Nợ công ty tài chính không có khả năng chi trả xử lý thế nào? Quy định của pháp luật về vay tiêu dùng của công ty tài chính.
Nợ công ty tài chính không có khả năng chi trả xử lý thế nào? Quy định của pháp luật về vay tiêu dùng của công ty tài chính.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư. Luật sư cho em hỏi năm 2013, em có vay tiêu dùng công ty PPF trả trong 36 tháng, mỗi tháng 2.5 triệu, đã trả được 4 tháng. Sau đó gia đình khó khăn em không trả được. Đến nay cứ đến tháng 11, 12 là bên văn phòng luật sư gửi giấy thông báo thanh toán nợ. Mỗi lần như vậy em đều nhờ chồng em gọi lại xin miễn lãi chỉ đóng gốc và đã gửi đơn đến văn phòng luật sư để xin trả tiền gốc nhưng họ không đồng ý. Thu nhập hàng tháng của em chỉ có 3 triệu nhưng bên đó yêu cầu mỗi tháng phải thanh toán 5 triệu giờ họ tính lãi và gốc lên đến 372 triệu. Vậy xin hỏi em có bị truy cứu hình sự không và không thể thỏa thuận được vậy em có thể kiện ngược lại chấm dứt hợp đồng cho bớt lãi không? Cám ơn luật sư.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009;
– Luật Các Tổ chức tín dụng 2010;
2. Nội dung tư vấn:
Khoản 1 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng 2010 có quy định như sau:
"Tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân."
Bạn nêu bạn có vay tiêu dùng của công ty PPF hay được gọi là Công ty tài chính Home Credit – đây là tổ chức tín dụng, thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010. Như vậy hoạt động cho vay của công ty PPF và bạn được thực hiện theo pháp luật chuyên ngành là Luật Các tổ chức tín dụng 2010 mà không áp dụng quy định về hoạt động vay của Bộ luật Dân sự và Ngân hàng Nhàn nước. Cụ thể, Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng quy định:
"1. Tổ chức tín dụng được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.
2. Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.
3. Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng."
Theo đó, lãi suất và các khoản phí trong hợp đồng vay của bạn và Công ty PPF là do các bên thỏa thuận thể hiện trong hợp đồng vay tiêu dùng của bạn. Bạn có thể kiểm tra lại thỏa thuận về lãi suất giữa hai bên để xác định lại việc tính lãi suất của Công ty PPF là đúng hay sai với thỏa thuận vay, nếu sai bạn có quyền khởi kiện tới Tòa án nhân dân có thẩm quyền để giải quyết yêu cầu Công ty PPF áp dụng đúng mức lãi suất hai bên đã thỏa thuận.
>>> Luật sư tư vấn việc vay tiêu dùng không có khả năng chi trả: 1900.6568
Liên quan đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự thì Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 và Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với các dấu hiệu sau đây:
– Điều 140 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 quy định hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên:
"a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản."
– Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 4.000.000 đồng trở lên:
"a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản."
Như vậy chỉ khi bạn có các dấu hiệu nêu trên thì bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Hành vi vi phạm phát sinh trước ngày 1/1/2018 thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a khoản 3 Điều 140 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm; hành vi vi phạm phát sinh từ ngày 1/1/2018 thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a khoản 3 Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.