Pháp luật về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy đã quy định cho phép, tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân được đề nghị huấn luyện cứu hộ cứu nạn và được cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ khi hoàn thành huấn luyện.
Mục lục bài viết
1. Đơn đề nghị huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ là gì?
Trước khi đi vào giải thích thế nào là đơn đề nghị huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ, tác giả sẽ phân tích một số khái niệm liên quan như sau:
– Thứ nhất, thế nào là cứu nạn? thuật ngữ này được giải thích tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 83, theo đó: Cứu nạn là hoạt động cứu người bị nạn khỏi nguy hiểm đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của họ do sự cố, tai nạn, bao gồm: Phát hiện, định vị, mở lối tiếp cận người bị nạn, bố trí phương tiện, dụng cụ, lực lượng cứu nạn, cứu hộ; xác định, ngăn chặn, loại bỏ các yếu tố đe dọa tính mạng, sức khỏe người bị nạn và lực lượng cứu nạn, cứu hộ; tư vấn biện pháp y tế ban đầu, sơ cứu; đưa người bị nạn khỏi vị trí nguy hiểm và các biện pháp khác đưa người bị nạn đến vị trí an toàn.
– Thứ hai, thế nào là cứu hộ? Giải thích cho thuật ngữ này, Khoản 2, Điều 3 Nghị định 83 cũng nêu rõ: “Cứu hộ là hoạt động cứu phương tiện, tài sản khỏi nguy hiểm do sự cố, tai nạn, bao gồm: Phát hiện, định vị, mở lối tiếp cận phương tiện, tài sản bị nạn, bố trí phương tiện, dụng cụ, lực lượng cứu nạn, cứu hộ; xác định, ngăn chặn, loại bỏ các yếu tố nguy hiểm đe dọa an toàn phương tiện, tài sản và sức khỏe, tính mạng lực lượng cứu nạn, cứu hộ; đưa phương tiện, tài sản khỏi vị trí nguy hiểm và các biện pháp khác đưa phương tiện, tài sản đến vị trí an toàn.”
Hai khái niệm này được xây dựng gần như nhau, nhưng lại khác ở đối tượng hướng đến, cứu nạn được xác định là hoạt động cứu người và cứu hộ được xác định là hoạt động cứu phương tiện, tài sản. Tác nhân gây ra nguy hiểm là sự cố, tai nạn (à sự việc do thiên nhiên, con người, động vật gây ra, xâm phạm hoặc đe dọa tính mạng, sức khỏe con người, làm hủy hoại, hư hỏng hoặc đe dọa an toàn phương tiện, tài sản).
– Thứ ba, huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ là gì? Khái niệm của cụm từ này được xây dựng dựa trên các từ ghép, theo đó có thể hiểu là hoạt động của cơ quan chủ trì tổ chức lớp huấn luyện (theo quy định của pháp luật) thực hiện các hoạt động cần thiết như giảng dạy, hỗ trợ,…để giúp cho các cá nhân nắm bắt được những kỹ năng, trình độ chuyên môn nhất định để thực hiện các hoạt động cứu người/cứu phương tiện/tài sản khỏi nguy hiểm do sự cố, tai nạn.
Lực lượng phòng cháy và chữa cháy thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ cũng như huấn luyện cứu nạn, cứu hộ đối với các sự cố, tai nạn dưới đây: Sự cố, tai nạn cháy; sự cố, tai nạn nổ; sự cố, tai nạn sập, đổ nhà, công trình, thiết bị, máy móc, cây cối; sự cố, tai nạn sạt lở đất, đá; sự cố, tai nạn có người bị mắc kẹt trong nhà; công trình; trên cao; dưới sâu; trong thiết bị; trong hang, hầm; công trình ngầm; sự cố, tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa khi có yêu cầu; tai nạn đuối nước tại sông, suối, thác nước, hồ, ao, giếng nước, hố sâu có nước, bãi tắm; sự cố, tai nạn tại khu du lịch, khu vui chơi giải trí;
Đơn đề nghị huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ (cá nhân) là văn bản do cá nhân gửi tới cơ quan chủ trì tổ chức lớp huấn luyện (theo quy định của pháp luật) nhằm đăng ký tham dự huấn luyện nghiệp vụ về: Phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ.
Đơn đề nghị huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ là văn bản bắt buộc trong hồ sơ để được huấn luyện và xin cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ, là văn bản bày tỏ nguyện vọng của cá nhân trong việc muốn tham gia vào lớp bồi dưỡng, huấn luyện. Là căn cứ đầu tiên để cơ quan chủ trị tổ chức lớp huấn luyện xem xét, đánh giá và chấp nhận cho phép huấn luyện, cũng là cơ sở để cơ quan này nắm bắt số lượng, sắp sếp nguồn cán bộ huấn luyện, cơ sở vật chất để tiến hành huấn luyện. Đơn đề nghị còn phản ánh tinh thần của cá nhân trong việc muốn nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn, khả năng ứng phó trước những tình huống, sự cố, tai nạn trong cuộc sống.
Trong những phân tích trên đây, tác giả thường nhắc đến “cơ quan chủ trì tổ chức lớp huấn luyện“, để giải thích rõ hơn về cơ quan này, tại Khoản 2 Điều 11, Nghị định 83 có quy định về trách nhiệm tổ chức và thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ, trong đó cần chú ý các cơ quan sau:
– Việc đào tạo công tác cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy do Trường Đại học Phòng cháy và chữa cháy và các cơ sở giáo dục, đào tạo có đủ điều kiện đảm nhiệm;
– Cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cấp tỉnh, Công an cấp tỉnh bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc quyền quản lý, lực lượng dân phòng, phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng khác khi được đề nghị;
– Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm, kiến thức cần thiết về cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng và cho cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn;
– Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở có trách nhiệm tổ chức bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ về cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành, phòng cháy và chữa cháy cơ sở.
Nếu cá nhân là người không thuộc lực lượng phòng cháy, chữa cháy thì việc tổ chức huấn luyện sẽ do Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức.
Thời gian bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ cho các lực lượng phòng cháy và chữa cháy khác:
– Thời gian huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ lần đầu từ 32 giờ đến 48 giờ;
– Thời gian bồi dưỡng bổ sung hàng năm về nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ tối thiểu là 16 giờ;
– Thời gian huấn luyện lại để được cấp chứng nhận huấn luyện về nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ sau khi giấy này hết thời hạn sử dụng tối thiểu là 32 giờ.
Kinh phí tổ chức lớp bồi dưỡng, huấn luyện về nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ do cơ quan, tổ chức, cơ sở tổ chức lớp bồi dưỡng, huấn luyện chịu trách nhiệm chi trả theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đơn đề nghị huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ, cá nhân còn phải chuẩn bị sơ yếu lý lịch;
Như vậy, có thể thấy rằng, bằng việc quy định về việc bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ cứu hộ, cứu nạn mà nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức trong xã hội đã có sự phối hợp cực kỳ tốt, họ là những cá nhân có khả năng ứng cứu kịp thời khi lực lượng phòng cháy, chữa cháy chưa tới kịp, góp phần giảm thiểu những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản do sự cố, tai nạn gây ra.
2. Mẫu đơn đề nghị huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
ĐỀ NGHỊ HUẤN LUYỆN NGHIỆP VỤ CỨU NẠN, CỨU HỘ
(Huấn luyện lần đầu: □ Cấp lại: □)
Kính gửi: …………(1)……………
Tên tôi là: …………….
Ngày, tháng, năm sinh: …………….
Số CMND/Hộ chiếu:…………….. Ngày cấp:……..
Nơi cấp: ………….
Nghề nghiệp: …………
Nơi làm việc/thường trú: …………
Số điện thoại: …..
Tôi xin đăng ký tham dự lớp huấn luyện nghiệp vụ (2) ……………
Tôi xin chấp hành đầy đủ các quy định về tổ chức của lớp học./.
…….., ngày ….. tháng ….. năm …..
Người đăng ký
(Ký, ghi rõ họ tên)
3. Hướng dẫn mẫu đơn đề nghị huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ:
(1) Ghi tên cơ quan chủ trì tổ chức lớp huấn luyện.
(2) Ghi nội dung đăng ký tham dự huấn luyện nghiệp vụ về: Phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ.
Cơ sở pháp lý:
Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy do Chính phủ ban hành