Theo quy định pháp luật về việc định tội danh đối với các hành vi vi phạm cấu thành tội phạm đối với người thực hiện thì cơ quan có thẩm quyền phải căn cứ vào các dấu hiệu cụ thể về mặt khách quan, chủ quan, mặt khách thể của tội phạm. Định tội danh là gì? Nguyên tắc, ý nghĩa và phương pháp định tội danh?
Mục lục bài viết
1. Định tội danh là gì?
Định tội danh là hoạt động xác định tên của tội phạm theo quy định của pháp luật hình sự thông qua việc xác định điều luật cụ thể điều chỉnh tội phạm. Trong suốt quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự, các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án đều phải tiến hành định tội danh.
Định tội danh là bước đầu xác định trách nhiệm hình sự của người phạm tội, nó có vai trò quan trọng là nền tảng, ảnh hưởng tới toàn bộ các hoạt động xác định trách nhiệm hình sự tiếp theo như định khung và quyết định hình phạt. Chỉ khi đã xác định chính xác tội danh thì mới có thể xác định khung hình phạt và hình phạt. Ngược lại khi hoạt động định tội danh sai sẽ dẫn đến hậu quả là toàn bộ các kết quả của quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự trở thành sai lầm cũng như không còn giá trị pháp lý. Hiện nay, trên thế giới cũng như ở Việt Nam vẫn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về định tội danh.
Học giả Sliapotenhikov AC. đưa ra quan điểm: “Định tội danh là một giai đoạn của hoạt động bảo vệ pháp luật do các cơ quan điều tra, truy tố và xét xử thực hiện trên cơ sở các quy phạm pháp luật hình sự và dựa vào các tình tiết thể hiện sự nguy hiểm cho xã hội của một hành vi cụ thể để xác định dấu hiệu của cấu thành tội phạm tương ứng với hành vi đó” .
Viện sỹ Kulravxey VN (Liên Xô cũ) lại cho rằng: “Định tội danh là việc xác định và ghi nhận về mặt pháp lý hình sự, sự phù hợp, chính xác giữa các dấu hiệu của hành vi được thực hiện với các cấu thành tội phạm do quy phạm pháp luật hình sự quy định” .
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, khoa học luật hình sự Việt Nam cũng chưa thống nhất khái niệm cụ thể về định tội danh.
Đối với TS Lê Văn Đệ, bày tỏ quan điểm về khái niệm định tội danh như sau: “Định tội danh là việc xác định và ghi nhận về mặt pháp luật sự phù hợp chính xác giữa các dấu hiệu của hành vi phạm tội cụ thể đã được thực hiện với các dấu hiệu của cấu thành tội phạm được pháp luật hình sự quy định” .
Trong cuốn sách “Các nghiên cứu chuyên khảo về Phần chung luật hình sự”, GS. TSKH Lê Cảm cho rằng: “Định tội danh là một quá trình nhận thức lý luận có tính logic, là một trong những dạng của hoạt động thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự cũng như pháp luật tố tụng hình sự, và được tiến hành bằng cách trên cơ sở các chứng cứ, tài liệu thu thập được và các tình tiết thực tế của vụ án hình sự để xác định sự phù hợp giữa các dấu hiệu của hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện với các dấu hiệu của cấu thành tội phạm tương cứng do với luật hình sự quy định, phải đạt được sự thật khách quan, tức là đưa ra sự đánh giá chính xác tội phạm về mặt pháp lý hình sự, làm tiền đề cho việc cá thể hoá và phân hoá trách nhiệm hình sự một cách công minh, có căn cứ pháp luật” . Định nghĩa này có tính mô tả chỉ dẫn hoạt động cũng như thể hiện được yêu cầu và ý nghĩa của việc định tội danh.
Trong các công trình nghiên cứu pháp lý khác, ta còn gặp một số định nghĩa khác về định tội danh có nội dung tương tự như định nghĩa mà GS. TSKH Lê Cảm hay TS Lê Văn Đệ đã nêu. Nhìn chung, các góc nhìn của các học giả chủ yếu nghiên cứu định tội danh ở góc độ áp dụng pháp luật, xác định sự phù hợp giữa hành vi xảy ra trên thực tế và các quy định của BLHS.
Một quan điểm khác về định tội danh như sau: “Định tội danh là hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án) và một số cơ quan khác có thẩm quyền theo quy định của pháp luật để xác định một người có phạm tội hay không, nếu phạm tội thì đó là tội gì, theo điều luật nào của BLHS hay nói cách khác đây là quá trình xác định tên tội cho hành vi nguy hiểm đã thực hiện” – quan điểm của TS Dương Tuyết Miên.
GS.TS Võ Khánh Vinh với quan điểm cho rằng định tội danh là hoạt động nhận thức, hoạt động áp dụng pháp luật hình sự nhằm đi tới chân lý khách quan trên cơ sở xác định đúng đắn, đầy đủ các tình tiết cụ thể của hành vi phạm tội được thực hiện, nhận thức đúng nội dung quy phạm pháp luật hình sự quy định cấu thành tội phạm tương ứng và mối liên hệ tương đồng giữa các dấu hiệu của cấu thành tội phạm với các tình tiết cụ thể của hành vi phạm tội bằng các phương pháp và thông qua các giai đoạn nhất định .
Như vậy, mỗi học giả với các cách tiếp cận, phương pháp diễn đạt cũng như mục đích tuy có sự khác nhau nhưng đều có chung quan điểm: “định tội danh là hoạt động nhận thức của người tiến hành tố tụng, với nội dung là sự đối chiếu, so sánh nhằm xác định sự phù hợp khách quan giữa hành vi phạm tội xảy ra trên thực tế với các quy định của BLHS để kết tội, quyết định hình phạt và các trách nhiệm pháp lý khác”.
2. Nguyên tắc, của việc định tội danh:
Định tội là một hoạt động trong việc xác định tội danh cho người phạm tội, được quy định tại
Từ đó có thể hiểu định tội danh là việc xác định hành vi của một người có thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành một tội phạm nhất định được quy định trong Bộ luật Hình sự và là cơ sở, tiền đề để quyết định hình phạt áp dụng đối với người thực hiện hành vi đó.
Để cơ quan có thẩm quyền xác định được tội danh thì cần phải dựa vào nguyên tắc, các yếu tố như xác định hành vi phạm tội, các yếu tố cấu thành tội phạm bằng việc phân tích các mặt khách quan, chủ quan, thời gian, địa điểm thực hiện tội phạm bởi lẽ có rất nhiều những hành vi được thực hiện giống nhau nhưng khi phân tích các dấu hiệu, yếu tố thì tội danh lại là khác nhau.
3. Các yếu tố cấu thành tội phạm được quy định:
– Về mặt khách quan của tội phạm là những biểu hiện của tội phạm ra ngoài thế giới khách quan, bao gồm hành vi khách quan, hậu quả nguy hiểm cho xã hội và mối quan hệ giữa hành vi với hậu quả, phương tiện, công cụ, phương pháp, thời điểm, …. thực hiện tội phạm.
+ Hành vi khách quan là dấu hiệu bắt buộc phải có ở người thực hiện tội phạm bởi lẽ người thực hiện hành vi không gây nguy hiểm cho xã hội, không thực hiện hành vi gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ thì không thể coi là tội phạm và ngược lại nếu nhận thức được hành vi của mình làm có thể gây nên nguy hiểm cho xã hội thì sẽ có hành vi khách quan để cấu thành tội phạm.
+ Hậu quả để lại khi thực hiện là hậu quả thiệt hại về vật chất có thể đo đếm được về lượng, xác định được về mức độ như tỷ lệ tổn thương cơ thể, tài sản bị mất, hư hỏng, suy giảm, chết người, …
– Về mặt chủ quan của tội phạm là những biểu hiện bên trong của tội phạm đó là những dấu hiệu về mặt tâm lý, tư tưởng của người phạm tội khi thực hiện hành vi phạm tội bao gồm các dấu hiệu lỗi, động cơ, mục đích của tội phạm. Mặt chủ quan của tội phạm được xác định theo dấu hiệu về các lỗi như sau;
+ Lỗi cố ý trực tiếp là việc người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và thấy trước hậu quả của hành vi đó mà vẫn mong muốn nó xảy ra. Người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm của hành vi, hậu quả tất yếu xảy ra hoặc có thể xảy ra; trong trường hợp người phạm tội mong muốn hậu quả xảy ra.
+ Lỗi cố ý gián tiếp là việc người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra tuy không mong muốn hậu quả xảy ra nhưng cố ý (có ý thức được hành vi) để mặc cho nó xảy ra. Người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm của hành vi, hậu quả tất yếu xảy ra hoặc có thể xảy ra; người phạm tội không mong muốn hậu quả xảy ra nhưng bỏ mặc, chấp nhận hậu quả xảy ra
+ Lỗi vô ý vì quá tự tin là việc người phạm tội có khả năng nhận biết được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng lại cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc cho rằng mình có thể ngăn ngừa được hậu quả.
+ Lỗi vô ý vì cẩu thả là việc người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, mặc dù pháp luật quy định cho người này phải biết và đủ điều kiện để biết về hành vi gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội.
– Về chủ thể của tội phạm: là cá nhân và pháp nhân thương mại.
+ Cá nhân là chủ thể tội phạm phải là người đủ tuổi và có năng lực trách nhiệm hình sự.
+ Pháp nhân thương mại (bao gồm: doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác) là chủ thể của tội phạm khi đã có tư cách pháp nhân, đủ điều kiện chịu trách nhiệm hình sự theo quy định Bộ luật hình sự.
– Về khách thể của tội phạm là những mối quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ, bị tội phạm xâm hại, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại.
Từ những nội dung trên có thể thấy việc xác định các dấu hiệu phạm tội hoặc các yếu tố cấu thành tội phạm là rất quan trọng, được quy định bắt buộc phải có trong việc xác định tội phạm. Việc định tội đối với người thực hiện tội phạm là rất quan trọng, nó có ý nghĩa trong việc thực thi pháp luật Việt Nam, đưa những người phạm tội vào vòng pháp lý chịu mức hình phạt theo đúng tội danh của mình.
4. Ý nghĩa của việc định tội danh:
Hoạt động định tội danh của các chủ thể có thể theo 2 xu hướng: Định tội danh đúng hoặc định tội danh sai.
Đối với hoạt động định tội danh đúng
Định tội danh đúng là tiền đề cho việc phân hoá trách nhiệm hình sự và cá thể hoá hình phạt một cách công minh có căn cứ pháp luật bởi lẽ việc định tội danh đúng sẽ hỗ trợ cho việc thực hiện một loạt các nguyên tắc tiến bộ được thừa nhận trong Nhà nước pháp quyền như: nguyên tắc pháp chế, trách nhiệm do lỗi, trách nhiệm cá nhân, bình đẳng trước pháp luật hình sự, nguyên tắc công minh nhân đạo và nguyên tắc không tránh khỏi trách nhiệm.
Ngoài ra việc định tội danh đúng là một trong những cơ sở để áp dụng chính xác các quy phạm pháp luật tố tụng hình sự về tạm giam, về thẩm quyền điều tra, xét xử qua đó góp phần hữu hiệu cho việc bảo vệ các quyền và tự do dân chủ của công dân trong lĩnh vực tư pháp hình sự.
Đối với hoạt động định tội danh sai sẽ dẫn đến một loạt các hậu quả tiêu cực như: không đảm bảo được tính công minh có căn cứ đúng pháp luật, truy cứu trách nhiệm hình sự người vô tội, bỏ lọt người phạm tội, xâm phạm thô bạo danh dự nhân phẩm các quyền tự do dân chủ của công dân là giá trị xã hội cao quý nhất được thừa nhận trong Nhà nước.
Định tội danh sai làm giảm uy tín của cơ quan tư pháp, vi phạm pháp chế xã hội chủ nghĩa, ảnh hưởng đến hiệu quả của đấu tranh phòng chống tội phạm.
4. Phương pháp định tội danh:
Định tội danh theo quy định pháp luật có những đặc điểm được xác định là sự kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, cụ thể là việc xác định xem hành vi nguy hiểm cho xã hội đã thực hiện có thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm cụ thể trong Bộ luật Hình sự hay không và đưa ra sự đánh giá nhất định về mặt pháp lý đối với hành vi đó và là một dạng hoạt động áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng trên cơ sở xác định các tình tiết của hành vi phạm tội đã thực hiện.
Việc xác định phương pháp định tội được thực hiện theo các bước sau:
Bước 1. Phân tích hành vi của người phạm tội
Sau khi thụ lý hồ sơ vụ án, người tiến hành tố tụng phân tích hành vi của người phạm tội trong vụ án để nắm được tất cả các hành vi của bị can, các tình tiết của vụ án. Việc tóm tắt và phân tích hành vi của bị can trong bước này giúp cho việc kiểm tra, đánh giá về mặt hình sự những bước sau không bị lệch hướng. Khi tiến hành tóm tắt và phân tích vụ án, người thực hiện sẽ có thể phát hiện ra những điểm mấu chốt giúp cho việc giải quyết vụ án một cách mau chóng, chính xác và có hiệu quả.
Bước 2. Xác định khách thể mà hành vi vi phạm xâm hại và các quy phạm pháp luật hình sự cần kiểm tra
Dựa vào kết quả phân tích hành vi của bị can, người tiến hành tố tụng phải đưa ra kết luận có tội phạm xảy ra không (có quan hệ pháp luật hình sự phát sinh không). Nếu có thì công việc tiếp theo là xác định khách thể của tội phạm, tức là xác định quan hệ xã hội nào bị xâm hại. Cơ sở để xác định khách thể là các quy định về các loại tội phạm tại Bộ luật hình sự. Theo đó, những tội phạm được xếp trong cùng một chương là những tội phạm có cùng khách thể.
Bước 3. Kiểm tra quy phạm pháp luật hình sự cụ thể trong mối liên hệ với hành vi vi phạm
Thực chất của bước này là định tội và định khung hình phạt cho hành vi phạm tội. Việc kiểm tra quy phạm pháp luật hình sự dựa vào các yếu tố cấu thành tội phạm được tiến hành lần lượt từ khách thể, mặt khách quan, chủ thể, mặt chủ quan của tội phạm đối với hành vi phạm tội đó.
Bước 4. Ra văn bản áp dụng pháp luật xác định tội danh cần áp dụng đối với trường hợp phạm tội của người đó
Kết quả của quá trình trên được tóm tắt thành kết luận cuối cùng đối với từng hành vi của từng bị can trong vụ án. Nội dung kết luận có thể là:
Hành vi của bị can có thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm không;
Hành vi vi phạm đó cấu thành nên tội nào;
Có chứa đựng các tình tiết tặng nặng, giảm nhẹ hay không;
Các điều luật trong Bộ luật Hình sự được sử dụng làm căn cứ;…
Như vậy, để có thể định tội danh đối với người thực hiện hành vi phạm tội theo quy định trong hình sự thì cơ quan có thẩm quyền buộc phải thực hiện theo nguyên tắc và phương pháp để có thể thực hiện đúng đắn và xác định đúng các hành vi vi phạm, hậu quả để lại sau khi thực hiện theo các bước mà chúng tôi đã trình bày bên trên.