Khi cá nhân, tổ chức yêu cầu giải quyết việc dân sự, các chủ thể này có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng lệ phí, trên cơ sở thông báo của Tòa án nhân dân.
Mục lục bài viết
1. Mẫu thông báo nộp tiền tạm ứng lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự là gì?
Lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự là khoản tiền mà cá nhân, tổ chức phải nộp khi có yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.
Nộp tiền tạm ứng lệ phí là nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức yêu cầu giải quyết việc dân sự, được ghi nhận tại Khoản 2, Điều 146 Bộ luật tố tụng dân sự, cụ thể: “Người nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự phải nộp tiền tạm ứng lệ phí giải quyết việc dân sự đó, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí.
Đối với yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn thì vợ, chồng có thể thỏa thuận về việc nộp tiền tạm ứng lệ phí, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí theo quy định của pháp luật. Trường hợp vợ, chồng không thỏa thuận được người nộp tiền tạm ứng lệ phí thì mỗi người phải nộp một nửa tiền tạm ứng lệ phí.” hoặc tại Khoản 1, Điều 36 Nghị quyết 326 cũng nêu rõ: “
Người nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết những việc dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 27; các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 29; khoản 1 và khoản 6 Điều 31; khoản 1 và khoản 5 Điều 33 của Bộ luật tố tụng dân sự có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án giải quyết việc dân sự đó, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án theo quy định của Nghị quyết này.
Đối với yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn thì vợ, chồng có thể thỏa thuận về việc nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án theo quy định của pháp luật. Trường hợp vợ, chồng không thỏa thuận được người nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án thì mỗi người phải nộp 50% mức tiền tạm ứng lệ phí Tòa án.”
Điều này chứng tỏ, giá trị của hoạt động nộp tiền tạm ứng án phí, đó là yếu tố có giá trị quyết định xem Tòa án có thụ lý đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự hay không.
Thông báo nộp tiền tạm ứng lệ phí là văn bản do
Thông báo nộp tiền tạm ứng lệ phí là nghĩa vụ của Tòa án được ghi nhận tại Khoản 4, Điều 363 Bộ luật tố tụng dân sự, cụ thể: ” Trường hợp xét thấy đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo đã đủ điều kiện thụ lý thì Thẩm phán thực hiện như sau: a) Thông báo cho người yêu cầu về việc nộp lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo nộp lệ phí, trừ trường hợp người đó được miễn hoặc không phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí;….”
Thông báo nộp tiền tạm ứng lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự nhằm đảm bảo quyền được nắm bắt thông tin của người yêu cầu, giúp họ chủ động thực hiện nghĩa vụ của mình trong thời hạn cho phép, và cũng là căn cứ để họ thực hiện quyền khiếu nại nếu thấy số tiền lệ phí không đúng với quy định của pháp luật (Mức tạm ứng lệ phí sơ thẩm giải quyết việc dân sự bằng mức lệ phí sơ thẩm giải quyết việc dân sự.). Việc thông báo còn là căn cứ để người yêu cầu nhanh chóng thực hiện nghĩa vụ, nếu không thực hiện nghĩa vụ và không nhận được biên lai thu tiền tạm ứng lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự thì Tòa án sẽ không thụ lý đơn yêu cầu. Khi nhận được thông báo mà không thực hiện được vì có lý do chính đáng thì người yêu cầu cần nêu rõ lý do.
Thời hạn nộp tiền tạm ứng lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự được quy định tại Nghị quyết 326 là “Người phải nộp tiền tạm ứng lệ phí có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng lệ phí sơ thẩm, phúc thẩm và nộp cho Tòa án biên lai nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng lệ phí, trừ trường hợp có lý do chính đáng;”. Đây là thời hạn được cho là hợp lý, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian xem xét thụ lý của Tòa án. Tiền tạm ứng lệ phí có thể được miễn giảm trên cơ sở đơn đề nghị miễn, giảm tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án và tài liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp được miễn, giảm, và do Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công có thẩm quyền quyết định.
2. Mẫu thông báo nộp tiền tạm ứng lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
TÒA ÁN NHÂN DÂN……….(1)
——-
Số: ……../TB-TA
………., ngày ….. tháng …. năm …….
THÔNG BÁO
NỘP TIỀN TẠM ỨNG LỆ PHÍ YÊU CẦU GIẢI QUYẾT VIỆC DÂN SỰ
Kính gửi:(2) …
Địa chỉ:(3) …
Sau khi xem xét đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự của(4) …………….. đề ngày ……tháng….. năm ……….và các tài liệu, chứng cứ kèm theo.
Căn cứ khoản 2 Điều 146 và khoản 4 Điều 363 Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 5 Điều 7, Điều 17 và Điều 36 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tòa án nhân dân………………………… thông báo cho(5) ………………..biết, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo này, phải đến trụ sở Chi cục/Cục thi hành án dân sự(6) ……………….., địa chỉ:……………………… để nộp tiền tạm ứng lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự là:………………….. (bằng chữ:……………………….) và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự, trừ trường hợp có lý do chính đáng.
Tòa án thụ lý đơn yêu cầu của(7)…… khi nhận được biên lai thu tiền tạm ứng lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự.
Nơi nhận:
– Như kính gửi;
– Lưu: VT, hồ sơ việc dân sự.
THẨM PHÁN
3. Hướng dẫn mẫu thông báo nộp tiền tạm ứng lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự:
(1) Ghi tên Tòa án ra thông báo; nếu là Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì ghi rõ tên Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Tòa án nhân dân huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội); nếu là Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì ghi Tòa án nhân dân tỉnh (thành phố) đó (ví dụ: Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam).
(2) và (3) Nếu người yêu cầu là cá nhân thì ghi rõ họ tên và địa chỉ nơi cư trú, nơi làm việc (nếu có) của người đó; nếu là cơ quan, tổ chức thì ghi tên, địa chỉ trụ sở của cơ quan, tổ chức đó (ghi theo đơn yêu cầu). Nếu gửi người đại diện theo pháp luật thì sau họ tên ghi “- là người đại diện theo pháp luật của người có quyền yêu cầu” và ghi rõ họ tên của người có quyền yêu cầu; nếu gửi người đại diện theo ủy quyền thì ghi “- là người đại diện theo ủy quyền của người có quyền yêu cầu theo văn bản ủy quyền được xác lập ngày………” và ghi rõ họ tên của người có quyền yêu cầu.
(4), (5) và (7) Nếu là cá nhân thì ghi ông/bà mà không ghi họ tên; nếu là cơ quan, tổ chức thì ghi tên của cơ quan, tổ chức đó.
(6) Ghi rõ tên, địa chỉ của Chi cục hoặc Cục Thi hành án dân sự có thẩm quyền thu tạm ứng lệ phí giải quyết việc dân sự; nếu là Chi cục Thi hành án dân sự thì ghi rõ Chi cục Thi hành án dân sự huyện nào thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Chi cục Thi hành án dân sự huyện X, tỉnh H); nếu là Cục Thi hành án dân sự thì ghi rõ Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội).
Cơ sở pháp lý:
Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐTP về biểu mẫu trong giải quyết việc dân sự do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành