Khi có người bào chữa cho bị can, bị cáo thì cần thực hiện hoạt động đăng ký bào chữa. Nếu đồng ý cho việc bảo chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ ra quyết định Thông báo người bào chữa tham gia tố tụng.
Mục lục bài viết
1. Người bào chữa là ai?
Tại Điều 72
“1. Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa.”
Người bào chữa trong tố tụng hình sự là người đáp ứng đầu đủ các tiêu chuẩn, điều kiện do pháp luật quy định, tham gia tố tụng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức để chứng minh sự vô tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội và giúp đỡ các chủ thể đó về mặt pháp lý trong các vụ án hình sự nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Tại khoản 4 Điều 72 này cũng quy định về các trường hợp những cá nhân không được làm người bào chữa.
Người bào chữa có thể những người sau:
Người bào chữa là Luật sư: Hoạt động tham gia tố tụng của Luật sư chủ yếu gắn liền với hoạt động xét xử, thực hiện quyền tư pháp của Nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến tự do, tài sản, các quyền nhân thân, thậm chí là tính mạng của khách hàng. Trong vụ án hình sự, Luật sư tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho người bị buộc tội, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, đương sự. Luật sư tham gia tố tụng vụ án hình sự xác định tư cách tố tụng một cách độc lập, có các quyền và nghĩa vụ tương ứng theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Khái niệm người bào chữa là Luật sư có thể hiểu như sau: Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức và hoạt động bào chữa của luật sư có tính chuyên nghiệp.
Người bào chữa là Bào chữa viên nhân dân, đây là diện chủ thể người bào chữa mang tính đặc thù riêng có ở Việt Nam. Bào chữa viên nhân dân phải đáp ứng các điều kiện luật định và tham gia tố tụng để bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong trường hợp sau:
Thứ nhất, nếu bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đề nghị Mặt trận tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức minh.
Thứ hai là trường hợp Ủy viên Mặt trận tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của mặt trận tự cử Bào chữa viên nhân thân tham gia.
Người bào chữa là Trợ giúp viên pháp lý: Trợ giúp viên pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định Luật trợ giúp pháp lý, giúp người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, ngân g cao hiểu biết về pháp luật,… và trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định về vấn đề này. Trợ giúp pháp lý là trách nhiệm của Nhà nước.
Người bào chữa là “người đại diện của người bị buộc tội”: Người đại diện hợp pháp cho người bị buộc tội là cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị buộc tội chưa thành viên hoặc người có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa hoặc người có nhược điểm về tâm thần, đại diện theo pháp luật của bị can, bị cáo là pháp nhân.
Để được tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa, thì các cá nhân có mong muốn phải thực hiện hoạt động đăng ký bào chữa tại cơ quan có thẩm quyền.
2. Thông báo người bào chữa tham gia tố tụng là gì?
Thông báo người bào chữa tham gia tố tụng mẫu số 13- HS là văn bản do Tòa án có thẩm quyền ban hành, sau khi đồng ý cá nhân tham gia vào hoạt động tố tụng hình sự với tư cách là người bào chữa cho người bị buộc tội.
Thông báo người bào chữa tham gia tố tụng mẫu số 13- HS chính là một trong những phương thức thể hiện sự xác nhận việc đăng ký bào chữa. Văn bản này được gửi đến các chủ thể có liên quan trong tố tụng hình sự như đối với các cơ quan tiến hành tố tụng khác, người bị buộc tội,…
3. Hoạt động đăng ký người bào chữa tham gia tố tụng:
Theo quy định tại Điều 78 Bộ luật tố tụng hình sự quy định thì trong mọi trường hợp, người bào chữa phải đăng ký tham gia bào chữa trong bất kì giai đoạn nào của hoạt động tố tụng. Khi thực hiện hoạt động đăng ký, thì cần nộp các văn bản theo quy định lên cơ quan tiến hành tố tụng, như đối với Luật sư đăng ký bào chữa thì cần có bản sao thẻ Luật sư và giấy yêu cầu luật sư; Người đại diện của người bị buộc tội đăng ký bào chữa cần có bản sao có chứng thực của Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân và giấy tờ về mối quan hệ của họ với người bị buộc tội có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Đối với Bào chữa viên nhân dân thì cũng cần có bản sao Chứng minh nhân dân (CCCD) và văn bản cử bào chữa viên nhân dân. Và đối với trợ giúp viên pháp lý, thì cần có văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý và Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Thẻ luật sư
Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kiểm tra giấy tờ và thấy các hồ sơ đăng ký không thuộc trường hợp từ chối việc đăng ký bào chữa quy định này thì cơ quan có trách nhiệm vào sổ đăng ký bào chữa, gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng ký bào chữa, cơ sở giam giữ và lưu giấy tờ liên quan đến việc đăng ký bào chữa vào hồ sơ vụ án. Trong trường hợp xét thấy không đủ điều kiện đăng ký bào chữa thì cơ quan từ chối việc đăng ký bào chữa và phải nêu rõ lý do bằng văn bản từ chối. Thời hạn thực hiện hoạt động này là trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ quy định cho cơ quan có thẩm quyền.
4. Mẫu Thông báo Người bào chữa tham gia tố tụng:
Mẫu Thông báo người bào chữa tham gia tố tụng là văn bản có ký hiệu là số 13-HS được quy định trong Phụ lục Ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP ngày 19 tháng 9 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
––––––––
TÒA ÁN……….(1)
–––––––––––––––
Số:…./…..(2)/TB-TA
……, ngày….. tháng….. năm……
THÔNG BÁO
Người bào chữa tham gia tố tụng
Kính gửi: (3)……..
Địa chỉ: (4)……..
Ngày….. tháng….. năm…… Tòa án (5)…..đã thụ lý vụ án hình sự sơ thẩm (phúc thẩm) số: (6)…….
Sau khi xem xét thủ tục đăng ký bào chữa, căn cứ Điều 72 và Điều 78 của Bộ luật Tố tụng hình sự, Tòa án (7) …….. thông báo:
1. Ông (Bà) (8) ……..
Là người bào chữa cho bị can (các bị can) hoặc bị cáo (các bị cáo): (9) ….
Trong vụ án hình sự sơ thẩm (phúc thẩm) thụ lý số: (10) ……..
2. Ông (Bà) (11)……. thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người bào chữa theo đúng quy định của pháp luật.
Nơi nhận:
– (12)………………;
– Lưu hồ sơ vụ án.
THẨM PHÁN
(Ký tên, ghi rõ họ tên, đóng dấu)
5. Soạn thảo Thông báo Người bào chữa tham gia tố tụng:
Thông báo Người bào chữa tham gia tố tụng được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối hướng dẫn soạn thảo như sau:
(1) và (7) ghi tên Tòa án nhân dân giải quyết vụ án; nếu là Tòa án nhân dân cấp huyện thì cần ghi tên Tòa án nhân dân huyện gì thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Tòa án nhân dân huyện X, tỉnh H); nếu là Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì ghi tên Tòa án nhân dân tỉnh (thành phố) nào (ví dụ Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội); nếu là Tòa án nhân dân cấp cao thì ghi Tòa án nhân dân cấp cao tại (Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh…); nếu là Tòa án quân sự khu vực cần ghi thêm quân khu (Tòa án quân sự Khu vực 1, Quân khu 4).
(2) ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm ra Quyết định (ví dụ: Số: 01/2017/QĐ-TA).
(3), (8) và (11) ghi đầy đủ họ tên người bào chữa.
(4) ghi cụ thể địa chỉ của người bào chữa.
(5) ghi rõ tên Tòa án thụ lý vụ án.
(6) và (10) trường hợp thụ lý sơ thẩm thì ghi số:…/…/TLST-HS; trường hợp thụ lý phúc thẩm thì ghi số:…/…/TLPT-HS.
(9) ghi rõ họ tên bị can, bị cáo trong cáo trạng.
(12) như kính gửi, Viện kiểm sát cùng cấp, Cơ sở giam giữ, bị can (bị cáo).