Tư vấn luật hành chính qua tổng đài 19001950. Luật sư tư vấn luật hành chính uy tín, giải đáp mọi thắc mắc của khách hàng trong lĩnh vực hành chính.
Giám định viên tư pháp có phải người thi hành công vụ không? Giám định viên tư pháp là cán bộ hay công chức.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào Luật Dương gia. Cho tôi hỏi Giám định viên được quy định trong Bộ Luật tố tụng hình sự và Luật giám định tư pháp có phải là người thi hành công vụ hay không? Có căn cứ pháp lý nào quy định không vậy?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật tố tụng hình sự 2003
2. Nội dung tư vấn:
Căn cứ Khoản 1 Điều 3 Nghị định 208/2013/NĐ-CP thì người thi hành công vụ được giải thích như sau:
"1. Người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội."
Điều 60 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định người giám định là người có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực cần giám định, được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu, người tham gia tố tụng yêu cầu giám định theo quy định của pháp luật.
Khoản 6 Điều 2 Luật giám định tư pháp 2012 quy định:
"6. Giám định viên tư pháp là người đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật này, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm để thực hiện giám định tư pháp."
Quyền và nghĩa vụ của giám định viên tư pháp quy định tại Điều 11 Luật giám định tư pháp 2012. Theo đó, giám định viên tư pháp thực hiện giám định theo trưng cầu, yêu cầu của người trưng cầu, người yêu cầu giám định hoặc theo sự phân công của cơ quan, tổ chức được trưng cầu, yêu cầu.
>>> Luật sư tư vấn giám định viên tư pháp có phải người thi hành công vụ không: 1900.6568
Mặt khác, giám định viên tư pháp thuộc tổ chức giám định tư pháp công lập được coi là công chức, bởi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm để thực hiện giám định tư pháp theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật cán bộ, công chức 2008: Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Như vậy, theo các quy định trên có thể hiểu giám định viên tư pháp là công chức được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, cụ thể giám định viên tư pháp thực hiện giám định theo trưng cầu, yêu cầu của người trưng cầu, người yêu cầu giám định hoặc theo sự phân công của cơ quan, tổ chức được trưng cầu, yêu cầu.
Do đó, theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 208/2013/NĐ-CP thì giám định viên tư pháp thuộc tổ chức giám định tư pháp công lập khi thực hiện việc giám định theo yêu cầu của người trưng cầu, người yêu cầu giám định hoặc theo sự phân công của cơ quan, tổ chức được trưng cầu, yêu cầu được coi là người thi hành công vụ.