Nhiệm vụ của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội? Quyền hạn của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội?
Ở Việt Nam, nguồn gốc của bảo hiểm xã hội bắt nguồn từ việc ra đời và thực hiện các quỹ tương thân, tương ái, gắn liền với cộng đồng làng xã, nhằm cưu mang, giúp đỡ những người gặp phải rủi ro, bất hạnh trong cuộc sống. Đây là cơ sở để Nhà nước phong kiến đề ra những sắc luật phù hợp, áp dụng trong toàn quốc, như lập các quỹ dự phòng thông qua thuế để tổ chức khám, chữa bệnh cho dân khi có bệnh dịch, đói kém, mất mùa… Cho đến tận bây giờ, bảo hiểm xã hội đã trở thành điều tất yếu không thể thiếu trong cuộc sống nhằm bảo đảm an toàn đời sống cho những người tham gia đồng thời góp phần bảo đảm an toàn xã hội. Theo đó, để đảm bảo cũng như là cơ quan có trách nhiệm chỉ đạo, giám sát hoạt động của cơ quan bảo hiểm xã hội thì không thể không nhắc đến Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội. Vậy Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội có nhiệm vụ, quyền hạn gì và được quy định ra sao? Bài viết dưới đây của Luật Dương Gia sẽ cung cấp cho bạn đọc nội dung liên quan đến: ” Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội”
Luật sư
– Cơ sở pháp lý:
Mục lục bài viết
1. Nhiệm vụ của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội.
– Tại Điều 94 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội, theo đó, hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội được hiểu là tổ chức ở cấp quốc gia có trách nhiệm chỉ đạo, giám sát hoạt động của cơ quan bảo hiểm xã hội và tư vấn chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
– Về thành phần của hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội: hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội bao gồm những bộ phận sau: (1) đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam,(2) cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, (3) tổ chức đại diện người sử dụng lao động, (4) cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và tổ chức khác có liên quan.
– Cơ cấu tổ chức của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội: hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội bao gồm những chức vụ sau: (1) Chủ tịch, (2) Phó Chủ tịch và các ủy viên do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định của pháp luật. Theo đó, Chủ tịch Hội đồng quản lý hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội được Chủ tịch Hội đồng quản lý ủy quyền có trách nhiệm triệu tập và chủ trì cuộc họp của Hội đồng quản lý theo quy định của pháp luật.
– Nhiệm kỳ của thành viên hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội: theo quy định của pháp luật thì nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội là 05 năm.
– Chế độ làm việc của hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội: hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội là một tổ chức, do đó Hội đồng quản lý làm việc theo chế độ tập thể. Thường ký cứ ba tháng một lần, hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội tiến hành họp để xem xét và quyết định về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt với những vấn đề không cần thiết phải thảo luận tại cuộc họp thì Chủ tịch Hội đồng quản lý gửi văn bản lấy ý kiến từng thành viên Hội đồng quản lý. Bên cạnh đó, khi có những vấn đề phát sinh, những vấn đề cấp bách thì Hội đồng quản lý có thể họp bất thường để giải quyết những vấn đề cấp bách khi Chủ tịch Hội đồng quản lý hoặc Tổng Giám đốc hoặc trên 50% tổng số thành viên Hội đồng quản lý đề nghị theo quy định của pháp luật. Trước ngày diễn ra cuộc họp ít nhất là năm ngày làm việc thì những nội dung và các tài liệu cuộc họp phải gửi đến các thành viên Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội. Sau đó, các thành viên Hội đồng quản lý có trách nhiệm nghiên cứu, chuẩn bị để đóng góp ý kiến vào quá trình thảo luận và ra Nghị quyết của Hội đồng quản lý.
– Nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội: Tại Điều 95 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội, theo đó, hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội có nhiệm vụ, quyền hạn như sau:
+ Thứ nhất, hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội có nhiệm vụ thông qua chiến lược phát triển ngành bảo hiểm xã hội, kế hoạch dài hạn, 05 năm, hằng năm về thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và những đề án bảo toàn và tăng trưởng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội có nhiệm vụ chỉ đạo xây dựng và thông qua chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt những đề án, chiến lược phát triển đó.
+ Thứ hai, hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội có nhiệm vụ hàng đầu là giám sát, kiểm tra Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện chiến lược, kế hoạch, đề án sau khi được phê duyệt theo quy định của pháp luật. Nhiệm vụ giám sát, kiểm tra của hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội là giám sát, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thu, chi, quản lý và sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Thông qua đóm hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách của Nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế để bảo đảm an toàn quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế để phù hợp và hoàn thiện hơn.
+ Thứ ba, hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội có nhiệm vụ thông qua các báo cáo hằng năm về việc thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tình hình quản lý và sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trước khi Bảo hiểm xã hội Việt Nam trình cơ quan có thẩm quyền và hằng năm hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội có nhiệm vụ báo cáo về tình hình thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định và kết quả hoạt động lên Thủ tướng Chính phủ.
2. Quyền hạn của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội.
Tại Điều 94 Luật bảo hiểm xã hội 2014 và Điều 11 Nghị định 89/2020/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội, song song với nhiệm vụ là quyền của hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội. Theo đó: hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội có những quyền hạn như sau:
+ Thứ nhất, hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội có quyền quyết định và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về các hình thức đầu tư và cơ cấu đầu tư của các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên cơ sở đề nghị của cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật trên cơ sở đề nghị của Tổng giám đốc.
+ Thứ hai, hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội có quyền thông qua những đề án, qua những cuộc kiểm tra, giám sát đó mà hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội có nhiệm vụ kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế để phù hợp hơn với tình hình hiện tại và để phát triển chiến lược phát triển của ngành. Ngoài ra, hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội còn có quyền kiện toàn hệ thống tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng như cơ chế quản lý và sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.
+ Thứ ba, hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội có quyền đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức của bộ, ngành mình để giúp việc, việc này có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình điều tiết, giám sát về nguồn nhân lực trong hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội. Theo đó, thành viên Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội sẽ được hưởng chế độ thù lao do Chính phủ quy định. Những thành viên của Hội đồng quản lý là đại diện của bộ, ngành chịu trách nhiệm báo cáo về những nội dung liên quan với Bộ trưởng bộ, ngành đó theo quy định của pháp luật.
+ Thứ tư, hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội có nhiệm vụ và quyền hạn thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác do Thủ tướng Chính phủ giao.
Từ đó, có thể thấy được hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội có vai trò vô cùng quan trọng trong việc tổ chức và quản lý bảo hiểm xã hội hiện nay. Đây là một trong những lực lượng chủ chốt, cốt lõi để tiến hành nhiệm vụ khảo sát, kiểm tra cũng như đưa ra những kiến nghị, những chiến lược, những đề án phát triển bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, những chế độ từ bảo hiểm… để từ đó có sự phù hợp và hoàn thiện hơn theo từng thời kỳ phát triển của đất nước.