Yêu cầu đối với quy hoạch xây dựng? Nguyên tắc tuân thủ đối với quy hoạch xây dựng?
Quy hoạch xây dựng có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội và ổn định đất nước, quy hoạch xây dựng hiệu quả sẽ mang lại những tích cực trong việc thay đổi bộ mặt của đất nước và để làm được điều đó, quy hoạch xây dựng phải đảm bảo các yêu cầu và buộc phải tuân thủ các nguyên tắc nhất định. Nội dung cụ thể đã được pháp
Dịch vụ Luật sư
Cơ sở pháp lý:
Văn bản hợp nhất
Để có cái nhìn tổng quan nhất, trước hết, người đọc cần nắm rõ về khái niệm quy hoạch xây dựng, theo đó, Khoản 30 Điều 3 Luật Xây dựng giải thích rằng: Quy hoạch xây dựng là việc tổ chức không gian của đô thị, nông thôn và khu chức năng; tổ chức hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tạo lập môi trường thích hợp cho người dân sống tại các vùng lãnh thổ, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Mục lục bài viết
1. Yêu cầu đối với quy hoạch xây dựng?
Yêu cầu đối với quy hoạch xây dựng được xem là những tiêu chí đánh giá đối quy hoạch xây dựng mà nếu thiếu một trong các yêu cầu đó, thì quy hoạch xây dựng không được áp dụng và phải tiến hành sửa đổi, bổ sung.
Yêu cầu đối với quy hoạch xây dựng được quy định tại Khoản 1, Điều 14 Luật Xây dựng, với 5 yêu cầu cơ bản:
Thứ nhất, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực; phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội bền vững; công khai, minh bạch, kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia, cộng đồng và cá nhân.
Yêu cầu này là hoàn toàn cần thiết và thống nhất với quy định về căn cứ lập quy hoạch xây dựng. Nếu như việc xây dựng quy hoạch xây dựng đã dựa trên căn cứ là chiến lược phát chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh; chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực trong cùng giai đoạn phát triển; Quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thì việc quy hoạch xây dựng phù hợp với nội dung chiến lược là điều dễ hiểu, được coi là sự mở đầu và điểm kết thúc, nếu như có căn cứ để lập thì phải cụ thể hóa được căn cứ đó trong quy hoạch xây dựng.
Đây là yêu cầu quan trọng nhất, quyết định tính hiệu quả, chất lượng của quy hoạch xây dựng và là yêu cầu then chốt, nếu yêu cầu này không được bảo đảm thì các yêu cầu khác không có ý nghĩa và quy hoạch xây dựng dường như không còn giá trị. Tính công khai, minh bạch, kết hợp hài hòa giữa lợi ích nhà nước và lợi ích quốc gia, cộng đồng và cá nhân được thể hiện ở việc quy hoạch xây dựng phải được công bố chính thức thông qua đồ án quy hoạch xây dựng gồm sơ đồ, bản vẽ, mô hình và thuyết minh và được nhiều người biết đến, quy hoạch phải thực sự rõ ràng, cụ thể, thể hiện quy chuẩn kỹ thuật, nội dung phải thể hiện được mối quan hệ giữa quốc gia, công đồng và cá nhân.
Thứ hai, tổ chức, sắp xếp không gian lãnh thổ trên cơ sở khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai, di tích lịch sử, di sản văn hóa và nguồn lực phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, đặc điểm lịch sử, văn hóa, trình độ khoa học và công nghệ theo từng giai đoạn phát triển.
Tài nguyên thiên nhiên, đất đai, di tích lịch sử, di sản văn hóa là những “đối tượng” đặc biệt, quy hoạch xây dựng có khả năng thực hiện trên thực tế có thể sẽ tác động tới những đối tượng này, trong khi đó, quy hoạch xây dựng là thứ có thể thay đổi, còn tài nguyên thiên nhiên, đất đại, di tích lịch sử là không thể, việc quy hoạch xác định chính xác vị trí, điều kiện khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên là điều cần thiết và buộc phải đảm bảo.
Điều quan trọng trong yêu cầu này là phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, đặc điểm lịch sử, văn hóa, trình độ khoa học và công nghệ theo từng giai đoạn phát triển. Tùy theo từng loại quy hoạch xây dựng để đánh giá các điều kiện này, đồng thời phải gắn nó vào giai đoạn phát triển hiện tại và tương lai, tương tự như chiến lược phát triển được nêu ở yêu cầu thứ nhất.
Thứ ba, đáp ứng nhu cầu sử dụng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật; bảo đảm sự kết nối, thống nhất công trình hạ tầng kỹ thuật khu vực, vùng, quốc gia và quốc tế.
Khoản 22, Điều 3, Luật Xây dựng giải thích rằng, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật gồm công trình giao thông, thông tin liên lạc, cung cấp năng lượng, chiếu sáng công cộng, cấp nước, thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn, nghĩa trang và công trình khác. Đây điều là những công trình không thể thiếu gắn với đời sống dân cư, việc đáp ứng được nhu cầu sử dụng vừa đánh giá được tính hiệu quả của quy hoạch, vừa thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với nhân dân, đồng thời việc bảo đảm sự kết nối, thống nhất khu vực, quốc gia và quốc tế nhằm bảo đảm sự thuận tiện, đồng bộ, phù hợp với xu thế chung trên thế giới.
Thứ tư, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động bất lợi đến cộng đồng, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, di sản văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo; bảo đảm đồng bộ về không gian kiến trúc, hệ thống công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.
Quy hoạch xây dựng phải bảo vệ môi trường, phòng chóng thiên tai, giảm thiểu tác động bất lợi, tôn tạo va phát huy các giá trị dân tộc là điều quan trọng với một nước có điều kiện khí hậu, ví trị địa lý đặc biệt và dân tộc đa dang văn hóa, tín ngưỡng như nước ta. Thực tế, yêu cầu này khó đánh giá nhất và việc thể hiện được trong quy hoạch xây dựng đòi hỏi người lập quy hoạch rất nhiều kỹ năng và yếu tố.
Bên cạnh đó, quy hoạch xây dựng phải bảo đảm đồng bộ về không gian kiến trúc, hệ thống công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Yêu cầu này được xác định đối với từng loại quy hoạch cụ thể và đối với một vị trí nhất định, tạo nên sự hài hòa, kết nối, thuận tiện và hiệu quả.
Thứ năm, xác lập cơ sở cho công tác kế hoạch, quản lý đầu tư và thu hút đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng các công trình xây dựng trong vùng, khu chức năng, khu vực nông thôn.
Quy hoạch xây dựng là nền tảng cho việc thu hút đầu tư xây dựng do đó việc quy hoạch xây dựng phải đảm bảo yêu cầu xác lập cơ sở cho công tác kế hoạch, quản lý đầu tư, thu hút đầu tư là điều cần thiết, nhằm tạo động lực, môi trường, tiến hành khoanh vùng và xác định đối tượng đầu tư xây dựng. Việc quản lý, khai thác, sử dụng các công trình xây dựng hiện có cũng là yêu cầu cần được bảo đảm trong quy hoạch xây dựng, tránh lạm dụng cái mới, bỏ bê cái cũ, làm phá vỡ quy hoạch trước đó.
2. Nguyên tắc tuân thủ đối với quy hoạch xây dựng?
Nguyên tắc tuân thủ đối với quy hoạch xây dựng là những quan điểm, định hướng xuyên suốt, chi phối và buộc quy hoạch xây dựng phải thực hiện. Nguyên tắc tuân thủ đối với quy hoạch xây dựng được quy định tại Khoản 2, Điều 14 Luật Xây dựng, cụ thể:
Thứ nhất, việc thực hiện chương trình, hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan phải tuân thủ quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo quy định của pháp luật về quy hoạch, quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt và phù hợp với nguồn lực huy động.
Nguyên tắc này chi phối tới việc triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng, theo đó, phải tuân thủ quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia (bao gồm 5 loại quy hoạch được ghi nhận theo Luật Quy hoạch năm 2017), quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phù hợp với nguồn lực (nhân lực, tài lực) huy động. Việc đặt ra nguyên tắc này có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo các yêu cầu đã được nêu ở Mục 1, đồng thời là cách nhìn nhận vấn đề rộng hơn, đảm bảo tính chắc chắn đối với quy hoạch xây dựng trong thực tế.
Thứ hai, cấp độ quy hoạch xây dựng phải bảo đảm thống nhất và phù hợp với quy hoạch có cấp độ cao hơn.
Cấp độ xây dựng quy hoạch bao gồm: quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu xây dựng và quy hoạch chi tiết xây dựng. Các cấp độ đã được sắp xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp, như vậy, các quy hoạch chi tiết phải phù hợp với quy hoạch phân khu và quy hoạch chung, quy hoạch chung mang tính tổng quát, bao trùm so với hai quy hoạch còn lại.
Mặc dù nguyên tắc tuân thủ đối với quy hoạch xây dựng khá ngắn, chỉ có hai nguyên tắc cơ bản, nhưng để đảm bảo được chúng trên thực tế sẽ là vấn đề đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.