Tài liệu, chứng cứ được cung cấp trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm? Chủ thể cung cấp chứng cứ, tài liệu trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án dân sự? Thời hạn cung cấp chứng cứ ở giai đoạn phúc thẩm? Trình tự, thủ tục, cách thức cung cấp, giao nộp chứng cứ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án dân sự?
Cung cấp tài liệu, chứng cứ là một hoạt động vô cùng quan trọng trong việc giải quyết các vụ án dân sự. Hoạt động cung cấp tài liệu, chứng cứ thường được thực hiện ở giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, hoạt động này không chỉ tiến hành ở giai đoạn đó mà còn có thể được thực hiện ở các giai đoạn khác. Việc cung cấp tài liệu, chứng cứ có thể được thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ cung cấp các thông tin về cung cấp tài liệu, chứng cứ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm.
Tổng đài Luật sư
1. Tài liệu, chứng cứ được cung cấp trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm
Tại điều 287
“Điều 287. Cung cấp tài liệu, chứng cứ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm
1. Đương sự được quyền bổ sung tài liệu, chứng cứ sau đây trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm:
a) Tài liệu, chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không cung cấp, giao nộp được vì có lý do chính đáng;
b) Tài liệu, chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm không yêu cầu đương sự giao nộp hoặc đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục sơ thẩm.”
Theo tinh thần tại Nghị quyết số 06/2012/NQ- HĐTP ngày 03/12/2013 của Hội đồng Thẩm phán
Về “Tài liệu, chứng cứ mà …. đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục sơ thẩm” thì có thể hiểu đó là việc đương sự không biết về sự tồn tại chứng cứ, tài liệu nên không cung cấp chứng cứ cho Tòa án cấp sơ thẩm, sau này khi vụ án được xét xử lại ở Tòa án cấp phúc thẩm thì đương sự mới biết được sự tồn tại của chứng cứ, tài liệu này và cung cấp cho Tòa án cấp phúc thẩm. Còn quy định về những tài liệu, chứng cứ Tòa án không yêu cầu giao nộp hiện nay có rất nhiều quan điểm cho rằng việc nộp tài liệu, chứng cứ là nghĩa vụ của đương sự, dù Tòa án không yêu cầu thì các đương sự cũng phải thực hiện. Nếu không dễ dẫn đến tình trạng đương sự đã có chứng cứ nhưng họ cố tình không giao nộp chứng cứ trong giai đoạn xét xử sơ thẩm.
2. Chủ thể cung cấp chứng cứ, tài liệu trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án dân sự
Tại Khoản 1 Điều 287 trên đã quy định rất rõ về chủ thể có quyền cung cấp chứng cứ đó chính là đương sự. Bên cạnh đó thì Điều 93 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 ghi nhận nghĩa vụ chứng minh thuộc về các đương sự quy định này hoàn toàn phù hợp với nội dung Điều 6 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về nguyên tắc ” Cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự ”. Theo đó, đương sự nào có yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình kể cả trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, kháng cáo để bảo vệ lợi ích công cộng lợi ích của Nhà nước hoặc yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì phải thu thập, cung cấp, giao nộp tài liệu chứng cứ cho tòa chứng minh việc yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ và hợp pháp. Ngoài ra đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình phải thể hiện bằng văn bản và phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho tòa án tài liệu chứng cứ để chứng minh cho sự phản đối đó.
Về nguyên tắc, bên nào đưa ra yêu cầu trước thì bên đó phải có nghĩa vụ chứng minh. Vì thế, trong thủ tục phúc thẩm, thì người kháng cáo là người phải chúng mình trước, sau đó đến những chủ thể khác. Rõ ràng nghĩa vụ chứng minh không chỉ đạt với bên kháng cáo mà đặt ra với các chủ thể khác trong vụ án. Điều này thể hiện sự bình đẳng ngang nhau về nghĩa vụ chứng minh. Kèm theo đó là những tài liệu bằng chứng mà đương sự phải cung cấp, giao nộp cho tòa án.
Sở dĩ pháp luật tố tụng dân sự quy định nghĩa vụ chứng minh cũng như nghĩa vụ cung cấp chứng cứ thuộc về đương sự là bởi họ là chủ thể của quan hệ pháp luật tranh chấp hoặc là người đưa ra yêu cầu khiếu nại, họ là người biết rõ nguyên nhân nội dung của tranh chấp, việc giải quyết tranh chấp có liên quan đến lợi ích của họ nên họ có điều kiện cung cấp cho tòa án các chứng cứ của vụ việc. Mặt khác việc xác định trách nhiệm cung cấp chứng cứ thuộc về các đương sự nhằm mục đích để các đương sự cân nhắc, tính toán kỹ bởi nếu đưa ra yêu cầu mà không đưa ra được chứng cứ bảo vệ cho yêu cầu của mình thì đương sự dễ gặp những bất lợi.
3. Thời hạn cung cấp chứng cứ ở giai đoạn phúc thẩm
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định đương sự, Viện Kiểm sát có thể bổ sung tài liệu, chứng cứ mới tại bất cứ giai đoạn nào trong quá trình giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục phúc thẩm, có thể trước phiên tòa (khoản 8 Điều 272, Khoản 3 Điều 270, Điều 287) hoặc tại phiên tòa phúc thẩm (khoản 3 Điều 302). Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng dân sự không có quy định để hạn chế sự thiếu trung thực của một bên đương sự khi cung cấp chứng cứ mới ở giai đoạn phúc thẩm cũng như không có quy định về quyền được biết các chứng cứ mới trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra.
4. Trình tự, thủ tục, cách thức cung cấp, giao nộp chứng cứ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án dân sự
Khoản 2 Điều 287 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
“2. Thủ tục giao nộp tài liệu, chứng cứ được thực hiện theo quy định tại Điều 96 của Bộ luật này.”
Như vậy, thủ tục cung cấp tài liệu, chứng cứ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm được thực hiện như trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự. Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được đương sự giao nộp thì Tòa án có quyền yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung tài liệu chứng minh cho “lý do chính đáng” hoặc “hông thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục sơ thẩm” hay “Tòa án không có yêu cầu”,… và có thể bổ sung những chứng cứ, tài liệu khác.
Để xác định trách nhiệm của các bên trong việc giao nhận bảo quản chứng cứ để đảm bảo tính chính xác, trung thực, khách quan khoản 2 Điều 96 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định việc đương sự giao nộp tài liệu chứng cứ cho tòa án phải được lập thành biên bản. Trong biên bản giao nhận chứng cứ phải ghi rõ tên gọi hình thức, nội dung đặc điểm của tài liệu chứng cứ, số bản số trang của chứng cứ và thời gian nhận, chữ ký hoặc điểm chỉ của người lao nộp, chữ ký của người nhận và đấu của tòa án. Biên bản phải lập thành hai bản, một bản lưu vào hồ sơ vụ việc dân sự và một bản giao cho đương sự nộp chứng cứ. Quy định này hướng dẫn về cách thức giao nộp tài liệu chứng cứ và điều kiện về tính hợp pháp của chứng cứ đó là phải được thu thập, giao nộp theo trình tự và thủ tục do Bộ luật Tố tụng dân sự quy định.
Phần lớn các trường hợp thì đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ tại tòa án. Tuy nhiên hiện nay còn có cách nộp các tài liệu, chứng cứ thông qua đường bưu điện hoặc bằng phương tiện điện tử đến Tòa án thông qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án. Sau khi nhận được tài liệu, chứng cứ đương sự gửi quan đường bưu điện thì tòa án phải ghi vào sổ nhận đơn, đồng thời đối chiếu tài liệu, chứng cứ theo bảng danh mục tài liệu, chứng cứ mà đương sự gửi kèm theo, nếu thiếu phải báo cáo ngay để xác nhận tình tranh thiếu tài liệu, chứng cứ liệt kê trong danh mục, đồng thời báo ngay cho người gửi tài liệu để họ biết để giao nộp bổ sung. Đối với trường hợp đương sự gửi tài liệu, chứng cứ bằng phương tiện điện tử, sau khi nhận tài liệu, chứng cứ , Tòa án tiến hành kiểm tra tài liệu, chứng cứ đã nhận và gửi thông báo đã nhận tài liệu, chứng cứ từ Cổng thông tin điện tử của Tòa án đến địa chỉ thư điện tử đã đăng ký của đương sự.
Đương sự cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ bằng tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch sang tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp. (Khoản 3 Điều 96 Bộ luật Tố tụng dân sự ). Lưu ý là trong một số trường hợp đương sự là người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài thì một số tài liệu, chứng cứ phải được công chứng của nước nơi đương sự cư trú hoặc pháp nhân có trụ sở và phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định.