Hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là một trong những tội phạm có nhiều diễn biến phức tạp hơn trong thời gian gần đây. Vậy tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 169 Bộ luật hình sự năm 2015 như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là gì?
Về kỹ thuật lập pháp, nhà làm luật không mô tả hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản trong điều luật. Do đó, dưới khía cạnh nghiên cứu, có nhiều quan điểm khác nhau được đưa ra khi định nghĩa về hành vi phạm tội này như: “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là bắt đem giấu đi để làm con tin nhằm buộc gia đình, người thân phải nộp tiền chuộc.
Tội phạm hoàn thành khi đã có hành vi bắt cóc và đòi tiền chuộc không kể là có lấy được tiền hay không. Nếu vì không đạt được mục đích đòi tiền chuộc mà kẻ phạm tội xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe của con tin thì tùy hành vi thực hiện mà xử thêm tội giết người hoặc cố ý gây thương tích cùng với tội bắt cóc theo nguyên tắc phạm nhiều tội”; “Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi bắt, giữ người khác làm con tin do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý nhằm buộc người muốn chuộc phải nộp cho mình tiền hoặc tài sản thì mới thả người bị bắt, giữ”; “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi bắt người làm con tin nhằm buộc người khác phải nộp cho mình một khoản tiền hoặc tài sản thì mới thả người bị bắt”…
Trên phương diện lý luận có thể thấy, các quan điểm trên đã nêu ra được một số dấu hiệu pháp lý đặc trưng của hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Điều này đã góp phần làm rõ lý luận và định hướng tích cực cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, giải quyết các vụ án bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản trên thực tế.
Do đó, khái niệm về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản cần phải nêu rõ dấu hiệu pháp lý này.
– Một số quan điểm trên chưa cắt nghĩa được thuật ngữ “bắt cóc” hoặc điểm khác biệt của hành vi “bắt, giữ người khác làm con tin” trong tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản với các tội phạm khác. Thực tế đã xảy ra vụ án, nửa đêm đối tượng đột nhập vào nhà của hai mẹ con (đứa con còn nhỏ). Đối tượng đã bắt, giữ, kề dao vào cổ đứa con làm con tin để uy hiếp, yêu cầu người mẹ phải đưa cho đối tượng 30 triệu đồng thì mới thả đứa con, nếu không đứa con sẽ bị nguy hiểm đến tính mạng. Xung quanh vụ án này, có nhiều quan điểm tranh luận giữa các cơ quan tiến hành tố tụng khi định tội danh, đối tượng phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản hay cướp tài sản?
Theo Từ điển Tiếng Việt, “bắt cóc là bắt người một cách đột ngột và đem giấu đi”. Chúng tôi cho rằng, việc giải thích thuật ngữ “bắt cóc” trong Từ điển Tiếng Việt là tương đối sát nghĩa, thể hiện được bản chất của hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản so với các tội phạm khác.
Bắt cóc người khác phải thể hiện việc đưa người bị bắt giấu đi ở một nơi nào đó mà không muốn cho người khác biết, đặc biệt là đối với người thân, gia đình của người bị bắt (người muốn chuộc con tin). Do đó, trong vụ án trên, nếu xử lý đối tượng về hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là chưa thật sự phù hợp, chưa đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.
Với những phân tích trên, chúng tôi cho rằng, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi bắt người khác đem giấu ở một địa điểm nào đó để làm con tin, nhằm uy hiếp buộc người muốn chuộc con tin (có thể là người thân trong gia đình, bạn bè của người bị bắt…) phải giao tiền hoặc tài sản khác thì mới thả người bị bắt.
2. Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo Điều 169 Bộ luật hình sự:
Theo quy định tại Điều 169 –
“1. Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
d) Đối với người dưới 16 tuổi;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
h) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
i) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
k) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của 02 người trở lên mà tỷ lệ của mỗi người 46% trở lên;
d) Làm chết người.
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
3. Cấu thành tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản:
Mặt khách quan của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản
Hành vi khách quan:Bắt cóc là hành vi bắt người trái pháp luật. Thông thường hành vi bắt người làm con tin được thực hiện một cách lén lút và đưa người bị bắt đến một nơi nào đó rồi tìm cách
Ngoài hành vi bắt cóc người làm con tin, người phạm tội còn có hành vi đe doạ người khác (cơ quan, tổ chức hoặc người thân của con tin) nếu không giao nộp tiền hoặc tài sản thì con tin sẽ bị giết, bị đánh đập, hành hạ… Hành vi đe doạ người khác cũng có thể được thực hiện bằng nhiều phương pháp khác nhau như: gọi điện thoại, viết thư, nhắn tin qua người khác hoặc trực tiếp gặp người thân của con tin…
Cùng với việc đe doạ người khác, người phạm tội còn có thể có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc có những hành vi, thủ đoạn khác đối với người bị bắt làm con tin để người này sợ hãi mà yêu cầu cơ quan, tổ chức hoặc người thân của mình nộp tiền hoặc tài sản như: đánh, trói, doạ giết, doạ đánh, doạ đem bán ra nước ngoài, bán cho các ổ mại dâm… Đối với hành vi xâm phạm trực tiếp đến con tin, nếu cấu thành một tội độc lập thì người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tương ứng với hành vi xâm phạm. Ví dụ: A, B bắt cóc C sau đó yêu cầu C viết thư về nhà lấy 30 cây vàng giao cho cho chúng thì chúng mới thả C. Tuy nhiên, trong lúc B đi gửi thư về nhà C thì A ở lại cưỡng hiếp C. Như vậy, hành vi của A vừa cấu thành tội bắt cóc nhằm chuyến đoạt tài sản vừa cấu thành tội hiếp dâm.
Nếu hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc có những hành vi khác, nhưng hành vi này được quy định là yếu tố định khung hình phạt quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 của Điều 134 Bộ luật hình sự thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm tội. Ví dụ: Người bị bắt làm con tin bị trói, bị đánh đập gây tổn hại đến sức khoẻ có tỷ lệ thương tật 30%, thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khoẻ sức” mà người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt theo khung hình phạt tăng nặng được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 169.
Hậu quả:Cũng như tội cướp tài sản, hậu quả của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt không phải là yếu tố bắt buộc để định tội, nếu người phạm tội chưa gây ra hậu quả nhưng có ý thức chiếm đoạt và đã thực hiện hành vi bắt cóc người làm con tin là tội phạm đã hoàn thành. Tuy nhiên, nếu gây ra hậu quả thì tuỳ thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt nặng hơn hoặc là tình tiết xem xét khi quyết định hình phạt.
Khách thể:
Hành vi nêu trên xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác (xem giải thích tương tự ở tội cướp tài sản). Ngoài ra còn xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, quyền tự do thân thể, danh dự, nhân phẩm của công dân.
Mặt chủ quan của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản
Cũng như đối với tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt được thực hiện do cố ý. Mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm đoạt được tài sản. Nếu hành vi bắt cóc người làm con tin lại nhằm một mục đích khác mà không nhằm chiếm đoạt tài sản thì không phải là tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản mà tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội phạm tương ứng khác. Ví dụ: Để trả thù anh M, nên H bắt cóc con trai anh M mới ba tuổi để anh M phải hủy chuyến đi công tác nước ngoài. Hành vi của H chỉ phạm tội bắt người trái pháp luật.
Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội có thể có trước khi thực hiện hành vi bắt cóc, nhưng cũng có thể xuất hiện trong hoặc sau khi đã thực hiện hành vi bắt cóc người làm con tin. Ví dụ: Trong trường hợp đối với H vừa nêu ở trên, sau khi đã bắt được con của anh M, H lại có ý định chiếm đoạt tài sản của anh M và có những hành vi buộc anh M phải giao cho mình một khoản tièn thì mơí trả con cho anh M, thì hành vi của H đã chuyển hoá từ tội bắt người trái pháp luật sang tột bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Chủ thể:
Chủ thể của tội này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.
Hành vi khách quan của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi bắt cóc người khác làm con tin và hành vi chiếm đoạt tài sản. Thiệt hại do những hành vi này gây ra cho quan hệ nhân thân và quan hệ sở hữu là hậu quả của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, đó là những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác.
Hành vi bắt cóc là tiền đề, cơ sở và là thủ đoạn quyết định đến việc đối tượng có thể thực hiện được hành vi chiếm đoạt tài sản và những thiệt hại do hành vi bắt cóc gây ra cho con tin cũng nhằm hướng đến việc thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Do đó, những thiệt hại nào xuất hiện trong quá trình thực hiện hành vi bắt cóc gây ra cho con tin mà không hướng đến việc thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản thì không phải là hậu quả của tội phạm và hành vi gây thiệt hại đó cũng không phải là hành vi khách quan của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, nếu người phạm tội không đạt được mục đích chiếm đoạt tài sản nên đã có hành vi xâm hại tính mạng, sức khỏe của con tin thì hành vi này sẽ bị truy cứu theo cấu thành tội phạm độc lập. Điều này thể hiện đúng bản chất của hành vi phạm tội, nó giống như một hành vi trả thù nạn nhân khi không chiếm đoạt được tài sản.
4. Giải thích một số tình tiết định khung tăng nặng:
(1) Phạm tội có tổ chức: một hình thức đồng phạm đặc biệt. Ngoài dấu hiệu thường, tính chất này có đặc điểm của sự cấu kết chặt chẽ.
(2) Tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp: quy định tại
(3) Dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác như sau:
“Vũ khí” là một trong các loại vũ khí được quy định tại Khoản 1 Điều 1 Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (ban hành kèm theo Nghị định số 47/CP ngày 12/8/1996 của Chính phủ), cụ thể bao gồm:
Vũ khí quân dụng gồm: các loại súng ngắn, súng trường, súng liên thành; các loại pháo, dàn phóng, bệ phóng tên lửa, súng cối, hóa chất độc và nguồn phóng xạ các loại đạn; bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi, vật liệu nổ quân dụng, hỏa cụ và vũ khí khác dùng cho mục đích quốc phòng – an ninh. Vũ khí thể thao gồm: các loại súng trường, súng ngắn thể theo chuyên dùng các cỡ; các loại súng hơi, các loại vũ khí khác dùng trong luyện tập, thi đấu thể thao và các loại đạn dùng cho các loại súng thể thao nói trên.
Súng săn gồm: Các loại súng săn một nòng, nhiều nòng các cỡ, tự động hoặc không tự động, súng hơi các cỡ, súng kíp, sung hoả mai, súng tự chế và các loại đạn, vỏ đạn, hạt nổ, thuốc đạn dùng cho các loại súng kể trên.
Vũ khí thô sơ gồm: Dao găm, kiếm, giáo, mác, đinh ba, đại đao, mã tấu, quả đấm bằng kim loại hoặc chất cứng, cung, nỏ, côn các loại và các loại khác do Bộ Nội vụ quy định.
“Phương tiện nguy hiểm” là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công.
Về công cụ, dụng cụ: Ví dụ: búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn…
Về vật mà người phạm tội chế tạo ra: Ví dụ: thanh sắt mài nhọn, côn gỗ…
Về vật có sẵn trong tự nhiên: Ví dụ: gạch, đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt…
(4) Đối với 02 người trở lên: Đối với việc bắt 02 người trở lên làm con tin.
(5) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân: hình thức tâm lý hoặc hành vi cá biệt được cho là gây ra đau khổ, mất khả năng cư xử cũng như phát triển bình thường.
(6) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội: tạo ra sự hoang mang, lo sợ đến trật tự trị an hay làm xáo trộn trật tự nơi công cộng
(7) Tái phạm nguy hiểm: Những trường hợp sau đây được coi như vậy: Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý; Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.