Thực tế, tài sản đó có thể là vật chứng quan trọng mà việc trả lại lúc đó do có sự nhầm lẫn nên việc trả lại là không có căn cứ, vì vậy nhằm khắc phục sai lầm này pháp luật cho phép chủ thể có thẩm quyền quyết định hủy bỏ quyết định trả lại tài sản.
Mục lục bài viết
1. Quyết định hủy bỏ quyết định trả lại tài sản là gì?
Quyết định trả lại tài sản là văn bản do chủ thể có thẩm quyền (Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử) ban hành nhằm chuyển giao tài sản (trả lại quyền chiếm hữu) cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản đó trong trường hợp tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng hoặc nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án.
Quy định về trả lại tài sản được ghi nhận tại Khoản 3 Điều 106, Bộ luật tố tụng hình sự, theo đó: “Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó”. Đây là quy định mới so với quy định tại Điều 76 BLTTHS 2003. Quá trình tiến hành tố tụng ở giai đoạn đầu, cơ quan có thẩm quyền phải thu thập nhiều tài liệu, đồ vật để có cơ sở giải quyết vụ án, và có thể có sơ suất khi sàng lọc chứng cứ nên đã thu thập những đồ vật, tài sản không phải là vật chứng. Tuy nhiên, chỉ có vật chứng mới là nguồn của chứng cứ, có giá trị chứng minh trong vụ án hình sự, còn những đồ vật, tài sản không phải là vật chứng sẽ không có giá trị chứng minh trong vụ án. Với quy định nêu trên, trường hợp đã thu giữ, tạm giữ những đồ vật, tài sản không phải là vật chứng thì tùy thuộc vào từng giai đoạn tố tụng mà CQĐT, cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra, VKS, Tòa án phải trả lại ngay cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.
Ở đây cần lưu ý, trong một số vụ án người phạm tội có thể bị tịch thu tài sản, bị buộc thực hiện nghĩa vụ bồi thường, các cơ quan tố tụng đã tạm giữ tài sản của người phạm tội (hoặc có thể kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản) mặc dù tài sản này không phải là vật chứng nhưng cũng không trả lại cho người phạm tội vì họ có thể sẽ tẩu tán tài sản, gây khó khăn cho công tác thi hành án. Việc trả lại tài sản cho người phạm tội hay không trong trường hợp này, theo tác giả nên để HĐXX quyết định trong bản án
Bên cạnh đó, quy định tại Điểm b, khoản 3, cũng nêu rõ: “Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án”. Quy định này là sự kế thừa (có sửa đổi) quy định tại khoản 3 Điều 76 BLTTHS 2003. Khoản 3 Điều 76 chỉ đề cập đến việc trả lại các vật chứng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 76 – những vật chứng là vật, tiền bạc thuộc sở hữu của Nhà nước, tổ chức, cá nhân bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội.
Thực tiễn tố tụng cho thấy, nhiều trường hợp vật chứng không thuộc một trong các loại quy định tại điểm b khoản 2 Điều 76, cần phải trả lại cho chủ sở hữu mà không ảnh hưởng tới việc giải quyết vụ án, chẳng hạn: vật chứng là vật mang dấu vết tội phạm như phương tiện ô tô, mô tô trong vụ án tai nạn giao thông (sau khi đã khám nghiệm phương tiện để xác định thiệt hại, dấu vết tai nạn), tài sản đồ vật của bị can, bị cáo, người bị hại bị rơi ra hiện trường sau va chạm; hoặc tài sản là tư trang cá nhân, là phương tiện đi lại của người phạm tội trong vụ án cố ý gây thương tích… Rõ ràng, việc trả lại vật chứng trong các trường hợp này cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp là thỏa đáng, nhưng áp dụng khoản 3 Điều 76 lại không chuẩn xác về căn cứ pháp lý. Với sự điều chỉnh của BLTTHS 2015, quy định tại điểm b khoản 3 Điều 106 sẽ bao trùm được hết các trường hợp xử lý vật chứng bằng hình thức trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp, khắc phục được bất cập của BLTTHS 2003.
Bản chất của quy định giữa điểm a và điểm b, Khoản 3, Điều 106 là giống nhau, đều là việc trả lại tài sản thuộc quyền của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản, tuy nhiên nếu xét dưới góc độ khác thì quy định tại khoản a là trường hợp tài sản không phải là vật chứng (việc trả lại này có yếu tố đương nhiên bởi không có căn cứ để chiếm hữu một tài sản của người khác), tuy nhiên tại điểm b, thì tài sản này là vật chứng (tức là nó có giá trị chứng minh và thỏa mãn các yếu tố khác của vật chứng), nhưng được trả cho chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản nếu việc này không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án. Cả hai trường hợp này đều có khả năng xảy ra sai sót như nhau và quyết định hủy bỏ quyết định trả lại tài sản ra đời là kết quả của việc giải quyết hậu quả từ sai sót đó.
Quyết định hủy bỏ quyết định trả lại tài sản là văn bản do Viện trưởng Viện kiểm sát ban hành nhằm hủy bỏ quyết định trả lại tài sản của cơ quan ra quyết định trả lại tài sản trước đó khi cho rằng quyết định đó là không có căn cứ và trái pháp luật.
Quyết định hủy bỏ quyết định trả lại tài sản là văn bản thể hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong quá trình thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, là kết quả của quá trình xem xét, đánh giá quyết định trả lại tài sản là có hợp lí, hợp pháp hay không. Kể từ thời điểm quyết định hủy bỏ có hiệu lực, cơ quan ra quyết định trả tài sản phải thu hồi lại tài sản và đưa về bảo quản tại cơ quan có thẩm quyền, tức là điều này cho phép hợp pháp hóa mọi hoạt động của chủ thể có thẩm quyền. Lí do Viện Kiểm sát ban hành quyết định hủy bỏ là do quyết định trả lại tài sản là không có căn cứ (chưa xác định đó có phải vật chứng, việc trả lại gây ảnh hưởng tới việc xử lý vụ án) hoặc trái pháp luật (do chủ thể không có thẩm quyền ban hành).
2. Mẫu quyết định hủy bỏ quyết định trả lại tài sản (154/HS):
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
VIỆN KIỂM SÁT[1] … [2]……
Số:…../QĐ-VKS…-…[3]
…………, ngày…… tháng…… năm 20…
QUYẾT ĐỊNH
HỦY BỎ QUYẾT ĐỊNH TRẢ LẠI TÀI SẢN
VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT………
Căn cứ các điều 41, 106 và 165 Bộ luật Tố tụng hình sự;
Căn cứ Quyết định khởi tố vụ án hình sự số…… ngày…. tháng….. năm… của[4]……… về tội…………… quy định tại khoản…… Điều……. Bộ luật Hình sự;
Xét Quyết định trả lại tài sản số … ngày … tháng … năm … của[5] ……… đối với[6] …………….…… là không có căn cứ và trái pháp luật[7]…………………………,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Huỷ bỏ Quyết định trả lại tài sản số …. ngày … tháng … năm … của5…
Điều 2. Yêu cầu5 …………… thu hồi tài sản……………… theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Điều 3. Yêu cầu[8]: ………………… Giới tính:…………………..
Tên gọi khác: …………
Sinh ngày …………. tháng ………. năm ……………… tại: …….
Quốc tịch:………………………; Dân tộc:…………………………; Tôn giáo: ………
Nghề nghiệp: ………….
Số CMND/Thẻ CCCD/Hộ chiếu:…………….
cấp ngày……….. tháng ……… năm …………………… Nơi cấp: ……….
Nơi cư trú:………
thi hành Quyết định này theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự./.
Nơi nhận:
– Cơ quan ra quyết định trả lại tài sản;
-……………………….;
– Lưu: HSVA, HSKS, VP.
VIỆN TRƯỞNG[9]
3. Hướng dẫn mẫu quyết định hủy bỏ quyết định trả lại tài sản (154/HS):
[1] Ghi tên Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp hoặc Viện kiểm sát nhân dân tối cao
[2] Ghi tên Viện kiểm sát ban hành. Trường hợp Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành thì bỏ mục này
[3] Viết tắt tên Viện kiểm sát ban hành – đơn vị phụ trách (nếu có)
[4] Ghi tên Cơ quan ra quyết định khởi tố vụ án
[5] Ghi tên Cơ quan ra quyết định trả lại tài sản
[6] Ghi rõ tên người hoặc pháp nhân được trả lại tài sản
[7] Nêu rõ không có căn cứ, trái pháp luật như thế nào
[8] Ghi rõ tên người được trả lại tài sản, trường hợp là pháp nhân thương mại thì ghi đầy đủ thông tin pháp nhân thương mại (gồm: tên pháp nhân, địa chỉ đặt trụ sở chính, số đăng ký kinh doanh, quốc tịch, họ tên người đại diện theo pháp luật,…)
[9] Trường hợp Phó Viện trưởng được Viện trưởng ủy quyền ký thay thì ghi như sau:
“KT. VIỆN TRƯỞNG
PHÓ VIỆN TRƯỞNG”
Cơ sở pháp lý:
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015
Quyết định 15/QĐ-VKSTC năm 2018 về Mẫu văn bản tố tụng, văn bản nghiệp vụ thực hiện trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành