Kháng cáo trong tố tụng dân sự là gì? Thời hạn kháng cáo trong tố tụng dân sự?
Kháng cáo phúc thẩm là một trong những quyền đặc biệt được pháp luật tố tụng dân sự trao cho đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của chính mình trong trường hợp đã có bản án xét xử sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật và họ không đồng ý với bản án, quyết định đó, yêu cầu toà án cấp trên xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm. Mặc dù là quyền nhưng kháng cáo không mang tính lâu dài mà chỉ diễn ra trong một thời hạn nhất định, ràng buộc trách nhiệm và hành vi của người kháng cáo trong một thời gian cụ thể. Vậy thời hạn đó là bao lâu, Luật Dương Gia sẽ trả lời ngay trong bài viết dưới đây.
Dịch vụ Luật sư
Cơ sở pháp lý:
1. Kháng cáo trong tố tụng dân sự là gì?
Khái niệm kháng cáo được giải thích trong từ điển Tiếng Việt có nghĩa là “chống án lên tòa án cấp trên, yêu cầu xét xử lại”, tức là khi vụ việc đã được đưa ra xét xử và đã được kết luận bằng một bản án của Tòa án cấp sơ thẩm mà các bên đương sự không thây thỏa mãn với kết quả xét xử thì sẽ mong muốn chóng lại bản án đó để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Dưới góc độ khoa học pháp lý, trên cơ sở tìm hiểu và tiếp thu ý kiến từ các tác giả khác nhau, có thể hiểu: Kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm là một trong những hoạt động tố tụng mà đương sự và các chủ thể khác theo quy định của pháp luật trong quá trình tham gia tố tụng không đồng ý với một phần hoặc toàn bộ bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật hoặc có căn cứ cho rằng bản án, quyết định đó xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định sơ thẩm đó.
Kháng cáo mang những đặc điểm sau:
– Kháng cáo là cơ sở làm phát sinh thủ tục phúc thẩm, là cơ sở hình thành căn cứ xác định phạm vi xét xử phúc thẩm.
– Chủ thể có quyền kháng cáo có quyền tự định đoạt việc thực hiện quyền kháng cáo, phạm vi kháng cáo, thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo.
– Chủ thể thực hiện kháng cáo là những chủ thể tham gia tố tụng, có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bị ảnh hưởng bởi bản án, quyết định của toà án hoặc là những người đại điện hợp pháp cho chủ thể có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
– Khi thực hiện kháng cáo, phạm vi kháng cáo không vượt quá giới hạn những nội dung đã được giải quyết ở Toà án cấp sơ thẩm.
– Các chủ thể tham gia kháng cáo chỉ được thực hiện kháng cáo trong thời hạn mà pháp luật quy định, trừ một số trường hợp đặc biệt.
Kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm ngày càng phát triển và từng bước được khẳng định vai trò của mình trong hệ thống tố tụng dân sự. Kháng cáo là một quyền tố tụng quan trọng của đương sự và của những chủ thể khác theo quy định của pháp luật trong việc bày tỏ ý kiến, quan điểm, thái độ không đồng ý với kết quả xét xử của Toà án cấp sơ thẩm, yêu cầu toà án có thẩm quyền xem xét lại nội dung vụ án.
2. Thời hạn kháng cáo trong tố tụng dân sự?
Thời hạn kháng cáo là khoảng thời gian được Bộ luật tố tụng dân sự ấn định, mà khi hết khoảng thời gian đó, người có quyền kháng cáo không còn quyền kháng cáo, trừ trường hợp đặc biệt khác.
Theo quy định tại Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự, thì thời hạn kháng cáo được áp dụng như sau:
“1. Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.
2. Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, kể từ ngày đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết theo quy định của Bộ luật này.
3. Trường hợp đơn kháng cáo được gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo được xác định căn cứ vào ngày tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày đơn kháng cáo được giám thị trại giam xác nhận.“
Từ quy định, có thể đúc kết cơ bản thời hạn kháng cáo như sau: Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày và thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, thời điểm tính bắt đầu thời hạn là khác nhau.
Như vậy, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định chặt chẽ, cụ thể hơn trong
– Đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức khởi kiện không có mặt tại phiên toà hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
– Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên toà nhưng vắng mặt khi toà tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.
Sự thay đổi này nhằm khắc phục hạn chế trong quy định về việc khó xác định “đương sự không có mặt tại phiên toà” ở Khoản 1, Điều 245 Bộ luật tố tụng dân sự, bởi thực tế, có trường hợp đương sự tham gia diễn biến phiên toà ban đầu, sau đó bỏ về nửa chừng nên không có mặt để biết được diễn biến phiên toà và không có mặt khi Toà án tuyên án.
Ngoài ra, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 cũng đã bổ sung quy định về trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày đơn kháng cáo được giám thị trại giam xác nhận nhằm đảm bảo quyền kháng cáo cho người đang bị giam giữ tại trại tạm giam. Đây là quy định mới nhằm bảo đảm quyền con người của người bị tạm giam. Bởi khi áp dụng biện pháp tạm giam các chủ thể đã cơ bản bị hạn chế một số quyền con người, quyền công dân trong đó phải kể đến quyền tự do đi lại,…họ không thể gửi đơn kháng cáo cho toà án để thực hiện quyền kháng cáo của mình.
Thời điểm bắt đầu, kết thúc thời hạn kháng cáo được xác định như sau:
– Thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo bản án sơ thẩm là ngày tiếp theo của ngày được xác định. Ngày được xác định là ngày tòa tuyên án đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có mặt tại phiên tòa sơ thẩm hoặc đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi tuyên án mà không có lý do chính đáng. Ngày xác định còn là ngày người có quyền kháng cáo nhận bản án hoặc bản án được niêm yết đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tòa án tuyên án mà có lý do chính đáng.
– Thời điểm bắt đầu thời hạn kháng cáo quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của tòa án cấp sơ thẩm là ngày tiếp theo của ngày được xác định. Ngày được xác định là ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định hoặc ngày quyết định đó được niêm yết. Trường hợp tòa án phải tiến hành uỷ thác tư pháp để tống đạt bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm cho đương sự đang cứ trú ở nước ngoài thì thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo là ngày nhận được uỷ thác tư pháp, ngày nhận được uỷ thác tư pháp được xác định theo quy định của pháp luật về uỷ thác tư pháp.
– Thời điểm kết thúc thời hạn kháng cáo là thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn. Nếu ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần (thứ bảy, chủ nhật) hoặc ngày nghỉ lễ thì thời hạn kháng cáo kết thúc vào lúc hai mươi tư giờ của ngày làm việc đầu tiên tiếp theo ngày nghỉ đó.
Mặc dù đã có nhiều điểm tiến bộ so với Bộ luật tố tụng dân sự 2011, tuy nhiên, quy định về thời hạn kháng cáo trong Bộ luật tố tụng dân sự 2015 vẫn bộc lộ những hạn chế, vướng mắc nhất định, chẳng hạn:
Điều 273 chỉ quy định đối với trường hợp đương sự có mặt tại phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa tuyên án thì Tòa án mới xét đến lý do vắng mặt, còn đối với trường hợp đương sự văng mặt tại phiên tòa ngay từ đầu thì tòa án không cần xét đến lý do vắng mặt. Như vậy, nếu theo quy định của Điều 273 thì người không có mặt tại phiên tòa không có lý do chính đáng sẽ được áp dụng quy chế pháp lý có lợi giống với người không có mặt tại phiên tòa có lý do chính đáng- thời điểm tính thời hạn kháng cáo đối với họ đều được xác định từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.