Khái quát về tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh? Quy định về tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh?
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố để tồn tại và phát triển mà nền tảng trước hết là sự tuân thủ của doanh nghiệp trước các quy định của pháp luật. Việc vi phạm các quy định của pháp luật sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý là doanh nghiệp bị tạm ngừng, đình chỉ hoạt động hoặc buộc chấm dứt kinh doanh. Tuy nhiên, điều đó cũng không hoàn toàn tuyệt đối, bởi thực tế, việc tạm ngừng hoạt động có thể do một số nguyên nhân chủ quan xuất phát từ phía doanh nghiệp. Để hiểu rõ hơn về tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh, trong bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ tập trung phân tích nội dung này dưới góc độ lý luận và thực tiễn pháp luật chi tiết nhất.
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.
1. Khái quát về tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh?
Tạm ngừng kinh doanh là việc doanh nghiệp dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một thời hạn nhất định. Tại Khoản 1, Điều 41, Nghị định 01/2021/NĐ-CP có nhắc đến cụm thuật ngữ “tạm ngừng kinh doanh” và xem đây là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đang trong thời gian thực hiện tạm ngừng kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp.
Đình chỉ hoạt động (có thời hạn) là việc doanh nghiệp buộc phải dừng sản xuất kinh doanh một phần hoặc toàn bộ lĩnh vực sản xuất, kinh doanh theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thực tế, đình chỉ hoạt động có thời hạn mang bản chất giống với tạm ngừng kinh doanh, nhưng nguyên nhân phát sinh là khác nhau.
Chấm dứt kinh doanh là việc doanh nghiệp ngừng hẳn hoạt động thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận.(Khái niệm được xây dựng dựa trên định nghĩa về “kinh doanh” được ghi nhận tại Khoản 21, Điều 4, Luật Doanh nghiệp).
Cần chú ý: Tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh có thể diễn ra đối với một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
2. Quy định về tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh?
Thực tiễn quy định của pháp luật về tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh có thể được xem xét trên các khía cạnh sau:
Thứ nhất, các trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh.
Khoản 2, Điều 206 Luật Doanh nghiệp đưa ra 3 trường hợp cụ thể:
– Một là, tạm ngừng hoặc chấm dứt kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện tương ứng theo quy định của pháp luật.
Trường hợp này được ghi nhận trong mối quan hệ thống nhất với các văn bản pháp luật về đầu tư, cụ thể là Luật Đầu tư và Nghị định hướng dẫn Luật đầu tư (Nghị định 31/2021/NĐ-CP). Nói cụ thể hơn, tại Khoản 3, Điều 9 Luật Đầu tư có quy định về các điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm: (i) Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế; (2) Hình thức đầu tư; (2) Phạm vi hoạt động đầu tư; (3) Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;…nếu doanh nghiệp không còn đủ một trong các điều kiện này thì có thể bị tạm ngừng hoặc chấm dứt kinh doanh, tùy thuộc vào các điều kiện bị thiếu là gì.
– Hai là, tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Đây cũng là trường hợp tạm ngừng kinh doanh phổ biến của doanh nghiệp bên cạnh các yếu tố khác. Đặc biệt, trong tình hình vi phạm pháp luật về môi trường ngày càng nghiêm trọng, các doanh nghiệp thường sẽ phải tạm ngừng kinh doanh trong thời gian nhất định để khắc phục những hậu quả cũng như cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thời gian để thu thập chứng cứ và xử lý đối với doanh nghiệp.
– Ba là, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh một, một số ngành, nghề kinh doanh hoặc trong một số lĩnh vực theo quyết định của Tòa án.
Đình chỉ hoạt động bao gồm đình chỉ hoạt động có thời hạn và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, nếu định chỉ hoạt động có thời hạn thì mang bản chất giống với tạm ngừng hoạt động, còn đình chỉ hoạt động vĩnh viễn thì mang bản chất gần giống với chấm dứt kinh doanh. Ví dụ điển hình nhất trong trường hợp này đó là quy định của pháp luật hình sự về hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với pháp nhân thương mại pháp tội, theo đó, phạm nhân sẽ bị chấm dứt hoạt động trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra. (Khoản 1, Điều 79,
Thứ hai, thủ tục tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước thời hạn.
Trên cơ sở quy định tại khoản 1, Điều 206 Luật Doanh nghiệp, Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP đã quy định chi tiết về thủ tục tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước thời hạn, mà trọng tâm là thủ tục thông báo.
Thời hạn thông báo là: Chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
Chủ thể tiếp nhận thông báo: Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.
Hình thức thông báo: Văn bản.
Hồ sơ kèm theo: Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần; nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc tạm ngừng kinh doanh.
Trách nhiệm của chủ thể có thẩm quyền: Sau khi nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp giấy xác nhận về việc doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, giấy xác nhận về việc doanh nghiệp đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Trường hợp doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp và tình trạng của tất cả các chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng tạm ngừng kinh doanh. (Khoản 4, Điều 66, Nghị định 01/2021/NĐ-CP).
Ngoài ra doanh nghiệp còn phải thực hiện hàng loạt các thủ tục khác đối với cơ quan thuế trước, trong và sau khi tạm ngừng kinh doanh, nhằm đảm bảo đúng nghĩa vụ của mình với nhà nước.
Thứ ba, nghĩa vụ của doanh nghiệp trong thời gian tạm ngừng kinh doanh.
Nội dung này được quy định chung tại Khoản 3, Điều 206, theo đó: “Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.” Đây là quy định hoàn toàn hợp lý nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, doanh nghiệp, người lao động và đặc biệt là nghĩa vụ với nhà nước, tránh tình trạng tạm ngừng kinh doanh để trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nghĩa vụ, gây tổn hại tới các mối quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ. Việc tạm ngừng không làm mất tư cách của doanh nghiệp trong các mối quan hệ và sự ràng buộc của doanh nghiệp trước các nghĩa vụ với các chủ thể đối ứng, do vậy, việc phải thực hiện các nghĩa vụ “tài chính’ còn nợ là việc sớm muộn gì cũng phải thực hiện mà không thể tránh khỏi.
Thứ tư, tạm ngừng kinh doanh, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
– Khi nhận được văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài nhưng không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật thì Phòng đăng ký kinh doanh phải ra thông báo yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng, chấm dứt kinh doanh. Nếu doanh nghiệp không thực hiện tạm ngừng, chấm dứt kinh doanh thì Phòng Đăng ký kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp báo cáo theo quy định của pháp luật.
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Phòng Đăng ký kinh doanh nhận được văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc doanh nghiệp bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu tạm ngừng kinh doanh, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh hoặc chấp hành xong hình phạt, chấp hành xong biện pháp tư pháp theo quy định của pháp luật chuyên ngành, Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và công bố trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. (Khoản 2, Điều 67, Nghị định 01/2021/NĐ-CP).
Nhìn chung, quy định về tạm ngừng kinh doanh, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề cao trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc nhanh chóng phát hiện, thực hiện triệt để nhiệm vụ, quyền hạn của mình trước các hành vi vi phạm của doanh nghiệp để quyết định tạm ngừng, đình chỉ, chấm dứt hoạt động đúng đắn, đồng thời, buộc doanh nghiệp phải tuân thủ các quyết định, yêu cầu đó, việc chống đối sẽ dẫn đến việc doanh nghiệp phải gánh chịu thêm các hậu quả pháp lý bất lợi khác theo quy định của pháp luật.