Chế độ công tác phí đối với nhân viên văn thư tại trường mầm non. Điều kiện để nhân viên văn thư trường học được thanh toán công tác phí.
Chế độ công tác phí đối với nhân viên văn thư tại trường mầm non. Điều kiện để nhân viên văn thư trường học được thanh toán công tác phí.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào Quý công ty. Rất mong nhận được sự tư vấn của Quý công ty về sự việc sau: Tôi đang là nhân viên văn thư tại trường mầm non hiện đang hưởng lương theo mã ngạch 01.004. Theo như Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hôi nghị thì tôi sẽ được hưởng mức công tác phí là bao nhiêu ah? Xin chân thành cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Giải quyết vấn đề:
Bạn nêu hiện tại bạn đang là nhân viên văn thư trường mầm non hưởng lương theo mã ngạch 01.004. Theo đó, bạn vẫn thuộc đối tượng được hưởng chế độ công tác phí theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 1 Thông tư số 40/2017/TT–BTC như sau:
"2. Đối tượng áp dụng:
a) Đối với chế độ công tác phí:
– Cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng theo quy định của pháp luật làm việc tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức hội sử dụng kinh phí do ngân sách nhà nước hỗ trợ.
– Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp khi tham gia hoạt động của Hội đồng nhân dân."
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 40/2017/TT – BTC thì công tác phí là khoản chi phí để trả cho người đi công tác trong nước, bao gồm: Chi phí đi lại, phụ cấp lưu trú, tiền thuê phòng nghỉ nơi đến công tác, cước hành lý và tài liệu mang theo để làm việc (nếu có). Và để được thanh toán công tác phí, bạn cần phải tuân thủ các điều kiện như sau:
– Thực hiện đúng nhiệm vụ được giao;
– Được Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cử đi công tác; hoặc có giấy mời của các cơ quan tiến hành tố tụng ra làm nhân chứng trong các vụ án có liên quan đến công việc chuyên môn;
– Có đủ các chứng từ để thanh toán theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT – BTC.
Như vậy, khi bạn đáp ứng các điều kiện trên thì bạn có quyền yêu cầu nơi mình làm việc thanh toán khoản công tác phí cho mình. Thời gian được hưởng công tác phí là thời gian công tác thực tế theo văn bản phê duyệt của người có thẩm quyền cử đi công tác hoặc giấy mời tham gia đoàn công tác (bao gồm cả ngày nghỉ, lễ, tết theo lịch trình công tác, thời gian đi đường).
Căn cứ theo Điều 5, Điều 6, Điều 8 Thông tư số 40/2017/TT – BTC thì các chế độ công tác phí mà bạn có thể được hưởng gồm:
– Chi phí đi lại: có thể thanh toán theo hóa đơn thực tế hoặc thanh toán khoán kinh phí sử dụng ô tô khi đi công tác, khoán tiền tự túc phương tiện đi công tác. Cụ thể, theo Điều 5, Thông tư số 40/2017/TT – BTC thì người đi công tác được thanh toán tiền chi phí đi lại bao gồm:
+ Chi phí chiều đi và về từ nhà hoặc cơ quan đến sân bay, ga tàu, bến xe; vé máy bay, vé tàu, xe vận tải công cộng đến nơi công tác và theo chiều ngược lại.
+ Chi phí đi lại tại địa phương nơi đến công tác: Từ chỗ nghỉ đến chỗ làm việc, từ sân bay, ga tàu, bến xe về nơi nghỉ (lượt đi và lượt về).
+ Cước, phí di chuyển bằng phương tiện đường bộ, đường thủy, đường biển cho bản thân và phương tiện của người đi công tác.
+ Cước tài liệu, thiết bị, dụng cụ, đạo cụ (nếu có) phục vụ trực tiếp cho chuyến đi công tác mà người đi công tác đã chi trả.
+ Cước hành lý của người đi công tác bằng phương tiện máy bay trong trường hợp giá vé không bao gồm cước hành lý mang theo.
Trường hợp cơ quan, đơn vị nơi cử người đi công tác và cơ quan, đơn vị nơi đến công tác đã bố trí phương tiện vận chuyển thì người đi công tác không được thanh toán các khoản chi phí này. Và căn cứ quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, căn cứ tính chất công việc của chuyến đi công tác và trong phạm vi nguồn kinh phí được giao; thủ trưởng cơ quan, đơn vị xem xét duyệt cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được đi công tác bằng phương tiện máy bay, tàu hoả, xe ô tô hoặc phương tiện công cộng hoặc các phương tiện khác bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật về chế độ công tác phí với nhân viên văn thư: 1900.6568
– Về chế độ phụ cấp lưu trú, mức phụ cấp lưu trú để trả cho người đi công tác là 200.000 đồng/ngày. Trường hợp đi công tác trong ngày thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định mức phụ cấp lưu trú theo các tiêu chí như: số giờ thực tế đi công tác trong ngày, thời gian phải làm ngoài giờ hành chính, quãng đường đi công tác và được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị. Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở đất liền được cử đi công tác làm nhiệm vụ trên biển, đảo thì được hưởng mức phụ cấp lưu trú là 250.000 đồng/người/ngày. Riêng một số ngành đặc thù đã được cấp có thẩm quyền quy định về chế độ chi bồi dưỡng khi đi công tác trên biển, đảo thì được chọn chế độ công tác phí theo tháng quy định cao nhất để chi trả cho người đi công tác.
– Trường hợp thanh toán tiền công tác phí theo tháng đối với cán bộ thuộc các cơ quan, đơn vị còn lại phải thường xuyên đi công tác lưu động trên 10 ngày/tháng (như: Văn thư; kế toán giao dịch; cán bộ kiểm lâm đi kiểm tra rừng; cán bộ các cơ quan tố tụng đi điều tra, kiểm sát, xác minh, tống đạt và các nhiệm vụ phải thường xuyên đi công tác lưu động khác) thì tuỳ theo đối tượng, đặc điểm công tác và khả năng kinh phí, thủ trưởng cơ quan, đơn vị quy định mức khoán tiền công tác phí theo tháng cho người đi công tác lưu động để hỗ trợ tiền gửi xe, xăng xe theo mức 500.000 đồng/người/tháng và phải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.
– Mặt khác, các đối tượng được hưởng khoán tiền công tác phí theo tháng nếu được cấp có thẩm quyền cử đi thực hiện nhiệm vụ theo các đợt công tác cụ thể, thì được thanh toán chế độ công tác phí theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT – BTC đồng thời vẫn được hưởng khoản tiền công tác phí khoán theo tháng nếu đi công tác lưu động trên 10 ngày/tháng.