Nghị án là một trong những giai đoạn được diễn ra trong mỗi phiên toà, nghị án được diễn ra ngay sau khi kết thúc phần tranh luận. Khi tiến hành nghị án thì chỉ những chủ thể được pháp luật mới được vào phòng nghị án để nghị án và phần nghị án sẽ được lập thành biên bản. Vậy mẫu biên bản nghị án vụ án hành chính bao gồm những nội dung gì?
Mục lục bài viết
1. Mẫu biên bản nghị án vụ án hành chính là gì?
Mẫu biên bản nghị án vụ án hành chính là mẫu biên bản được lập ra khi tiến hành nghị án vụ án hành chính. Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật cũng chưa có một quy định cụ thể về khái niệm ” nghị án”, nhưng có thể hiểu rằng, nghị án là việc hội đồng xét xử vào phòng nghị án tiến hành thảo luận, đưa ra những ý kiến, những quyết định để từ đó đưa ra bản án. Thành phần tham gia nghị án, pháp luật quy định chỉ có các thành viên Hội đồng xét xử mới có quyền nghị án.
Mẫu biên bản nghị án vụ án hành chính là mẫu biên bản được dùng để ghi chép lại toàn bộ quá trình mà Hội đồng xét xử tiến hành nghị án. Mẫu biên bản nghị án nêu rõ những nội dung về giờ, ngày, tháng, năm địa điểm diễn ra nghị án, thành phần hội đồng xét xử, thẩm phán, người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, các ý kiến thảo luận, biểu quyết và quyết định của Hội đồng xét xử theo từng vấn đề của vụ án( tính hợp pháp về thẩm quyền, trình thủ tục ban hành quyết định hành chính, tính hợp pháp, hình thức, nội dung của quyết định hành chính, tính hợp pháp của các văn bản hành chính có liên quan, thời hiệu, thời hạn ban hành quyết định hành chính/ thực hiện hành vi hành chính, bồi thường thiệt hại( nếu có thiệt hại trên thực tế xảy ra) nếu có ý kiến khác thì ghi rõ ý kiến của thành viên Hội đồng xét xử có ý kiến khác và biên bản nghị án đã được đọc lại cho tất cả thành viên Hội đồng xét xử cùng nghe và ký tên.
2. Mẫu biên bản nghị án vụ án hành chính:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
TÒA ÁN NHÂN DÂN….(1)
BIÊN BẢN NGHỊ ÁN
Vào hồi… giờ…phút, ngày… tháng…năm……
Tại:(2)………
Thành phần Hội đồng xét xử(3) ……….gồm có:
Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa: Ông (Bà………………(4)
Tiến hành nghị án vụ án hành chính thụ lý số…/…/….-HC(5) ngày ….. tháng ….. năm…..về (6)…, giữa:
Người khởi kiện:………..
Người bị kiện:……….
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:………… (7)
Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, các quy định của pháp luật.
HỘI ĐỒNG XÉT XỬ THẢO LUẬN, BIỂU QUYẾT, QUYẾT ĐỊNH
CÁC VẤN ĐỀ CỦA VỤ ÁN NHƯ SAU(8)
Việc nghị án kết thúc vào hồi……. giờ……. phút, ngày……. tháng……. năm.
Thành viên
Hội đồng xét xử
(Ký tên, ghi rõ họ tên)
Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa
(Ký tên, ghi rõ họ tên, đóng dấu)
3. Hướng dẫn sử dụng mẫu biên bản nghị án vụ án hành chính:
(1) Ghi tên Tòa án mở phiên tòa; nếu là Tòa án nhân dân cấp huyện thì cần ghi huyện gì thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Tòa án nhân dân huyện X, tỉnh H). Nếu là Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì ghi rõ Tòa án nhân dân tỉnh (thành phố) đó (ví dụ: Tòa án nhân dân tỉnh H).
(2) Ghi địa điểm nơi tiến hành phiên tòa (ví dụ: Tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh N; hoặc: Tại Hội trường Uỷ ban nhân dân huyện S, thành phố H).
(3) Nếu Hội đồng xét xử sơ thẩm thì ghi “sơ thẩm”; nếu Hội đồng xét xử phúc thẩm thì ghi “phúc thẩm”.
(4) Ghi đầy đủ họ tên thành viên Hội đồng xét xử.
(5) Ô thứ nhất ghi số thụ lý, ô thứ hai ghi năm thụ lý và ô thứ ba nếu tại cấp sơ thẩm thì ghi “TLST”, nếu tại cấp phúc thẩm thì ghi “TLPT”.
(6) Ghi trích yếu vụ án (ví dụ: về “khiếu kiện quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng”).
(7) Ghi đầy đủ họ tên tương ứng với tư cách đương sự trong vụ án.
(8) Ghi các ý kiến thảo luận, biểu quyết và quyết định của Hội đồng xét xử theo từng vấn đề của vụ án, nếu có ý kiến khác thì ghi rõ ý kiến của thành viên Hội đồng xét xử có ý kiến khác.
4. Quy định của pháp luật về nghị án vụ án hành chính:
Khi tiến hành nghị án vụ án hành chính thì phải được lập thành biên bản nghị án vụ án hành chính để ghi lại ý kiến đã thảo luận và quyết định của Hội đồng xét xử. Biên bản nghị án phải được các thành viên Hội đồng xét xử ký tên tại phòng nghị án trước khi tuyên án.
– Thành phần tham gia nghị án vụ án hành chính: Chỉ có các thành viên của Hội đồng xét xử mới có quyền nghị án.
– Thời gian tiến hành nghị án vụ án hành chính: nghị án được tiến hành ngay sau khi kết thúc phần tranh luận, nghị án tại phòng nghị án.
– Nội dung nghị án vụ án hành chính: căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra, xem xét tại phiên tòa, kết quả việc tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của Kiểm sát viên, các quy định của pháp luật và nghiên cứu, áp dụng án lệ hành chính (nếu có) liên quan mà Hội đồng xét xử chỉ được quyết định về các vấn đề:
(1) Tính hợp pháp về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành quyết định hành chính hoặc việc thực hiện hành vi hành chính.
(2) Tính hợp pháp và có căn cứ về hình thức, nội dung của quyết định hành chính hoặc việc thực hiện hành vi hành chính bị khởi kiện.
(3) Mối liên hệ giữa quyết định hành chính, hành vi hành chính với quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện và những người có liên quan.
(4) Thời hiệu, thời hạn ban hành quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính.
(5) Tính hợp pháp và có căn cứ của văn bản hành chính có liên quan (nếu có).
(6) Vấn đề bồi thường thiệt hại và vấn đề khác (nếu có).
– Biểu quyết trong nghị án vụ án hành chính: Khi nghị án, các thành viên của Hội đồng xét xử phải giải quyết tất cả các vấn đề ( tính hợp pháp về thẩm quyền, trình thủ tục ban hành quyết định hành chính, tính hợp pháp, hình thức, nội dung của quyết định hành chính, tính hợp pháp của các văn bản hành chính có liên quan, thời hiệu, thời hạn ban hành quyết định hành chính/ thực hiện hành vi hành chính, bồi thường thiệt hại( nếu có thiệt hại trên thực tế xảy ra)), của vụ án bằng cách biểu quyết theo đa số về từng vấn đề. Hội thẩm nhân dân biểu quyết trước, Thẩm phán biểu quyết sau cùng.
( Lưu ý: Trường hợp Hội đồng xét xử gồm 05 thành viên thì Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa là người biểu quyết sau cùng. Người có ý kiến thiểu số có quyền trình bày ý kiến của mình bằng văn bản và được đưa vào hồ sơ vụ án).
– Thời gian nghị án: sau khi kết thúc tranh luận, hội đồng xét xử vào phòng nghị án và nghị án, thảo luận, quyết định, tuy nhiên, trên thực tế có những vụ án hành chính có tính chất, phạm vi, mức độ phức tạp nên việc nghị án đòi hỏi phải có thêm thời gian thì Hội đồng xét xử có thể quyết định kéo dài thời gian nghị án, nhưng không quá 05 ngày làm việc kể từ khi kết thúc tranh luận tại phiên tòa.
– Sau khi nghị án, biên bản nghị án đã được đọc lại cho tất cả thành viên Hội đồng xét xử cùng nghe và ký tên, sau đó, hội đồng xét xử phải thông báo cho những người có mặt tại phiên tòa và người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên tòa biết ngày, giờ và địa điểm tuyên án.
Nếu Hội đồng xét xử đã thực hiện việc thông báo mà có người tham gia tố tụng vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành việc tuyên án theo quy định. Theo đó, kết thúc nghị án, đến phần tuyên án thì Hội đồng xét xử tuyên đọc bản án có mặt các đương sự. Hội đồng xét xử vẫn tuyên đọc bản án nếu trong trường hợp đương sự có mặt tại phiên tòa nhưng vắng mặt khi tuyên án hoặc vắng mặt theo quy định của pháp luật. Đối với trường hợp xét xử kín theo quy định của pháp luật thì Hội đồng xét xử tuyên công khai phần mở đầu và phần quyết định của bản án. Việc đọc bản án nhằm đưa thông tin trong quá trình làm việc, diễn ra phiên tòa, những giai đoạn trong quá trình giải quyết vụ án, và kết luận, quyết định của Toà án về những vấn đề có liên quan đến vụ án hành chính đó đến tất cả những người xong phòng xử án được biết. Khi tuyên án, mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy (trừ trường hợp đặc biệt có sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa). Việc đọc bản án do Chủ tọa phiên tòa đảm nhiệm hoặc một thành viên khác của Hội đồng xét xử. Bên cạnh đó, Chủ tọa phiên tòa hoặc một thành viên khác của Hội đồng xét xử có thể giải thích thêm về việc thi hành bản án và quyền kháng cáo.
( Lưu ý: Trong trường hợp có đương sự không biết tiếng Việt thì sau khi tuyên án, người phiên dịch phải dịch cho họ nghe toàn bộ bản án sang ngôn ngữ mà họ biết).
– Cơ sở pháp lý: Luật tố tụng hành chính 2015.