sở hạ tầng nhất định, tuy nhiên, pháp luật vẫn cho phép nhà đầu tư có quyền đề xuất dự án PPP, điều này cho thấy được quan hệ gần như bình đẳng trong mối quan hệ liên quan đến dự án này. So với quy định cũ, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã có những sự thay đổi, bổ sung các quy định đối với dự án PPP do nhà đầu tư đề xuất , vậy sự thay đổi đó cụ thể như thế nào? hãy cùng Luật Dương Gia tìm kiếm câu trả lời trong bài viết dưới đây.
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020.
Nghị định 35/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Mục lục bài viết
1. Khái quát về dự án PPP do nhà đầu tư đề xuất?
Khái niệm về dự án PPP do nhà đầu tư đề xuất không được đưa ra trong bất kỳ văn bản pháp luật hiện hành nào, có chăng, khái niệm này chỉ có thể được xây dựng dựa trên sự kết hợp của hai khái niệm về “dự án PPP” và “nhà đầu tư”, theo đó:
– Tại Khoản 9 Điều 3 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư giải thích rằng:
“Dự án PPP là tập hợp các đề xuất có liên quan đến việc đầu tư để cung cấp sản phẩm, dịch vụ công thông qua việc thực hiện một hoặc các hoạt động sau đây:
a) Xây dựng, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng;
b) Cải tạo, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có;
c) Vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có.“
– Nhà đầu tư PPP cũng được ghi nhận tại Điều 3, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, cụ thể: “Nhà đầu tư PPP (sau đây gọi là nhà đầu tư) là một pháp nhân độc lập được thành lập theo quy định của pháp luật hoặc liên danh giữa nhiều pháp nhân tham gia hoạt động đầu tư theo phương thức PPP.“
Từ hai khái niệm này, có thể hiểu “dự án PPP do nhà đầu tư đề xuất “là tập hơn các đề xuất của một pháp nhân độc lập được thành lập theo quy định của pháp luật hoặc liên danh giữa nhiều pháp nhân có liên quan đến việc đầu tư để cung cấp sản phẩm, dịch vụ công thông qua việc thực hiện một hoặc các hoạt động nhất định khi đáp ứng các điều kiện luật định.
2. Quy định mới đối với dự án PPP do nhà đầu tư đề xuất?
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 là văn bản lần đầu tiên đưa nội dung về đối tác công tư vào một Luật chuyên ngành chi tiết và cụ thể, đồng thời với Nghị định hướng dẫn của Chính Phủ, các văn bản này trở thành cơ sở pháp lý quan trọng và điều chỉnh tất cả các mối quan hệ phát sinh liên quan đến dự án PPP . Trước đây, các nội dung về đối tác công tư PPP được quy định tại Nghị định 63/2018/NĐ-CP. Với sự thay đổi về lập pháp, đã dẫn đến những thay đổi nhất định và quy định đối với dự án PPP do nhà đầu tư đề xuất cũng xuất hiện các quy định mới.
Thứ nhất về điều kiện đối với dự án PPP do nhà đầu tư đề xuất.
Nhìn chung, điều kiện đối với dự án PPP do nhà đầu tư đề xuất được quy định tại Khoản 1, Điều 26 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 mở rộng hơn so với Điều 22 Nghị định 63/2018/NĐ-CP. Theo đó, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư quy định 3 điều kiện lớn:
Một là, phù hợp với điều kiện lựa chọn dự án để đầu tư theo phương thức PPP quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 14 của Luật này.
– Các điều kiện lựa chọn dự dự án để đầu tư: Sự cần thiết đầu tư; thuộc lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP và áp ứng quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu; không trùng lặp với dự án PPP đã có quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định phê duyệt dự án; có lợi thế so với các hình thức đầu tư khác. Điều kiện này có ý nghĩa chứng minh nhà đầu tư thực sự có sự quan tâm và hiểu rõ về dự án mà mình đề xuất, nắm bắt được các quy định pháp luật và đưa ra đề xuất phù hợp.
Hai là, không trùng với dự án PPP đang được cơ quan có thẩm quyền tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc đã chấp thuận nhà đầu tư khác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
– Điều kiện này nhằm loại bỏ tình trạng trùng dự án, gây mất thời gian của cơ quan có thẩm quyền cũng như đối với nhà đầu tư, hơn nữa đối với các dự án PPP đã được cơ quan có thẩm quyền lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi là bước đầu trong việc xác định dự án có khả năng được hình thành trên thực tế và nhà nước đã là chủ thể chủ động thực hiện đề xuất và huy động nhà đầu tư.
Ba là, phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
– Đây là quy định mang tính nền tảng đối với mọi dự án PPP, đáp ứng được yêu cầu phát triển tổng thể và thống nhất, chặt chẽ về kinh tế- xã hội, quy hoạch và bảo vệ môi trường.
Quy định tại Điều 26 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã loại bỏ điều kiện về nhà đầu tư tại Điều 22 Nghị định 63/2018/NĐ-CP, cụ thể, tại Nghị định đã ghi nhận rằng: “Nhà đầu tư là doanh nghiệp nhà nước phải liên danh với doanh nghiệp khác để đề xuất dự án nhưng phải bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu.” Việc bỏ quy định này nhằm mở rộng hoạt động đề xuất, giúp nhà đầu tư chủ động hơn trong việc đề xuất dự án PPP.
Thứ hai, quy định về trình tự chuẩn bị dự án PPP do nhà đầu tư đề xuất.
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã quy định về trình tự chuẩn bị dự án PPP do nhà đầu tư đề xuất, trong khi đó, nội dung này lại không được phản ánh trong Nghị định 63/2018/NĐ-CP. Quy định tại Điều 27 thể hiện các nội dung về: Trình tự lập hồ sơ đề xuất dự án; Trình tự lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi và phê duyệt dự án; Trình tự công bố dự án; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP và chi phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi. Với việc quy định như trên, quá trình đề xuất được thực hiện một cách thống nhất, đúng quy trình, nhanh chóng và hiệu quả.
Thứ ba, quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP do nhà đầu tư đề xuất.
Nội dung này theo pháp luật hiện hành được ghi nhận tại Điều 33 Nghị định 35/2021/NĐ-CP, còn đối với Nghị định 63/2018/NĐ-CP được quy định tại Điều 24. Quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP do nhà đầu tư đề xuất được quy định tại Điều 33 khá chi tiết và thống nhất hơn so với Điều 24, đồng thời, việc thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án do nhà đầu tư đề xuất không phân chia thành các dự án nhóm A và nhóm B.
Tại Điều 22 còn quy định về văn chấp thuận việc nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quy định về cách xác định cơ quan tiếp nhận đề xuất, theo đó, tại Khoản 1 có nêu rõ: “Nhà đầu tư gửi văn bản đề xuất thực hiện dự án PPP đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật PPP. Trường hợp chưa xác định được cơ quan có thẩm quyền, nhà đầu tư liên hệ cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư theo phương thức PPP tại địa phương có địa bàn thực hiện dự án để được hướng dẫn.“
Quy định tại Điều 22 còn bổ sung về trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi khi được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận đề xuất. Đồng thời, loại bỏ quy định về thời hạn thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án do nhà đầu tư đề xuất (không bao gồm thời gian thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đầu tư công).
Qua quá trình tìm hiểu, đối chiếu các quy định của pháp luật hiện hành, các quy định về dự án PPP do nhà đầu tư đề xuất đã có sự thay đổi theo hướng hoàn thiện hơn, chỉnh chu hơn, cụ thể hơn, điều chỉnh hiệu quả hơn, thực tế hơn, điều này xuất phát từ thay đổi trong tư duy lập pháp, cũng như tiếp thu kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới để đưa ra các quy định mang tính ứng dụng cao như vậy. Tuy nhiên, quy định chỉ mang tính chất khung, việc áp dụng trên thực tế sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cách nhận thức và thực hiện hành vi của nhà đầu tư, cơ quan có thẩm quyền, sao cho các dự án PPP phải đáp ứng được vai trò tồn tại của nó.