Pháp luật thủy sản hiện hành quy định về các trường hợp khi thực hiện nhập khẩu thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường thủy sản cần phải có sự cho phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sự cho phép của cơ quan này thể hiện qua việc cấp Giấy phép nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.
Mục lục bài viết
1. Giấy phép nhập khẩu thức ăn thủy sản là gì?
Tại Khoản 1 Điều 30 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản quy định như sau: Thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản nhập khẩu theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật Thủy sản phải được Tổng cục Thủy sản cấp phép.
Dẫn chiếu theo quy định trên thì trong Khoản 2 Điều 36 Luật Thủy sản năm 2017 quy định: trường hợp nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản có hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản không thuộc danh mục quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 31 của Luật này để khảo nghiệm, nghiên cứu khoa học, trưng bày tại hội chợ, triển lãm phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép.
Theo quy định trên thì đối với những sản phẩm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản từ nước ngoài phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép khi mà những sản phẩm này có hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản có tính mới, không nằm trong danh mục cấm sử dụng hay được phép sử dụng tại Việt Nam và việc nhập khẩu này nhằm mục đích khảo nghiệm, nghiên cứu khoa học, trưng bày tại hội chợ, triển lãm.
Từ đó có thể hiểu Giấy phép nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản chính là văn bản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành thể hiện sự cho phép nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản từ nước ngoài để tiến hành trưng bày tại hội chợ, triển lãm/để nghiên cứu.
Giấy phép nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản (mẫu 16.NT) thể hiện sự cho phép của nhà nước đối với hoạt động nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản để trưng bày tại hội chợ, triển lãm/để nghiên cứu theo quy định của luật. Đồng thời đây cũng chính là căn cứ để các cơ sở, tổ chức, cá nhân tiến hành nhập khẩu đối với sản phẩm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trường thủy sản được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép nhập khẩu.
2. Mẫu giấy phép nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản (mẫu 16.NT):
Giấy phép nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản (mẫu 16.NT) được quy định trong Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ- CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Mẫu Quyết định như sau:
Mẫu số 16.NT
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
TỔNG CỤC THỦY SẢN
——-
Số: ……../GPNK-TCTS……. (1)
Hà Nội, ngày … tháng … năm 20…. (2)
GIẤY PHÉP NHẬP KHẨU
Thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản
Căn cứ Quyết định ……. của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số ………/2019/NĐ-CP ngày … tháng … năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản;
Căn cứ đơn đề nghị nhập khẩu số ……. ngày … tháng … năm 20 … của (tên cơ sở đề nghị) …. và hồ sơ đăng ký nhập khẩu; (3)
Xét đề nghị của ……
1. Tổng cục Thủy sản đồng ý cấp phép nhập khẩu cho ……. (Tên cơ sở, địa chỉ của cơ sở)…. được phép nhập khẩu …. (số lượng) ….. sản phẩm để ….. (ghi rõ mục đích nhập khẩu theo đề nghị của cơ sở), cụ thể:
STT | Tên sản phẩm | Khối lượng/thể tích | Bản chất, công dụng | Dạng, màu | Quy cách bao gói | Hãng, nước sản xuất |
1 | ||||||
2 | ||||||
3 | ||||||
2. Thời gian nhập: ……… (4)
3. Cửa khẩu nhập: ……… (5)
4. Giấy phép này có giá trị đến hết ngày: ……… (6)
Cơ sở phải thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành.
Nơi nhận:
– Tên cơ sở đăng ký nhập khẩu;
– Tên cơ quan Hải quan nơi đăng ký;
– Lưu: VT, ………(…bản).
TỔNG CỤC TRƯỞNG
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)
3. Hướng dẫn soạn thảo giấy phép nhập khẩu thức ăn thủy sản (mẫu 16.NT):
(1) Ghi số hiệu văn bản
(2) Ghi ngày tháng năm ban hành quyết định
(3) Ghi thông tin theo đơn đề nghị nhập khẩu
(4) Ghi thời gian cho phép nhập khẩu
(5) Ghi cửa khẩu cho phép tiến hành nhập khẩu
(6) Ghi thời điểm Giấy phép hết hiệu lực
4. Thủ tục ban hành giấy phép nhập khẩu thức ăn thủy sản:
Thủ tục ban hành Giấy phép nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản được quy định tại Điều 30 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.
Cơ sở nhập khẩu phải tiến hành lập hồ sơ đăng ký thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản khi có mong muốn nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản để trưng bày tại hội chợ, triển lãm/để nghiên cứu thuộc trường hợp phải được cấp phép theo luật định.
2. Hồ sơ đăng ký nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản được quy định tại Khoản 2 Điều 30 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản bao gồm các văn bản như sau:
“a) Đơn đăng ký nhập khẩu theo Mẫu số 15.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Giấy xác nhận về việc tổ chức hoặc tham gia hội chợ, triển lãm tại Việt Nam (đối với trường hợp nhập khẩu để giới thiệu tại hội chợ, triển lãm);
c) Đề cương nghiên cứu đã được phê duyệt theo quy định của pháp luật về khoa học công nghệ (đối với trường hợp nhập khẩu để nghiên cứu).”
Sau khi lập hồ sơ theo quy định tại Khoản 2 trên thì tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản để trưng bày tại hội chợ, triển lãm hoặc nghiên cứu khoa học gửi hồ sơ đề nghị nhập khẩu đó đến Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tổng cục Thủy sản tiến hành kiểm tra, xem xét hồ sơ do các tổ chức, cá nhân nộp đến.
Tổng cục Thủy sản cấp giấy phép nhập khẩu theo mẫu cung cấp ở mục trên khi các cá nhân, tổ chức đạt đủ các điều kiện cấp phép theo luật định. Thời hạn để Tổng cục Thủy sản cấp Giấy phép nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đó trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày Tổng cục Thủy sản nhận được hồ sơ hợp lệ do các cá nhân, tổ chức nộp. Trường hợp Tổng cục Thủy sản không cấp Giấy phép nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản thì cơ quan này phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do từ chối cấp Giấy phép.
Sau khi cấp Giấy phép nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản có văn bản đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh nơi diễn ra các hoạt động hội chợ, triển lãm, nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân đăng ký nhập khẩu tiến hành giám sát các hoạt động của cá nhân, tổ chức nhập khẩu tại các địa điểm đó.
Cần lưu ý trong trường hợp nhập khẩu thủy sản sống dùng làm thức ăn thủy sản, thì các tổ chức, cá nhân thực hiện theo quy định về nhập khẩu thủy sản sống.
Ngoài việc cấp Giấy phép nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn có quyền kiểm tra hệ thống quản lý, sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản tại nước xuất khẩu theo quy định pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Việc kiểm tra này có để thực hiện nhằm phát hiện nguy cơ tại nước xuất khẩu có khả năng ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, môi trường đối với sản phẩm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam.
* Cơ sở pháp lý:
– Luật Thủy sản năm 2017
– Nghị định số 26/2019/NĐ- CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.