Chi ủy bị xử lý kỷ luật về Đảng thì cấp ủy viên có bị kỷ luật? Cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật về Đảng thì có được nâng bậc lương không?
Chi ủy bị xử lý kỷ luật về Đảng thì cấp ủy viên có bị kỷ luật? Cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật về Đảng thì có được nâng bậc lương không?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin cho hỏi Chi ủy bị kỷ luật với hình thức khiển trách, như vậy là các cấp ủy viên có bị kỷ luật với hình thức khiển trách, ghi vào lý lịch Đảng? Trường hợp trên, các đồng chí cấp ủy viên có được nâng lương thường xuyên, nâng lương (công chức hành chính) trước thời hạn, có được bổ nhiệm các chức vụ tương đương và cao hơn hay không?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
+ Luật Cán bộ, công chức năm 2008
2. Nội dung tư vấn:
Thứ nhất, Chi ủy bị xử lý kỷ luật khiển trách thì các ủy viên thuộc Chi ủy có bị kỷ luật khiển trách không?
Trước hết, Chỉ ủy là một trong những tổ chức Đảng theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Quy định 263/QĐ- TW có thể bị xử lý kỷ luật nếu có hành vi vi phạm kỷ luật Đảng. Trong đó, việc tổ chức đang vi phạm kỷ luật đảng, theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Quy định 263/QĐ – TW, được xác định là việc tổ chức đảng không tuân theo, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận, hướng dẫn, thông báo… của Đảng (gọi chung là nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng); nghị định, chỉ thị, quy định, quyết định, chính sách, pháp luật… của Nhà nước (gọi chung là chính sách, pháp luật của Nhà nước).
Để xem xét khi Chi ủy bị xử lý kỷ luật thì các cấp ủy viên, thành viên trong Chi ủy có bị xem xét kỷ luật không thì cần căn cứ vào nguyên tắc xử lý kỷ luật tổ chức đảng được quy định tại Điều 3 Quy định 263/QĐ- TW. Cụ thể:
"Điều 3. Nguyên tắc xử lý kỷ luật.
…
6- Kỷ luật một tổ chức đảng phải xem xét và quy rõ trách nhiệm của tổ chức. Đồng thời, xem xét trách nhiệm cá nhân để xử lý kỷ luật đối với những đảng viên vi phạm có liên quan đến vi phạm của tổ chức đảng.
Tổ chức đảng bị kỷ luật thì tất cả thành viên trong tổ chức đảng đều phải chịu trách nhiệm. Nội dung, hình thức kỷ luật của tổ chức đảng bị kỷ luật phải được ghi vào lý lịch đảng viên là thành viên của tổ chức đảng. Những thành viên không tán thành hoặc không liên quan trực tiếp đến quyết định sai lầm của tổ chức đảng, được ghi rõ vào lý lịch đảng viên, được bảo lưu ý kiến."
Căn cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Quy định 263/QĐ – TW nêu trên, thì trong trường hợp Chi ủy bị kỷ luật với hình thức khiển trách thì các cấp ủy viên – thành viên của tổ chức đảng đó đều phải chịu trách nhiệm, và bị ghi vào lý lịch đảng viên với nội dung và hình thức kỷ luật khiển trách của Tổ chức Đảng. Đồng thời, những đảng viên vi phạm có liên quan cũng bị xem xét trách nhiệm cá nhân để xử lý kỷ luật.
Trong đó, những thành viên không tán thành, hoặc không liên quan trực tiếp đến quyết định sai lầm của tổ chức Đảng thì được ghi rõ trong lý lịch đảng viên và được bảo lưu ý kiến.
Thứ hai, về vấn đề nâng lương thường xuyên, nâng lương trước thời hạn, có được bổ nhiệm các chức vụ tương đương.
Đối với công chức hành chính thì để được nâng bậc lương thường xuyên, nâng lương trước thời hạn, hay được bổ nhiệm vào các chức vụ khác thì cán bộ, công chức hành chính này cần đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật. Cụ thể:
1- Điều kiện để được nâng bậc lương đối với công chức hành chính.
Điều kiện để nâng bậc lương thường xuyên đối với cán bộ, công chức, viên chức, và người lao động làm việc trong các đơn vị sự nghiệp, cơ quan hành chính nhà nước theo quy định tại Thông tư
– Đáp ứng điều kiện về thời gian giữ bậc trong ngạch, chức danh
– Đáp ứng tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên
+ Đối với cán bộ, công chức: phải được cấp có thẩm đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực trở lên; Không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức.
Trong trường hợp nâng bậc lương trước thời hạn thì ngoài đáp ứng hai tiêu chuẩn quy định nâng bậc lương và phải lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận bằng văn bản, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh và tính đến ngày 31 tháng 12 của năm xét nâng bậc lương trước thời hạn còn thiếu từ 12 tháng trở xuống để được nâng bậc lương thường xuyên thì được xét nâng một bậc lương trước thời hạn tối đa là 12 tháng so với thời gian quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Thông tư 08/2013/TT- BNV (thời gian giữ bậc để xét nâng bậc lương thường xuyên).
>>> Luật sư tư vấn pháp luật xử lý kỷ luật Đảng viên: 1900.6568
2- Điều kiện để được bổ nhiệm các chức vụ tương đương hoặc cao hơn đối với công chức hành chính.
Bổ nhiệm là việc cán bộ, công chức được quyết định giữ một chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc một ngạch theo quy định của pháp luật (theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Luật Cán bộ công chức năm 2008).
Công chức hành chính chỉ được bổ nhiệm vào một chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc chức vụ khác khi cơ quan, đơn vị, tổ chức có nhu cầu, và người công chức hành chính này đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn của chức vụ mà người công chức hành chính được xem xét bổ nhiệm (Điều 51 Luật Cán bộ, công chức năm 2008).
Như đã phân tích ở trên thì khi những người cán bộ công chức hành chính đồng thời là đảng viên muốn được nâng bậc lương thường xuyên, nâng lương trước thời hạn hay được bổ nhiệm các chức vụ cao hơn hoặc tương đương thì đều phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn do pháp luật quy định, trong đó có tiêu chuẩn không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức.
Tuy nhiên, khoản 6 Điều 2 Quy định 181-QĐ/TW thì:
"6. Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật. Đảng viên bị thi hành kỷ luật về Đảng thì cấp ủy quản lý đảng viên đó phải kịp thời chỉ đạo tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị – xã hội có thẩm quyền, trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định kỳ luật về Đảng, phải xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước và điều lệ của đoàn thể.
Khi các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị – xã hội đình chỉ công tác, khởi tố bị can hoặc thi hành kỷ luật đối với cán bộ, hội viên, đoàn viên là đảng viên thì phải thông báo ngay bằng văn bản cho tổ chức đảng quản lý đảng viên đó biết. Chậm nhất là 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, tổ chức đảng quản lý đảng viên phải xem xét, xử lý kỷ luật về Đảng."
Như vậy, trong trường hợp sau khi xử lý kỷ luật Đảng và đã tiến hành xử lý kỷ luật hành chính thuộc một trong các trường hợp khiển trách, cảnh cáo, giáng chức hoặc cách chức thì trong trường hợp này, công chức mới không đáp ứng điều kiện nâng bậc lương trước thời hạn; hoặc bị kéo dài thời gian nâng bậc lương thường xuyên; Nếu tổ chức Đảng mới chỉ tiến hành xử lý kỷ luật mà chưa kỷ luật hành chính thì trong trường hợp này không thuộc các trường hợp bị kéo dài thời gian nâng bậc lương thường xuyên hoặc không đủ điều kiện để nâng bậc lương trước thời hạn.