Thực tế, thủ tục hành chính, tư pháp ở nước ta còn phức tạp, gây ra nhiều khó khăn cho các chủ thể, do đó việc đặt ra nhu cầu hướng dẫn, hỗ trợ là hoàn toàn cần thiết. Khi có nhu cầu, người bị thiệt hại có quyết gửi văn bản yêu cầu hỗ trợ tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Mục lục bài viết
1. Văn bản yêu cầu hỗ trợ là gì?
Văn bản yêu cầu hỗ trợ là văn bản do người bị thiệt hại gửi tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm yêu cầu cơ quan này hỗ trợ theo các nội dung luật định. Như vậy, đối tượng gửi văn bản là có giới hạn và nội dung hỗ trợ cũng có một phạm vi nhất định, cụ thể:
– Đối tượng: Người bị thiệt hại; người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại; người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự; Cá nhân, pháp nhân được những người này ủy quyền thực hiện việc yêu cầu hỗ trợ, hướng dẫn.
– Các nội dung hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước bao gồm:
– Nội dung hướng dẫn: Quyền và nghĩa vụ của người bị thiệt hại; Trách nhiệm của cơ quan giải quyết bồi thường; Trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại; Phục hồi danh dự; Việc chi trả tiền bồi thường.
– Đối tượng được bồi thường;
– Thời hiệu yêu cầu bồi thường;
– Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;
– Phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;
– Thiệt hại được bồi thường;
– Hồ sơ yêu cầu bồi thường;
– Việc tạm ứng kinh phí bồi thường;
– Các nội dung liên quan khác về thủ tục yêu cầu bồi thường.
Có thể thấy, nội dung hỗ trợ rộng hơn và bao hàm nội dung hướng dẫn về thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường.
Văn bản yêu cầu hỗ trợ dùng để bày tỏ nguyện vọng, ý chí của người bị thiệt hại, là cơ sở phát sinh nghĩa vụ của cơ quan có thẩm quyền đối với yêu cầu của cá nhân, tổ chức, là thủ tục bắt buộc để người yêu cầu bảo đảm quyền của mình.
2. Mẫu văn bản yêu cầu hỗ trợ:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
VĂN BẢN YÊU CẦU HỖ TRỢ
Kính gửi: ……..(1)………
Họ và tên: ..(2)………
Địa chỉ: …(3)………
Số điện thoại (nếu có): ……
Email (nếu có) ……
Giấy tờ chứng minh nhân thân: ……..(4)………
Là: …….(5) ……
Tôi đề nghị Quý Cơ quan hỗ trợ thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước như sau:
1. Nội dung đề nghị hỗ trợ
……(6) ……
2. Các tài liệu, giấy tờ có liên quan đến việc yêu cầu bồi thường nhà nước (nếu có)
….(7)……
…(8)…, ngày … tháng … năm …
Người yêu cầu hỗ trợ (9)
3. Hướng dẫn viết chi tiết mẫu văn bản yêu cầu hỗ trợ:
(1) Ghi tên cơ quan hỗ trợ.
(2) Ghi tên cá nhân, tổ chức có yêu cầu hỗ trợ.
(3) Ghi nơi cư trú tại thời điểm gửi văn bản yêu cầu hỗ trợ. Nếu người yêu cầu hỗ trợ là cá nhân thì ghi đầy đủ địa chỉ nơi cư trú; nếu người yêu cầu hỗ trợ là cơ quan, tổ chức thì ghi địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó.
(4) Ghi chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu, số, ngày cấp, nơi cấp loại giấy tờ tương ứng của cá nhân người yêu cầu hỗ trợ. Trường hợp người yêu cầu hỗ trợ là tổ chức ghi số, ngày cấp, nơi cấp Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy đăng ký hộ kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép hoặc các giấy tờ có giá trị như giấy phép theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
(5) Ghi một trong các trường hợp:
– Người bị thiệt hại;
– Người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại;
– Người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự;
– Cá nhân, pháp nhân được người bị thiệt hại hoặc người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết hoặc tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự ủy quyền thực hiện quyền yêu cầu bồi thường.
(6) Ghi rõ những nội dung yêu cầu hỗ trợ theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 09/TT-BTP ngày 10/12/2019.
(7) Ghi rõ các loại giấy tờ, tài liệu có liên quan đến yêu cầu bồi thường (nếu có).
(8) Ghi địa điểm làm văn bản yêu cầu hỗ trợ.
(9) Trường hợp là cá nhân thì ký và ghi rõ họ tên hoặc điểm chỉ. Trường hợp là tổ chức thì người đại diện theo pháp luật của tổ chức ký, đóng dấu và ghi rõ họ tên.
4. Các vấn đề pháp lý về yêu cầu hỗ trợ thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước:
Khi tiến hành hỗ trợ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải đảm bảo các nguyên tắc được quy định tại Điều 3, Thông tư 09/2019/TT-BTP, cụ thể:
– Tuân thủ pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và pháp luật có liên quan;
– Kịp thời, chính xác, trung thực, khách quan;
– Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại.
Để nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước, cơ quan nhà nước cần thực hiện các biện pháp:
– Đảm bảo nhân lực và kinh phí cho công tác hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước;
– Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cá nhân, tổ chức về quyền yêu cầu bồi thường; quyền được hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước;
– Bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường năng lực cho đội ngũ làm công tác hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước;
– Phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ, hướng dẫn với các cơ quan liên quan trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án để thực hiện tốt công tác hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước;
– Định kỳ hàng năm và đột xuất tổ chức kiểm tra công tác hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước tại địa phương.
Trách nhiệm hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước:
Bộ Tư pháp hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước theo các nội dung quy định tại Điều 4 của Thông tư này như sau:
– Hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước đối với vụ việc đã có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường theo nội dung quy định tại Điều 6 của Thông tư này;
– Cung cấp thông tin về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cho cá nhân, tổ chức có yêu cầu hỗ trợ về vụ việc của cá nhân, tổ chức; cung cấp thông tin về việc giải quyết yêu cầu bồi thường theo yêu cầu của người bị thiệt hại liên quan đến vụ việc yêu cầu bồi thường của mình; có ý kiến bằng văn bản đối với cơ quan có thẩm quyền để việc thực hiện thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường đúng quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo yêu cầu của người bị thiệt hại liên quan đến vụ việc yêu cầu bồi thường của mình.
Cục Bồi thường nhà nước giúp Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều này.
Khác với hướng dẫn, việc hỗ trợ thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước chỉ thuộc về Bộ Tư pháp, điều này nhằm đảm bảo việc hỗ trọ một cách thống nhất trong phạm vi cả nước.
Việc hỗ trợ, hướng dẫn phải được thực hiện theo một trình tự nhất định, điều 12 quy định:
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày được cử, người hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện việc hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước theo trình tự sau đây:
Bước 1: Lập báo cáo về vụ việc;
Bước 2: Phân loại vụ việc thuộc các lĩnh vực phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước;
Bước 3: Nghiên cứu, đề xuất giải quyết đối với yêu cầu hỗ trợ, hướng dẫn như sau:
– Trường hợp yêu cầu hỗ trợ, hướng dẫn thuộc thẩm quyền cơ quan mình và đúng đối tượng được hỗ trợ, hướng dẫn quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 2 Thông tư này thì báo cáo và trình Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ, hướng dẫn ban hành văn bản theo thẩm quyền hoặc tổ chức hỗ trợ, hướng dẫn trực tiếp cho người bị thiệt hại theo quy định tại Điều 14 Thông tư này;
– Trường hợp yêu cầu hỗ trợ, hướng dẫn cần thống nhất nội dung hỗ trợ, hướng dẫn với các cơ quan có trách nhiệm phối hợp quy định tại Điều 8 Thông tư này thì báo cáo Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện phối hợp theo quy định tại Điều 13 Thông tư này;
– Trường hợp yêu cầu hỗ trợ có khó khăn, vướng mắc trong quá trình yêu cầu bồi thường, quá trình giải quyết bồi thường thì báo cáo Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ yêu cầu cơ quan đang giải quyết bồi thường cung cấp thông tin bằng văn bản về tình hình giải quyết vụ việc hoặc thực hiện đôn đốc theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền đôn đốc cơ quan giải quyết bồi thường thực hiện việc giải quyết bồi thường theo đúng quy định của pháp luật;
– Trường hợp yêu cầu hỗ trợ, hướng dẫn có đủ căn cứ từ chối, chấm dứt hỗ trợ, hướng dẫn theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 11 Thông tư này thì báo cáo Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ, hướng dẫn ban hành văn bản
Nhìn chung, trình tự này được tiến hành khá đơn gián, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan có thẩm quyền, việc quy định các nguyên tắc ở trên tác động lớn để việc ban hành trình tự này, đặc biệt là nguyên tắc kịp thời, chính xác.