Tranh chấp lao động là một trong những loại tranh chấp pháp lý phổ biến hiện nay. Tuỳ vào từng loại tranh chấp, từng loại yêu cầu khác nhau mà thẩm quyền giải quyết cũng có sự khác nhau. Vậy những tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Tranh chấp lao động là gì?
Tranh chấp lao động không chỉ là tranh chấp về sự lao động, về sự làm việc, xung đột về hành vi liên quan đến hoạt động chức năng của người lao động. Tranh chấp lao động là loại tranh chấp về các lao động liên quan đến quá trình lao động, quá trình xác lập, duy trì, chấm dứt mối quan hệ lao động giữa các bên. Bên cạnh đó, tranh chấp lao động còn bao gồm cả các xung đột liên quan đến việc làm, học nghề, quan hệ đại diện lao động.. những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của các bên gồm: người lao động và người sử dụng lao động. Do đó, có thể hiểu tranh chấp lao động là một khái niệm khá rộng, khá bao trùm bởi lẽ quyền và lợi ích của các bên trong quan hệ lao động là những yếu tố khá phức tạp.
– Đặc điểm của tranh chấp lao động:
+ Đặc điểm về chủ thể: tranh chấp lao động có hệ thống chủ thể riêng, bao gồm người lao động và người sử dụng lao động, tập thể lao động, đại diện của người lao động và đại diện của người sử dụng lao động.
+ Đặc điểm về phạm vị tranh chấp: tranh chấp lao động là loại tranh chấp xuất hiện, tồn tại trong phạm vi của quá trình lao động.
+ Đặc điểm về nội dung tranh chấp: tranh chấp lao động có nội dung khá đặc trưng, đó là những giá trị vật chất, tinh thần gắn liền với lao động, nói cách khác thì đó là các quyền, lợi ích gắn liền với nghề nghiệp. Những khoản tiền lương, phụ cấp, ký kết
+ Đặc điểm về ảnh hưởng xã hội: tranh chấp hợp đồng lao động có sự ảnh hưởng rất lớn tới đời sống lao động và đời sống kinh tế- xã hội, đời sống chính trị. Tranh chấp lao động làm cho quan hệ lao động và các quan hệ xã hội khác trong quá trình lao động sẽ bị sứt mẻ, biến dạng, thậm chí bị phá vỡ. Các tranh chấp lao động có thể gâu ra những ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống chính trị của quốc gia và các vấn đề quốc tế có liên quan.
2. Những tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án:
Việc phân định thẩm quyền theo thủ tục sơ thẩm của tòa án các cấp (cấp huyện và cấp tỉnh) căn cứ vào tính chất, mức độ phức tạp của từng loại tranh chấp, vào trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng cán bộ tòa án cũng như điều kiện về cơ sở vật chất kĩ thuật thực tế ở các cấp tòa án. Từ thực tiễn xét xử của ngành tòa án theo tinh thần đổi mới công tác tư pháp, kế thừa các quy định của pháp luật tố tụng trước đây, BLTTDS đã quy định thẩm quyền của tòa án các cấp theo hướng mở rộng hơn thẩm quyền cho tòa án cấp huyện. Điều này nhằm một mặt tạo điều kiện cho việc giải quyết nhanh chóng vụ tranh chấp, kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên, mặt khác nhằm giảm áp lực công việc cho tòa án cấp tỉnh để có thể tập trung vào hoạt động xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.
Tại Điều 32
– Những trường hợp tranh chấp lao động mà không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải, đó là: (1) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, (2) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, (3) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động, (4) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, (5) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, (6) Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.
(7) Tranh chấp lao động cá nhân mà hai bên thỏa thuận lựa chọn Hội đồng trọng tài lao động giải quyết nhưng hết thời hạn theo quy định của pháp luật về lao động mà Ban trọng tài lao động không được thành lập, Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc một trong các bên không thi hành quyết định của Ban trọng tài lao động thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
(8) Tranh chấp lao động tập thể về quyền theo quy định của pháp luật về lao động đã qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động mà hòa giải không thành, hết thời hạn hòa giải theo quy định của pháp luật về lao động mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc một trong các bên không thực hiện biên bản hòa giải thành thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
(9) Tranh chấp lao động tập thể về quyền mà hai bên thỏa thuận lựa chọn Hội đồng trọng tài lao động giải quyết nhưng hết thời hạn theo quy định của pháp luật về lao động mà Ban trọng tài lao động không được thành lập, Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc một trong các bên không thi hành quyết định của Ban trọng tài lao động thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
– Theo Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, toà án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các tranh chấp lao động cá nhân quy định tại điểm c khoản 1 Điều 31 Bộ luật tố tụng dân sự 2015; đó là các tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động và người sử dụng lao động thuộc thẩm quyền chung của toà án như đã đề cập ở trên, trừ những tranh chấp mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cho toà án nước ngoài…. Điều này góp phần giảm nhẹ gánh nặng cho toà án cấp tỉnh. Tương ứng, toà án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp lao động tập thể về quyền thuộc thẩm quyền chung của toà án; các tranh chấp lao động cá nhân mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác cho cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài hoặc cho toà án nước ngoài; và các yêu cầu về lao động quy định tại Điều 33 BLTTDS.
Toà án nhân dân cấp tỉnh có quyền lấy để giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân cấp huyện (nếu thấy cần thiết). Như vậy, nếu tính cả các yêu cầu về lao động thì không chỉ tòa án cấp huyện mà cả tòa án nhân dân cấp tỉnh cũng được BLTTDS sửa đổi quy định gia tăng thẩm quyền trong việc giải quyết tranh chấp và yêu cầu về lao động.
– Thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ: Xác định thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ là việc xác định thể tòa án nào giữa các tòa án cùng cấp có quyền giải quyết vụ án lao động theo thủ tục sơ thẩm. Điều này nhằm mục đích đảm bảo sự không chồng chéo giữa các tòa án và nâng cao tính hiệu quả trong việc giải quyết, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho đương sự trong việc tham gia tố tụng nhằm giải quyết vụ việc được nhanh chóng, kịp thời. Hơn nữa, do quan hệ lao động là quan hệ được thiết lập trên cơ sở bình đẳng, tự do thỏa thuận cho nên trong việc giải quyết tranh chấp phát sinh từ các quan hệ này nói chung và việc phân định thẩm quyền của tòa án nói riêng cũng phải đảm bảo quyền tự định đoạt của các bên tranh chấp. Từ nguyên tắc trên, khoản 1 Điều 39 BLTTDS quy định thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ giải quyết vụ án lao động như sau:
– Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động theo thủ tục sơ thẩm. Toà án nơi nguyên đơn cư trú, làm việc nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi nguyên đơn có trụ sở nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo thủ tục sơ thẩm trong trường hợp các đương sự đã thỏa thuận bằng văn bản chọn tòa án này giải quyết.
– Thẩm quyền của tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu: Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nguyên đơn, người yêu cầu trong trường hợp việc xác định thẩm quyền theo lãnh thổ có khó khăn, không rõ ràng hoặc trường hợp nếu để tòa án có thẩm quyền theo lãnh thổ giải quyết sẽ không thuận lợi cho nguyên đơn hoặc người yêu cầu, Điều 40 BLTTDS quy định quyền của nguyên đơn, người yêu cầu có thể lựa chọn tòa án giải quyết tranh chấp lao động trong những trường hợp nhất định.
– Theo đó, nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết. Trường hợp tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức thì có thể yêu cầu tòa án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết. Nguyên đơn là NLĐ cũng có thể yêu cầu tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết nếu đó là tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt HĐLĐ, bảo hiểm xã hội, quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác đối với NLĐ. Nếu tranh chấp phát sinh từ việc sử dụng lao động của người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian thì nguyên đơn có thể yêu cầu tòa người có vai trò trung gian cư trú, làm việc giải quyết.
3. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động của Tòa án nhân dân các cấp:
– Tòa án nhân dân cấp huyện
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Theo đó, Tòa án nhân dân cấp huyện sẽ giải quyết các tranh chấp về lao động theo thủ tục sơ thẩm, trừ các tranh chấp thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh.
– Tòa án nhân dân cấp tỉnh
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 37 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Theo đó, Tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ giải quyết các tranh chấp về lao động theo thủ tục sơ thẩm khi:
– Có đương sự ở nước ngoài;
– Có tài sản ở nước ngoài;
– Cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
Và theo quy định tại khoản 4 Điều 38 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về Thẩm quyền của các Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Theo đó, Tòa lao động Tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ giải quyết các tranh chấp về lao động theo thủ tục phúc thẩm.
– Thẩm quyền Tòa án theo lãnh thổ
Bên cạnh đó, thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Như vậy, Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về lao động.
Trường hợp có thỏa thuận bằng văn bản Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về lao động thì theo thỏa thuận.
– Cơ sở pháp lý:
+ Bộ luật tố tụng dân sự 2015.