Xét xử phúc thẩm vụ án dân sự là gì? Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự? Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự?
Đình chỉ xét xử phúc thẩm và tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm là một trong hai quyết định được tòa án cấp phúc thẩm ban hành trong thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm hoặc tại phiên tòa xét xử phúc thẩm khi thỏa mãn các điều kiện luật định, nhằm đảm bảo quyền lợi cho đương sự, tổ chức, cá nhân, nhà nước trong quá trình giải quyết vụ án dân sự. Trong bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ có sự phân tích sâu hơn về đình chỉ và tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm theo quy định của
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
Bộ luật tố tụng dân sự.
1. Xét xử phúc thẩm vụ án dân sự là gì?
Theo Từ điển Tiếng Việt, phúc thẩm là việc “Tòa án cấp trên xét xử lại một vụ án do cấp dưới đã xét xử sơ thẩm mà có chống án”. Theo Từ điển Luật học, phúc thẩm là xét lại vụ án, quyết định đã được Tòa án cấp dưới xét xử sơ thẩm nhưng chưa có hiệu lực pháp luật mà bị kháng cáo, kháng nghị.
Phúc thẩm vụ án dân sự là việc Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án dân sự mà bản án quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị. Do đó, có thể hiểu, xét xử phúc thẩm vụ án dân sự là hoạt động của Tòa án xét xử lại vụ án hoặc xét lại bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.
2. Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự?
Đình chỉ xét xử phúc thẩm là quyết định của Tòa án làm chấm dứt hoạt động tố tụng giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục phúc thẩm và kết quả của quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn sơ thẩm sẽ được công nhận, theo đó quyền và nghĩa vụ của các bên được ấn định trong bản án, quyết định sơ thẩm sẽ được tôn trọng và có hiệu lực thi hành.
Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án được quy định tại Điều 289 Bộ luật tố tụng dân sự, theo đó, phân tích quy định này, cần tập trung vào các vấn đề lớn sau:
Thứ nhất, căn cứ đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự là gì?
Theo khoản 1, Điều 289, Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án hoặc một phần vụ án trong các trường hợp sau đây:
Một là, các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này.
Cụ thể: Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế hoặc cơ quan, tổ chức đã bị giải thể, phá sản mà không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó.
Tuy nhiên, nếu hai căn cứ này phát sinh ở giai đoạn sơ thẩm nhưng tòa án cấp sơ thẩm khi giải quyết vụ án đã không phát hiện ra và khi tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại vụ án mới phát hiện ra các căn cứ này thì tòa án cấp phúc thẩm phải hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.
Nếu hai căn cứ này xảy ra ở giai đoạn phúc thẩm tức là trong quá trình giải quyết vụ án ở tòa án cấp phúc thẩm thì nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân mới chết mà quyền và nghĩa vụ không được thừa kế hoặc cơ quan, tổ chức mới bị giải thể hoặc bị tuyên bố phá sản mà không có cá nhân, cơ quan, tổ chức nào kế thừa quyền và
nghĩa vụ tố tụng thì tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.
Hai là, người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị.
Đây là trường hợp có nhiều kháng cáo, kháng nghị đối với một hoặc nhiều quyết định của bản án, quyết định sơ thẩm nhưng người kháng cáo, viện kiểm sát đã rút tất cả kháng cáo, kháng nghị nên đối tượng xét xử của tòa án không còn nữa. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người kháng cáo, viện kiểm sát đồng ý với bản án, quyết định sơ thẩm. Do đó, tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm và bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật.
Ba là, người kháng cáo rút một phần kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị.
Căn cứ này được bổ sung trong Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi bổ sung năm 2011 và được tiếp tục quy định trong
– Người kháng cáo rút kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút kháng nghị mà trong vụ án không còn có kháng cáo của người khác, không có kháng nghị của Viện kiểm sát đối với phần của bản án, quyết định sơ thẩm đó.
– Phần bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo hoặc kháng nghị mà kháng cáo hoặc kháng nghị đó đã được rút độc lập với những phần khác của bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị và việc xét kháng cáo, kháng nghị này không liên quan đến phần bản án, quyết định sơ thẩm có kháng cáo hoặc kháng nghị đã được rút.
Hai điều kiện này phải được đáp ứng đồng thời.
Bốn là, các trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Đây là trường hợp mở rộng, dự liệu của pháp luật trong sự thống nhất của toàn hệ thống pháp luật.
Thứ hai, thẩm quyền ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự?
Việc đình chỉ xét xử phúc thẩm trước khi mở phiên tòa do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định. Trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo, Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị sau khi Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm và tại phiên tòa do Hội đồng xét xử quyết định. (Khoản 2, Điều 289).
Thứ ba, hiệu lực cùa quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự và hiệu lực của bản án sơ thẩm?
Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án có hiệu lực thi hành ngay và phải được gửi ngay cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp. Bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật từ ngày Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.
3. Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự?
Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp phúc thẩm quyết định tạm thời ngừng việc giải quyết lại vụ án khi có căn cứ theo quy định của pháp luật.
Cũng giống như các nội dung phân tích ở đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự, tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự được cũng được xem xét dưới các khía cạnh sau, trên cơ sở quy định tại Điều 288, Bộ luật tố tụng dân sự:
Thứ nhất, căn cứ tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự là gì?
Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự khi có một trong các căn cứ quy định tại Điều 214, cụ thể:
– Đương sự là cá nhân đã chết, cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể mà chưa có cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.
– Đương sự là cá nhân mất năng lực hành vi dân sự, người chưa thành niên mà chưa xác định được người đại diện theo pháp luật;
– Chấm dứt đại diện hợp pháp của đương sự mà chưa có người thay thế;
…..
– Cần đợi kết quả xử lý văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên mà Tòa án đã có văn bản kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ. Đây là căn cứ mới được quy định so với Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Nhìn chung, các căn cứ tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự rộng hơn so với đình chỉ, bởi hậu quả pháp lý của hai quyết định này là có sự khác nhau, tính ảnh hưởng của quyết định đối với đương sự cũng có sự khác nhau.
Thứ hai, thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự?
Thẩm phán được phân công phụ trách vụ án có quyền ra quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự. Để nâng cao trách nhiệm của Thẩm phán trong việc giải quyết vụ án, trong thời gian tạm đình chỉ giải quyết vụ án, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án vẫn phải có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi nhằm khắc phục những lí do dẫn tới vụ án bị đình chỉ trong thời gian ngắn nhất.
Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án tại phiên tòa do Hội đồng xét xử quyết định.
Thứ ba, hiệu lực cùa quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự và hậu quả pháp lý.
Quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án có hiệu lực thi hành ngay và được gửi ngay cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp.
Khi có quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự, tòa án cấp phúc thẩm không xóa tên vụ án trong sổ thụ lý mà chỉ ghi chú vào sổ thụ lý số, ngày, tháng năm của quyết định tạm đình chỉ. Tòa án cấp phúc thẩm tiếp tục giải quyết vụ án khi lý do tạm đình chỉ không còn.