Khi hết thời hạn, tổ chức, cá nhận đăng ký lưu hành có quyền đề nghị gia hạn quyết định này thông qua: "Văn bản đề nghị gia hạn Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng" (Mẫu số 04.CN- Phụ lục II- ban hành kèm theo Nghị định 94/2019/NĐ-CP).
Mục lục bài viết
1. Văn bản đề nghị gia hạn Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng là gì?
Trong thực tiễn sản xuất đã ghi nhận nhờ có nhiều giống cây trồng mới: giống lúa cao cây, giống lúa chịu mặn, ngô chống đỗ ngã…nhờ đó ta đã mở rộng được diện tích canh tác. Những giống cây trồng chống chịu sâu bệnh ra đời đã góp phần ổn định sản xuất, giảm thiểu chi phí phòng trừ sâu bệnh cho người dân, bảo vệ môi trường.
Với tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp: nhiệt độ trái đất gia tăng, nước biển dâng cao, tình trạng thiên tai, dịch bệnh đang xảy ra ngày càng nhiều sản xuất nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thử thách lớn đó tình trạng nhiễm mặn, nhiễm phèn đất sản xuất lúa ngày càng gia tăng; sự hoang hoá do nhiệt độ toàn cầu gia tăng và ảnh hưởng của quá trình xói mòn, các dịch bệnh đang xảy ra với mức độ và tần suất xảy ra ngày càng cao trong khi nông nghiệp đang hướng đến nền nông nghiệp sạch và bền vững thì vai trò của giống cây trồng lại được các nhà khoa học đánh giá là cực kỳ quan trọng, sẽ giải quyết được cơ bản những khó khăn, thách thức mà nền nông nghiệp nước ra đang phải đối mặt.
Từ sự phân tích vai trò của giống cây trồng nói trên, có thể thấy rằng việc nghiên cứu một cách nghiêm túc về cả góc độ khoa học lẫn pháp lý là điều hoàn toàn cần thiết. Giống cây trồng vẫn được hiểu chung là một quần thể cây trồng có thể phân biệt được với quần thể cây trồng khác thông qua sự biểu hiện của ít nhất là một đặc tính và di truyền được cho đời sau; đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống; có giá trị canh tác, giá trị sử dụng; bao gồm giống cây nông nghiệp, giống cây dược liệu, giống cây cảnh và giống nấm ăn. (Khoản 5, Điều 2, Luật Trồng trọt).
Khái niệm về “Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng” được Luật Dương Gia thống nhất và thể hiện trong các bài viết đều cho rằng: “
Quyết định về việc công nhận lưu hành giống cây trồng là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhận đăng ký giống lưu hàn nhằm công nhận lưu hành giống cây trồng cụ thể khi đáp ứng các điều kiện sau: Có tên giống cây trồng; có kết quả khảo nghiệm bảo đảm tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định; có kết quả khảo nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia về giá trị canh tác, giá trị sử dụng; có mẫu giống cây trồng được lưu và có bản công bố thông tin về giống cây trồng, quy trình sản xuất do tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng biên soạn.”
Theo Khoản 2, Điều 15, Luật Trồng trọt: “Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng hằng năm có thời hạn là 10 năm, giống cây trồng lâu năm có thời hạn là 20 năm và được gia hạn.” Từ quy định này, có thể hiểu gia hạn là việc kéo dài thời gian có hiệu lực của Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng. Thời gian kéo dài được ấn định trong Quyết định gia hạn công nhận lưu hành giống cây trồng.
Văn bản đề nghị gia hạn Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng là văn bản do tổ chức, cá nhân đăng ký lưu hành (đã được cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng) gửi tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhằm yêu cầu cơ quan này kéo dài thời gian có hiệu lực của Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng thông qua việc cấp Quyết định gia hạn công nhận lưu hành giống cây trồng.
Theo quy định tại Khoản 4, Điều 15 Luật Trồng trọt, một trong 2 điều kiện bắt buộc để được gia hạn Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng là “Khi tổ chức, cá nhân yêu cầu”, như vậy, đây được coi là yếu tố, điều kiện bắt buộc và văn bản đề nghị gia hạn Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng là sự thể hiện yêu cầu đó tới cơ quan có thẩm quyền.
Bản chất của văn bản đề nghị gia hạn là “đơn xin, đơn đề nghị” (cả về hình thức lẫn nội dung), việc sử dụng cách gọi tên là “văn bản đề nghị’ để giảm bớt ngôn từ hành chính, tránh những gánh nặng không đáng có. Đây là văn bản thể hiện ý chí của tổ chức, cá nhân, làm phát sinh trách nhiệm xem xét, đánh giá và thực hiện việc cấp Quyết định gia hạn công nhận lưu hành giống cây trồng (có thể không chấp nhận nhưng phải nêu rõ lí do). Văn bản đề nghị cũng là cơ sở để cơ quan nhà nước nắm bắt được tình hình sử dụng, lưu hành giống cây trồng trong suốt thời gian quyết định công nhận lưu hành giống cây trông tồn tại và có hiệu lực. Bên cạnh văn bản này, để có đầy đủ căn cứ hơn, cũng như là điều kiện còn lại để được gia hạn Quyết định, đó là phải có kết quả khảo nghiệm có kiểm soát đạt tiêu chuẩn quốc gia về giá trị canh tác, giá trị sử dụng.
Thủ tục thực hiện nhìn chung khá đơn giản, hồ sơ cũng chỉ bao gồm văn bản đề nghị và kết quả khảo nghiệm có kiểm soát. Trong thời hạn 06 tháng trước khi Quyết định công nhận lưu hành hết hiệu lực, tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến Cục Trồng trọt.
Trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Trồng trọt cấp Quyết định gia hạn công nhận lưu hành giống cây trồng và đăng tải Quyết định, các tài liệu kèm theo trên cổng thông tin điện tử của Cục Trồng trọt. Trường hợp không gia hạn phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. (Theo Khoản 3, 4, Điều 4, Nghị định 94/2019/NĐ-CP).
2. Mẫu văn bản đề nghị gia hạn Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
(1)…, ngày … tháng … năm …
VĂN BẢN ĐỀ NGHỊ GIA HẠN QUYẾT ĐỊNH CÔNG NHẬN LƯU HÀNH GIỐNG CÂY TRỒNG
Kính gửi: Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
1. Tên cơ quan, cá nhân đề nghị: ……(2)……..
– Địa chỉ: ……
– Điện thoại: ….. Fax: …… E-mail: ……
2. Tên giống cây trồng đề nghị gia hạn lưu hành: ……(3)…
3. Mã số lưu hành của giống cây trồng (nếu có): …
4. Số quyết định công nhận lưu hành/Số quyết định công nhận giống cây trồng mới đã cấp: …….. ngày … tháng … năm … (kèm bản photo Quyết định)
5. Văn bản kèm theo (4)
Chúng tôi cam đoan và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của những thông tin và văn bản gửi kèm trong hồ sơ./.
TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ĐỀ NGHỊ
(Ký, ghi rõ họ tên)
3. Hướng dẫn mẫu văn bản đề nghị gia hạn Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng:
(1) Ghi địa danh (tỉnh, thành phố), ngày tháng năm làm văn bản đề nghị.
(2) Ghi tên tổ chức, cá nhân đăng ký lưu hành (Theo nguyên tắc: Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài có văn phòng đại diện, chi nhánh công ty hoạt động trong lĩnh vực giống cây trồng tại Việt Nam có quyền đứng tên đăng ký cấp quyết định công nhận lưu hành).
– Địa chỉ: Ghi rõ số nhà, tên đường, phường, quận, thành phố (tỉnh)
– Sử dụng số điện thoại, email thường xuyên liên lạc.
(3) Ghi tên giống cây trồng đề nghị gia hạn lưu hành: Giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính (bắt buộc nếu chưa cấp Quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng hoặc trừ trường hợp phục vụ nghiên cứu, khảo nghiệm, triển lãm, trao đổi quốc tế hoặc sản xuất hạt lai để xuất khẩu); Giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính (có nhu cầu đăng ký- không bắt buộc).
Tên giống cây trồng không được chấp nhận trong trường hợp sau đây:
– Chỉ bao gồm chữ số;
– Vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc;
– Trùng cách đọc hoặc cách viết với tên của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân, các loại thực phẩm, đồ uống, dược phẩm;
– Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của giống cây trồng, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan;
– Dễ gây hiểu nhầm về đặc trưng, đặc tính của giống đó;
– Dễ gây hiểu nhầm về danh tính của tác giả;
– Trùng với tên của giống cây trồng đã được bảo hộ.
(4) Kết quả khảo nghiệm có kiểm soát quy định tại điểm a khoản 2 Điều 18 của Luật Trồng trọt thực hiện trong vòng một năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ gia hạn Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng.
Cơ sở pháp lý:
Luật Trồng trọt năm 2018
Nghị định 94/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác