Trong các cơ sở khám bệnh, cơ sở chữa bệnh thì chế độ của người lao động này có gì khác biệt so với người lao động làm việc tại các cơ sở khác. Vậy đối với chế độ của người lao động thường trực ngành y tế theo diện 24/24 thì sẽ được nghỉ bù như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Đối với chế độ thường trực ngành y tế:
Được quy định cụ thể trong nguyên tắc thực hiện chế độ thường trực tại khoản 1, Điều 2, của Quyết định 73/2011/QĐ-TTg cụ thể như sau:
– Dựa vào tình hình thực tế của cơ sở khám, chữa bệnh về nguồn nhân lực cũng như khả năng, nhu cầu hoạt động đối với từng bộ phận tại đơn vị của mình mà thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó sẽ quyết định cho việc bố trí người lao động sao cho hợp lý, phù hợp đối với từng ca làm hoặc làm thêm giờ. Trường hợp nếu cơ sở khám chữa bệnh thiếu nguồn nhân lực, không thể đảm bảo bố trí được người lao động làm việc theo yêu cầu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh kể cả các khu vực đặc biệt thì phải đảm bảo bố trí người lao động làm thêm thường trực 24/24 giờ.
– Các khoa, khu vực đặc biệt đang nói đến ở đây bao gồm các khoa, khu vực sau: khoa phẫu thuật gây mê hồi sức, khoa điều trị tích cực, khoa hồi sức cấp cứu, khoa cấp cứu, khoa hồi sức sau sinh, hay khoa chống độc; các khu vực chăm sóc bệnh nhân tâm thần cấp tính ở bệnh viện cũng như tại trung tâm chuyên khoa về tâm thần; khoa chuyên chăm sóc cho trẻ sinh non tháng tại các cơ sở bệnh viện hạng I và hạng II thì thủ trưởng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh này sẽ cân nhắc, dựa trên các điều kiện thực tế sao cho phù hợp và tiến hành bố trí người lao động làm việc theo ca kíp như sau đây:
+ Chia mỗi ca làm việc 08 giờ và một ngày làm việc gồm có 03 ca;
+ Hoặc chia ngày làm việc một ngày sẽ gồm 02 ca và ca thứ nhất là 08 giờ theo giờ hành chính, còn một ca làm 16 giờ hoặc cách khác đó là chia đều mỗi ca 12 giờ.
2. Quy định về số nhân lực trong mỗi ca trực tại các cơ sở khám chữa bệnh:
Sẽ được bố trí tùy theo từng cơ sở:
– Tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giường bệnh thì tại một ca trực phải đảm bảo ca trực có đủ các thành phần đó là người lãnh đạo, người trực cận lâm sàng, người trực lâm sàng và người trực hậu cần cụ thể như sau:
+ Đối với các bệnh viện hạng I, bệnh viện đặc biệt thì số người trực tại các ca này luôn phải đảm bảo số người là từ 14 người trên một phiên trực và trên 100 giường bệnh so với kế hoạch.
+ Đối với các bệnh viện hạng II và bệnh viện hạng III thì số người trực có mặt tại các ca này phải đảm bảo được từ 13 người trên một phiên trực và trên 100 giường bệnh so với kế hoạch.
+ Đối với bệnh viện hạng IV hoặc các bệnh viện chưa được xếp hạng thì số người trực có mặt tại các ca này phải đảm bảo được từ 12 người trên một phiên trực và trên 100 giường bệnh so với kế hoạch. Tuy nhiên nếu hai loại bệnh viện này có quy mô chỉ từ 70 giường bệnh đến 100 giường bệnh thì số người được xắp xếp, bố trí là 11 người trên một phiên trực. Còn trường hợp quy mô bệnh viện có số giường từ 70 giường trở xuống thì sẽ bố trí, xắp xếp số người trực là đảm bảo 10 người trên một phiên trực.
Nếu bệnh viện đang trong thời kỳ bị quá tải thì sẽ tiến hành xắp xếp phân công số người trong ca cao hơn so với mức quy định trên nhưng đảm bảo không vượt quá tỉ lệ quá tải tại thời điểm đó của bệnh viện.
3. Lao động được nghỉ hưởng nguyên lương sau khi tiến hành việc trực:
Việc người lao động được nghỉ và được hưởng nguyên lương sau khi tiến hành việc trực được quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 2 của quyết định 73/2011/QĐ-TTg cụ thể nghỉ như sau:
– Nếu người lao động phải thường trực theo ca 12/24 giờ hay là trực theo ca 16/24 giờ thì sẽ được nghỉ tối thiếu ít nhất 12 giờ sau ca thường trực đó.
– Nếu người lao động thường trực toàn thời gian một ngày đêm 24/24 giờ đối với các ngày thường hay các ngày nghỉ hàng tuần thì sẽ được nghỉ bù 01 ngày tiếp theo. Nếu người lao động trực vào các ngày lễ, ngày tết thì sẽ được nghỉ bù 02 ngày làm việc.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nếu thực hiện việc phân công người lao động làm việc vào các giờ nghỉ trên thì phải đảm bảo theo quy định của
Việc chi trả tiền lương làm thêm giờ được Luật lao động 2012 quy định về cách tính theo đơn giá tiền lương hoặc tính theo công việc đang thực hiện như sau đây:
– Đối với ngày thường, tiền lương làm thêm giờ được tính bằng ít nhất 150% so với tiền lương làm ngày thường;
– Đối với việc làm vào ngày nghỉ hàng tuần thì được tính bằng ít nhất 200% so với tiền lương làm ngày thường;
– Đối với việc làm vào ngày nghỉ lễ hay các ngày nghỉ có hưởng lương thì sẽ được tính bằng ít nhất là 300% so với tiền lương làm ngày thường chưa kể tiền lương ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương của người lao động đang hưởng lương ngày.
Nếu người lao động được phân công làm việc vào ca đêm xác định từ 22h ngày hôm trước đến 06h sáng ngày hôm sau thì sẽ được tính trả thêm số tiền lương ít nhất là bằng 30% tiền lương được tính theo đơn giá tiền lương hoặc tính bằng 30% tiền lương theo công việc đối với ngày làm việc bình thường.
Người lao động làm việc ngoài giờ ca quy định mà làm thêm giờ vào ban đêm thì người lao động sẽ được hưởng lương theo đúng quy định như đã thỏa thuận giữa hai bên và theo quy định của Luật Lao động 2012 thì còn được chi trả thêm so với mức hiện hưởng là 20% tiền lương được chi trả theo đơn giá của mức lương hoặc theo tiền lương của công việc làm ban ngày.
4. Chế độ phụ cấp thường trường trực 16/24 và 24/24:
Trong chế độ thường trực làm việc theo ca 16/24 giờ thì chế độ đối với người lao động này sẽ được nghỉ bù xác nhận đó là ít nhất 12 giờ tiếp theo ca trực đó. Nếu người lao động thường trực 24/24 tại thời điểm ngày nghỉ hàng tuần thì người lao động sẽ được nghỉ bù 01 ngày. Ngoài ra trong trường hợp này thì người lao động còn được hưởng các chế độ phụ cấp thường trực cụ thể như sau:
– Đối với bệnh viện hạng đặc biệt và bênh viện hạng I thì sẽ được hưởng mức phụ cấp 115.000 đồng/ 1 người/ 1 phiên trực;
– Đối với bệnh viện hạng II thì sẽ được hưởng mức phụ cấp 90.000 đồng / 1 người/ 1 phiên trực.
– Đối với các bệnh viện khác và các cơ sở khám bệnh tương đương ngoài ba loại bệnh viện hạng I, bệnh viện hạng II, bệnh viện đặc biệt thì được hưởng mức phụ cấp 65.000 đồng/ 1 người/ 1 phiên trực.
– Đối với bệnh xá quân dân y, trạm y tế xã, hay trạm y tế quân dân y thì mức hưởng phụ cấp là 25.000 đồng/ 1 người/ 1 phiên trực.
Người lao động thường trực theo ca 12/24 giờ thì sẽ được hưởng ở mức bằng 1/2 so với mức phụ cấp dành cho thường trực 24/24 giờ.
Người lao động thường trực theo ca 16/24 giờ thì sẽ được hưởng ở mức bằng 2/3 so với mức phụ cấp dành cho thường trực 24/24 giờ.
Nếu người lao động thường trực tại khu vực chăm sóc hồi sức cấp cứu hay khu vực chăm sóc đặc biệt thì mức phụ cấp ở đây được tính theo công thức bằng 1,5 lần mức như đã nêu ở trên. Nếu người lao động thường trực vào ngày nghỉ hàng tuần thì mức phụ cấp thường trực sẽ được tính bằng 1,3 lần so với mức đã nêu ở trên. Nếu thường trực vào ngày Lễ, hay ngày Tết thì mức phụ cấp sẽ được tính bằng 1,8 lần so với mức quy định.
Đối với người lao động làm việc theo chế độ thường trực 24/24 giờ thì người lao động này sẽ được hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng trên một ca trực.
Nếu cơ sở khám bệnh, cơ sở chữa bệnh phân công, sử dụng người lao động làm việc vào các giờ nghỉ hay ca đêm theo quy định thì sẽ phải tiến hành việc trả tiền lương làm thêm giờ theo đúng quy định như đã nêu ở trên.
TƯ VẤN MỘT TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ:
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi kính mong công ty luật TNHH Dương Gia trả lời giúp câu hỏi về Chế độ nghỉ bù cho bác sỹ khi trực: Một bác sỹ khoa chẩn đoán hình ảnh ngày thường phải làm việc bình thường trong giờ hành chính 8h, nhưng ngày hôm đó phải trực ngoài giờ gồm thời gian nghỉ trưa 2 tiếng từ 11h30 đến 13h30 và buổi tối từ hết giờ 17h đến 7h sáng hôm sau cũng tại khoa đó thì sẽ được nghỉ như thế nào. Ngày thứ 7 và chủ nhật thì nghỉ bù trực thế nào. Ở bệnh viện tôi cho rằng trực ngày thường như thế chỉ được nghỉ làm 1/2 ngày, còn trực ngày thứ 7 hay chủ nhật mới coi là trực 24/24 mới được nghỉ một ngày có đúng không?
Luật sư tư vấn:
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 2 Quyết định 73/2011/QĐ- TTg quy định về nguyên tắc thực hiện chế độ thường trực như sau:
“Điều 2. Chế độ phụ cấp thường trực
1. Nguyên tắc thực hiện chế độ thường trực:
a) Thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giường bệnh căn cứ vào tình hình thực tế về nhân lực và hoạt động của từng bộ phận trong đơn vị để quyết định hình thức bố trí người lao động làm việc theo ca kíp hoặc làm thêm giờ; trường hợp thiếu nhân lực, không thể bố trí người làm việc theo ca kíp hoặc làm thêm giờ, kể cả các khu vực quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì phải bố trí người lao động thường trực 24/24 giờ;
b) Đối với khoa, khu vực đặc biệt gồm: khoa hồi sức cấp cứu, khoa phẫu thuật gây mê hồi sức, khoa hồi sức sơ sinh, khoa điều trị tích cực, khoa cấp cứu, khoa chống độc; chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I, hạng II; khu vực chăm sóc bệnh nhân tâm thần cấp tính ở bệnh viện và trung tâm chuyên khoa tâm thần thì thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh căn cứ vào điều kiện thực tế để bố trí người lao động làm việc theo ca như sau:
– Ngày làm việc gồm 03 ca, mỗi ca làm việc 08 giờ;
– Ngày làm việc gồm 02 ca: một ca làm việc 08 giờ theo giờ hành chính và một ca làm việc 16 giờ hoặc mỗi ca làm việc 12 giờ.”
Điểm c khoản 3 Điều 2 Quyết định 73/2011/QĐ- TTg quy định người lao động được nghỉ và hưởng nguyên lương sau khi tham gia thường trực :
– Thường trực 24/24 giờ vào ngày thường, ngày nghỉ hằng tuần được nghỉ bù 01 ngày; vào các ngày lễ, Tết được nghỉ bù 02 ngày;
– Thường trực theo ca 12/24 giờ hoặc ca 16/24 giờ được nghỉ ít nhất 12 giờ tiếp theo.
Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh huy động người lao động làm việc vào giờ nghỉ trên thì phải trả tiền lương làm thêm giờ theo quy định của pháp luật về lao động.
Đối chiếu theo quy định trên vào trường hợp cua bạn, bác sỹ khoa chẩn đoán hình ảnh, thời giờ làm việc bình thường là 8 giờ/ ngày. Nhưng có ngày phải trực ngoài giờ gồm 2 tiếng nghỉ trưa, từ 11h30 đến 13h30 và buổi tối từ 17h đến 7h sáng hôm sau cũng tại khoa đó. Trong trường hợp này, thời gian từ 11h30 đến 13h30 là thời gian nghỉ trưa nhưng đơn vị lại huy động ban làm việc thì được xác định là thời gian làm thêm giờ của bạn. Đối với thời gian bạn trực từ 17h hôm trước đến 7h sáng hôm sau ( 16/24), nếu việc bố trí này là thủ trưởng đơn vị bạn căn cứ vào tình hình thực tế và nhân lực và hoạt động của đơn vị để sắp xếp ca kíp làm việc từ trước đó thì được xác định là thời gian thường trực của bạn.
Như vậy, đối với thời gian làm thêm giờ của bạn thì sẽ được chi trả chế độ theo quy định của “
+ Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
+ Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
+ Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
Đối với chế độ thường trực, bạn thường trực 16/24 thì chế độ nghỉ bù áp dụng được xác định nghỉ ít nhất 12 giờ tiếp theo. Đối với thường trực vào ngày thứ 7 và chủ nhật. Nếu bạn thường trực 24/24 vào ngày nghỉ hàng tuần thì được nghỉ bù 01 ngày.
Ngoài ra, bạn còn được hưởng chế độ phụ cấp thường trực như sau:
– Thường trực 24/24 giờ được hưởng mức phụ cấp như sau:
+ 115.000 đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt.
+ 90.000 đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng II.
+ 65.000 đồng/người/phiên trực đối với các bệnh viện còn lại và các cơ sở khác tương đương.
+ 25.000 đồng/người/phiên trực đối với trạm y tế xã, trạm y tế quân dân y, bệnh xá quân dân y.
– Thường trực theo ca 12/24 giờ được hưởng mức bằng 0,5 lần mức phụ cấp thường trực 24/24 giờ;
– Thường trực theo ca 16/24 giờ được hưởng mức bằng 0,75 lần mức phụ cấp thường trực 24/24 giờ.