Bảo hiểm hiện nay được chia thành rất nhiều dạng trên thực tế, như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,.... và không thể thiếu bảo hiểm thương mại. Mỗi loại bảo hiểm sẽ mang lại những giá trị nhất định cho người sử dụng. Vậy Giá trị bảo hiểm là gì?
Mục lục bài viết
1. Giá trị bảo hiểm là gì?
Giá trị bảo hiểm còn được gọi với tên khác là giá trị của đối tượng bảo hiểm. Ví dụ như trong trường hợp bảo hiểm tài sản thì giá trị bảo hiểm chính là giá trị của tài sản được bảo hiểm, giá trị này được xác định tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm. Giá trị bảo hiểm do người mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm xác định, thỏa thuận và ghi trong hợp đồng bảo hiểm. Giá trị bảo hiểm chỉ được xác định đối với hợp đồng bảo hiểm phân loại theo yếu tố giá trị bảo hiểm, bao gồm các hợp đồng bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại. Hợp đồng bảo hiểm có đối tượng bảo hiểm là tài sản rất phong phú, đa dạng và chiếm một thị phần lớn trong thị trường bảo hiểm nói chung.
2. Sử dụng giá trị bảo hiểm để phân loại:
Trên thực tế có nhiều hợp đồng bảo hiểm tài sản mà trong đó số tiền bảo hiểm thấp hợp hoặc vượt quá giá trị bảo hiểm. Nếu căn cứ vào giá trị bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm tài sản được xác định theo ba loại:
– Loại thứ nhất, hợp đồng bảo hiểm đúng giá trị: là loại hợp đồng mà việc bảo hiểm được thực hiện trên cơ sở số tiền bảo hiểm bằng với giá trị thực tế của đối tượng bảo hiểm. Trong trường hợp này, số tiền bảo hiểm được xác định trên cơ sở giá trị của tài sản vào thời điểm giao kết hợp đồng.
– Loại thứ hai, hợp đồng bảo hiểm dưới giá trị là hợp đồng mà theo đó, việc bảo hiểm được thực hiện trên cơ sở số tiền bảo hiểm thấp hợp giá trị của tài sản được bảo hiểm vào thời điểm giao kết hợp đồng. Trong trường hợp này, khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm bồi thường theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm và giá thị trường của tài sản tại thời điểm giao kết hợp đồng (Điều 43 Luật Kinh doanh bảo hiểm). Khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, số tiền bồi thường mà bên nhận bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường chỉ trong mức bảo hiểm tương ứng với mức phí bảo hiểm mà người tham gia bảo hiểm đã mua.
Bảo hiểm dưới giá trị thường xảy ra do một trong hai nguyên nhân sau:
Nguyên nhân thứ nhất, nhằm tăng cường ý thức của người được bảo hiểm trong việc bảo vệ tài sản, thực hiện các biện pháp để phòng, hạn chế tổn thất cho tài sản được bảo hiểm, nên doanh nghiệp bảo hiểm quy định số tiền bảo hiểm phải ít hơn giá trị của tài sản được bảo hiểm.
Nguyên nhân thứ hai, nếu bảo hiểm toàn bộ giá trị tài sản số phí bảo hiểm sẽ quá nhiều, nên người bảo hiểm chỉ nộp một phần phí bảo hiểm để bảo hiểm cho một phần giá trị của tài sản và tự nguyện gánh chịu tổn thất đối với phần giá trị còn lại.
– Loại thứ ba, hợp đồng bảo hiểm trên giá trị
Tại khoản 1 Điều 42 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định:
“1. Hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị là hợp đồng trong đó số tiền bảo hiểm cao hơn giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng. Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm không được giao kết hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị.”
Như vậy, tất cả các hợp đồng bảo hiểm tài sản trong đó, mức bảo hiểm lớn hơn giá thị trường của tài sản vào thời điểm giao kết hợp đồng đều được coi là bảo hiểm trên giá trị. Về nguyên tắc, các bên không được giao kết loại hợp đồng này. Tuy nhiên, cũng còn phụ thuộc vào nguyên nhân dẫn đến việc bảo hiểm trên giá trị để xem xét hiệu lực của hợp đồng cũng như quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng đó.
+ Nếu do lỗi vô ý của bên mua bảo hiểm
Khoản 2 Điều 42 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: “2. Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị được giao kết do lỗi vô ý của bên mua bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn lại cho bên mua bảo hiểm số phí bảo hiểm đã đóng tương ứng với số tiền bảo hiểm vượt quá giá thị trường của tài sản được bảo hiểm, sau khi trừ các chi phí hợp lý có liên quan. “
Như vậy, trong trường hợp này pháp luật về bảo hiểm của nước ta vẫn công nhận phần hợp đồng tương ứng với giá trị bảo hiểm, phần hợp đồng vượt quá giá trị bảo hiểm sẽ bị coi vô hiệu.
+ Nếu do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm
Trường hợp do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm, thì Luật kinh doanh bảo hiểm chưa có quy định về hậu quả. Tuy nhiên, để ngăn chặn hành vi trục lợi của người tham gia bảo hiểm và quyền lợi trong kinh doanh hợp pháp của các doanh nghiệp bảo hiểm, hành vi cố ý giao kết hợp đồng trên giá trị của bên mua bảo hiểm cần phải được xử lý bằng biện pháp kinh tế cũng như theo nguyên tắc chung về giao kết hợp đường được quy định trong Bộ luật dân sự. Trong trường hợp nên xác định hợp đồng đó là vô hiệu toàn bộ và bên bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với tổn thất của tài sản là đối tượng bảo hiểm trong hợp đồng cũng như không phải hoàn trả lại phí bảo hiểm mà người mua đã nộp.
+ Nếu do lỗi vô ý hoặc cố ý của bên nhận bảo hiểm
Trường hợp này có thể xảy ra khi nhân viên của doanh nghiệp bảo hiểm hiểu là chuyên gia xác định giá tài sản đã sai lâm trong nắm bắt giá cả thị trường của tài sản được bảo hiểm, nên đã xác định giá cao hơn thực tế (lỗi vô ý) hoặc do doanh nghiệp bảo hiểm nhận định rằng ít khả năng thiệt hại đối với tài sản đó trong thời hạn bảo hiểm, nên đã giao kết hợp đồng bảo hiểm trên giá trị (lỗi cố ý). Luật Kinh doanh bảo hiểm chưa quy định hậu quả pháp lý cho những trường hợp này, nhưng về nguyên tắc thì bên nhận bảo hiểm cũng phải gánh chịu hậu quả khi họ có lỗi. Do đó, doanh nghiệp bảo hiểm phải chịu trách nhiệm bồi thường theo số tiền bảo hiểm đã được xác định, kể cả phần vượt quá giá trị bảo hiểm.
+ Nếu do tài sản hạ giá mà các bên chưa điều chỉnh số tiền bảo hiểm cho phù hợp với giá thị trường hiện tại
Đây là trường hợp hợp đồng bảo hiểm đúng giá trị thâm chí dưới giá tị thành một hợp đồng bảo hiểm trên giá trị do nguyên nhân khách quan. Nếu các bên không có lỗi trong việc không kịp điều chỉnh số tiền bảo hiểm thì cần công nhận hiệu lực đối với phần không vượt quá giá trị đối tượng bảo hiểm của hợp đồng. Doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường phần vượt quá giá trị bảo hiểm, nhưng phải hoàn lại cho bên mua bảo hiểm số phí bảo hiểm tương ứng với phần vượt quá giá trị bảo hiểm.
3. Số tiền bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm:
Số tiền bảo hiểm là phạm vi mức tài chính mà bên bảo hiểm phải chi trả tiền bảo hiểm hoặc tiền bồi thường thiệt hại. Nói cách khác, số tiền bảo hiểm là mức trách nhiệm cao nhất của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường thiệt hại. Đây là số tiền mà bên mua bảo hiểm đăng ký để bảo hiểm cho đối tượng bảo hiểm trên cơ sở mức phí tương ứng cho bên bảo hiểm, nên số tiền bảo hiểm thường được các bên xác định trong hợp đồng bảo hiểm. Nếu mức phí bảo hiểm là sự phản ánh về tần suất của hiểm họa, thì số tiền bảo hiểm là sự phản ánh về mức độ của tổn thất. Số tiền bảo hiểm là sự giới hạn trong một phạm vi nhất định của tiền bảo hiểm hoặc số tiền bồi thường. Dù thiệt hại xảy ra trong thực tế có thể lớn hơn nhiều lần so với số tiền bảo hiểm thì bên bảo hiểm chỉ phải bồi thường tối đa bằng số tiền bảo hiểm đã được xác định theo thỏa thuận trong hợp đồng hoặc đã được pháp luật quy định.
Trong các hợp đồng bảo hiểm tài sản, số tiền bảo hiểm được xác định dựa trên giá trị của tài sản được bảo hiểm (giá trị bảo hiểm) thường là căn cứ vào giá thị trường của tài sản vào thời điểm, địa điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm. Số tiền này có thể thấp hợp giá trị của đối tượng bảo hiểm (trong trường hợp bảo hiểm thấp hơn giá trị ) hoặc bằng giá trị của đối tượng bảo hiểm (trong trường hợp bảo hiểm toàn bộ giá trị), nhưng không được vượt quá giá trị của đối tượng bảo hiểm. Nếu vì một lý do nào đó mà số tiền bảo hiểm lớn hơn giá trị của đối tượng bảo hiểm (bảo hiểm trên giá trị), thì bên bảo hiểm cũng chỉ phải bồi thường số tiền tối đa bằng giá trị thực tế của đối tượng bảo hiểm. Xác định số tiền bảo hiểm theo nguyên tắc trên nhằm tránh việc lợi dụng bảo hiểm để hưởng một khoản lợi không chính đáng, đồng thời tăng cường ý thức của người được bảo hiểm trong việc phòng ngừa thiệt hại và ngăn chặn hậu quả của rủi ro.
Trong các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, số tiền bảo hiểm đồng nghĩa với khoản tiền bảo hiểm mà bên bảo hiểm phải chi trả khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, nhưng trong các hợp đồng bảo hiểm tài sản hoặc trách nhiệm dân sự, thì số tiền bảo hiểm hoàn toàn khác với khoản tiền mà bên bảo hiểm phải chi trả cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Vì vậy, cũng là khoản tiền mà bên bảo hiểm phải chi trả khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, nhưng trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, khoản tiền đó được gọi là “số tiền bảo hiểm”, còn trong hợp đồng bảo hiểm tài sản hoặc bảo hiểm trách nhiệm dân sự thì khoản tiền đó được gọi là “số tiền bồi thường”.
Số tiền bảo hiểm trong các hợp đồng bảo hiểm do các bên thỏa thuận, còn trong các hợp đồng bảo hiểm bắt buộc thì số tiền bảo hiểm là hạn mức trách nhiệm do pháp luật quy định.