Hợp đồng dịch vụ là gì? Quy định và các lưu ý pháp lý đối với hợp đồng dịch vụ?
Chắc hẳn, khái niệm” hợp đồng dịch vụ” không còn là một khái niệm quá mới mẻ và xa lạ với tất cả mọi người, bởi lẽ hiện nay, hợp đồng dịch vụ được sử dụng rất nhiều trong đời sống như: hợp đồng dịch vụ vận chuyển, hợp đồng dịch vụ sửa chữa, hợp đồng dịch vụ quảng cáo… Pháp luật Việt Nam cũng ghi nhận và cũng đưa ra những quy định về loại hợp đồng này. Vậy hợp đồng dịch vụ được quy định như thế nào và có những lưu ý pháp lý gì đối với hợp đồng dịch vụ hay không? Bài viết dưới đây của Luật Dương Gia sẽ cung cấp cho bạn đọc nội dung liên quan đến: “Quy định và các lưu ý pháp lý đối với hợp đồng dịch vụ”
Dịch vụ Luật sư
– Cơ sở pháp lý:
1. Hợp đồng dịch vụ là gì?
Tại Điều 513 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hợp đồng dịch vụ, theo đó hợp đồng dịch vụ được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên. Theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ. Hợp đồng dịch vụ được quy định từ Điều 513 đến Điều 521 Bộ luật dân sự 2015. Hợp đồng dịch vụ là quan hệ hình thành từ sự thỏa thuận giữa bên cung ứng với bên sử dụng được pháp luật điều chỉnh. Hợp đồng dịch vụ mang đầy đủ các đặc điểm của một quan hệ pháp luật dân sự với ba yếu tố cấu thành là chủ thể, khách thể và nội dụng. Các yếu tố của quan hệ pháp luật này được thể hiện:
(i) Hợp đồng dịch vụ là quan hệ có hai bên chủ thể: bên cung ứng và bên sử dụng: Bên cung ứng là các cá nhân, tổ chức đáp ứng các yêu cầu luật định thực hiện các công việc phù hợp với khả năng, chuyên môn và điều kiện của mình. Còn bên sử dụng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu hưởng lợi ích từ quá trình thực hiện công việc hoặc để người thứ ba sử dụng các lợi ích này. Bên sử dụng tiếp nhận kết quả công việc đã thực hiện và trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng.
(ii) Khách thể của hợp đồng dịch vụ là các lợi ích mà chủ thể hướng đến trong quá trình cung ứng dịch vụ: Lợi ích được hiểu là “điều có lợi, có ích nói chung” đem lại cho các chủ thể sự thỏa mãn nhất định về mặt vật chất hoặc tinh thần. Trong quan hệ về cung ứng, sử dụng DV, bên cung ứng có nghĩa vụ thực hiện công việc để đem lại lợi ích cho bên sử dụng.
(ii) Nội dung của hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận quyền, nghĩa vụ của bên cung ứng với bên sử dụng: Nội dung của hợp đồng dịch vụ là sự thống nhất ý chí các bên về những yếu tố pháp lý cơ bản tạo nền tảng cho quá trình thực hiện hợp đồng như đối tượng hợp đồng thời gian, địa điểm thực hiện hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của bên cung ứng, quyền và nghĩa vụ của bên sử dụng, tiêu chuẩn của kết quả công việc, các trường hợp chấm dứt hợp đồng… Những yếu tố pháp lý này cụ thể vào các vấn đề sau:
+ Đối tượng hợp đồng dịch vụ: Đối tượng của hợp đồng dịch vụ là các hoạt động dịch vụ – tức là công việc cụ thể. Đối với một hợp đồng dịch vụ , để thực hiện dễ dàng, đạt được mục đích của các chủ thể, dịch vụ cần được mô tả cụ thể, chi tiết. Điều khoản ghi nhận đổi tượng hợp đồng dịch vụ sẽ giúp bảo vệ quyền lợi của các bên chủ thể trong hợp đồng này.
+ Thời gian, địa điểm thực hiện hợp đồng: Thời gian thực hiện hợp đồng là khoảng thời gian để bên cung ứng thực hiện công việc, chuyển giao kết quả và bên sử dụng tiếp nhận kết quả công việc, thực hiện nghĩa vụ trả tiền dịch vụ. Địa điểm thực hiện hợp đồng sẽ phụ thuộc vào tính chất của từng dịch vụ cụ thể được xác định các loại địa điểm khác nhau như địa điểm ký kết hợp đồng, địa điểm thực hiện công việc, địa điểm chuyển giao kết quả công việc đã thực hiện.
+ Quyền và nghĩa vụ của bên cung ứng và bên sử dụng: hợp đồng dịch vụ là căn cứ xác lập nên quan hệ hợp đồng dịch vụ, các chủ thể có thể quy định quyền, nghĩa vụ trong các điều khoản độc lập hoặc trong cùng điều khoản tùy thuộc vào sự thỏa thuận của các bên. Quyền và nghĩa vụ của các bên được xác định trên cơ sở tính chất dịch vụ, chính sách dành cho khách hàng của bên cung ứng, điều kiện riêng của bên sử dụng hoặc người thứ ba sử dụng kết quả dịch vụ
+ Kết quả công việc phải thực hiện: Thực hiện dịch vụ là chuỗi các hành vi có ý chí của con người nhằm đạt được một kết quả nhất định. Kết quả đó thỏa mãn lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần cho bên sử dụng. Vật chất là một khái niệm rộng, thường được hiểu là “hiện thực khách quan tồn tại ngoài ý thức và độc lập ý thức con người” hoặc cách hiểu hẹp hơn là những thử thuộc nhu cầu về thể xác của bên có nhu cầu.
– Đặc điểm của hợp đồng dịch vụ.
+ Hợp đồng dịch vụ gắn liền cơ chế thị trường hợp đồng dịch vụ ra đời cùng với sự ra đời của hoạt động dịch vụ – đối tượng của hợp đồng.
Khi nền kinh tế hàng hóa ra đời dẫn đến tồn tại thị trường để trao đổi các sản phẩm hàng hóa, bao gồm các sản phẩm hàng hóa hữu hình và vô hình. Trong các sản phẩm hàng hóa vô hình, công việc được thực hiện bởi hành vi của con người một cách chuyên nghiệp, có tổ chức nhằm mục tiêu đem ra trao đổi, thu lợi nhuận cũng là một dạng hàng hóa được trao đổi. Hoạt động cung ứng dịch vụ giữa bên cung ứng với các khách hàng được thiết lập trên cơ sở thỏa thuận của các bên chính là hợp đồng dịch vụ. Do đó, mặc dù hợp đồng dân sự tồn tại, phát triển từ rất sớm, đồng hành cùng với các hoạt động giao lưu kinh tế – xã hội của loài người nhưng hợp đồng dịch vụ chỉ chính thức ra đời khi xuất hiện thị trường trao đổi hàng hóa trong nền kinh tế sản xuất hàng hóa. Như vậy có thể khẳng định: hợp đồng dịch vụ ra đời từ hoạt động giao lưu, trao đổi hàng hóa trong thị trường của nền kinh tế sản xuất hàng hóa.
+ Hợp đồng dịch vụ có đối tượng là công việc phải thực hiện. Dịch vụ là các công việc được thực hiện bởi các chủ thể thực hiện theo tinh chất nghề nghiệp hoặc theo lĩnh vực đăng ký kinh doanh của họ. Không phải mọi chủ thể đều có thể cung ứng dịch vụ. Do đó, công việc phải thực hiện trong hợp đồng dịch vụ phải do các chủ thể có khả năng cung ứng dịch vụ. Thực hiện dịch vụ là nghĩa vụ cơ bản của bên cung ứng sau khi hợp đồng dịch vụ được ký kết và có hiệu lực. Khi hợp đồng dịch vụ có hiệu lực, bên cung ứng có nghĩa vụ phải cung cấp dịch vụ cho bên còn lại theo như thỏa thuận của các bên.
+ Hợp đồng dịch vụ có tính đến bù. Đối với hợp đồng dịch vụ thì bản thân dịch vụ được coi là một dạng hàng hóa đặc biệt được trao đổi trên thị trường tuân theo các quy luật giá trị và giá trị sử dụng nên hợp đồng dịch vụ so với các hợp đồng dân sự thông dụng khác phản ánh rõ tính đền bù trong hợp đồng. Tính đền bù trong hợp đồng dịch vụ được thể hiện ở các góc độ sau: bên sử dụng phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng để chủ thể này thực hiện công việc theo thỏa thuận. Dịch vụ là một hàng hóa vô hình có giá trị được trao đổi trên thị trường nên để bên cung ứng thực hiện công việc, bên sử dụng phải trả một giá trị vật chất, thông thường là một khoản tiền tương ứng với giá trị của hàng hóa. Bên cạnh đó, vì mục tiêu lợi nhuận nên giá dịch vụ bao gồm giá trị dịch vụ và phần lợi nhuận do bên cung ứng xác định. Giá dịch vụ do các bên thỏa thuận hoặc theo bảng giá được niêm yết hoặc được thông báo từ bên cung ứng và thường được biểu hiện thành một khoản tiền nhất định. Giá trị đền bù là phần giá trị vật chất của DV được tính trên cơ sở giá trị và giá trị sử dụng của loại hàng hóa đặc biệt này trên thị trường.
+ Hợp đồng dịch vụ là hợp đồng song vụ. Hợp đồng dịch vụ mang đặc điểm của hợp đồng song vụ. Thông thường, để xác định tính chất song vụ hoặc đơn vụ thì sẽ xem xét từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng. Sau thời điểm có hiệu lực của hợp đồng, các bên chủ thể đều là chủ thể có quyền và nghĩa vụ tương ứng với chủ thể còn lại thì được xác định là hợp đồng song vụ. Đối với hợp đồng dịch vụ thời điểm có hiệu lực phổ biến là thời điểm các bên giao kết hợp đồng (bên sau cùng kỷ vào hợp đồng nếu đó là hợp đồng có hình thức văn bản) hoặc các bên hoàn tất thỏa thuận các nội dung cơ bản (nếu đó là hợp đồng có hình thức miệng) hoặc thời điểm các bên chính thức thực hiện hợp đồng bằng hành vi của chính mình. Sau thời điểm có hiệu lực của hợp đồng này, nhìn chung, bên cung ứng với bên sử dụng đều có những nghĩa vụ nhất định với nhau.
2. Quy định và các lưu ý pháp lý đối với hợp đồng dịch vụ.
– Về bản chất hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận của các bên, trong đó có bên cung ứng dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ, các bên có thể tự thỏa thuận với nhau về những điều khoản( bao gồm điều khoản thông thường và điều khoản tùy nghi, các điều khoản khác). Khi đó, bên sử dụng dịch vụ và bên cung ứng dịch vụ sẽ phải thực hiện đúng, đầy đủ những nghĩa vụ của mình trong quá trình thực hiện hợp đồng( bên cung ứng dịch vụ có nghĩa vụ phải cung cấp đầy đủ, đúng về dịch vụ như đã cam kết cho bên sử dụng dịch vụ, và bên sử dụng dịch vụ sẽ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật). Khi tham gia vào ký kết hợp đồng dịch vụ thì bên sử dụng dịch vụ và bên cung ứng dịch vụ đều có những quyền và nghĩa vụ riêng và điều này đã được pháp luật về dân sự quy định cụ thể tại các điều từ Điều 515 đến Điều 518 Bộ luật dân sự 2015. Ngoài ra, các bên có thể tự thỏa thuận những quyền và nghĩa vụ khác, lưu ý những sự thỏa thuận này không được trái với những quy định của pháp luật, không được trái với những thuần phong mỹ tục, đạo đức.
– Trong quá trình thực hiện hợp đồng dịch vụ, các bên có thể tự thuận với nhau hoặc vì những sự kiện pháp lý mà sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý là: đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dịch vụ, tiếp tục thực hiện hợp đồng dịch vụ. Theo đó, tại Điều 520 Bộ luật dân sự 2015 quy định về việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dịch vụ, theo đó, hợp đồng dịch vụ có thể sẽ bị đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu trong quá trình thực hiện hợp đồng dịch vụ mà bên cung cấp dịch vụ không đem lại bất kỳ một lợi ích ( lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần) cho bên sử dụng dịch vụ thì bên sử dụng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng dịch vụ.
Tuy nhiên, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng thì bên sử dụng dịch vụ sẽ phải thông báo trước cho bên cung ứng dịch vụ một khoảng thời gian hợp lý. Về khoảng thời gian hợp lý thì hiện nay, chưa có một quy định nào của pháp luật quy định về khoảng thời gian hợp lý này, do đó, việc xem xét về khoảng thời gian hợp lý sẽ phụ thuộc vào tình hình thực tế, nội dung của hợp đồng dịch vụ, tính chất, mức độ của quá trình thực hiện hợp đồng và sự thỏa thuận của các bên. Khi đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dịch vụ thì bên sử dụng dịch vụ sẽ phải trả tiền công theo phần dịch vụ mà bên cung ứng dịch vụ đã thực hiện và bồi thường thiệt hại.
Bên cạnh đó, hợp đồng dịch vụ cũng có thể đơn phương chấm dứt nếu bên sử dụng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên cung ứng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại theo thiệt hại thực tế, hoặc theo sự thỏa thuận của các bên. Đối với trường hợp, khi đã kết thúc thời hạn thực hiện công việc theo hợp đồng dịch vụ tuy nhiên công việc đó vẫn chưa được hoàn thành và khi đó bên cung ứng dịch vụ vẫn tiếp tục quá trình thực hiện công việc đó và có sự đồng thuận của bên sử dụng dịch vụ thì hợp đồng dịch vụ đương nhiên được tiếp tục thực hiện theo nội dung đã thỏa thuận cho đến khi công việc được hoàn thành, và mức chi phí hoặc những quyền lợi khác của các bên sẽ do các bên tự thỏa thuận với nhau.