Quy định về giám hộ theo Bộ luật dân sự 2015? Quản lý tài sản của người được giám hộ theo Bộ luật dân sự 2015?
Theo quy định pháp luật trong lĩnh vực dân sự cụ thể ở
Tổng đài Luật sư
1. Quy định về giám hộ theo Bộ luật dân sự 2015 ?
1.1. Khái niệm về giám hộ
Theo quy định tại Điều 46 Bộ luật dân sự 2015 quy định về giám hộ như sau: Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định Trường hợp người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình thì khi họ ở tình trạng cần được giám hộ, cá nhân, pháp nhân được lựa chọn là người giám hộ nếu người này đồng ý để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (sau đây gọi chung là người được giám hộ)
Theo đó, người chưa thành niên không còn cha, mẹ; cha, mẹ mất năng lực hành vi hay bị hạn chế năng lực hành vi, bị hạn chế quyền của cha, mẹ; cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc thuộc vào nhóm người được giám hộ theo pháp luật.
Ngoài ra, pháp luật ra chế định giám hộ điều chỉnh các quan hệ với mục đích nhằm khắc phục tình trạng không tương đồng giữa sự bình đẳng về năng lực pháp luật với không bình đẳng về năng lực hành vi dân sự của những người có năng lực hành vi một phần, những người không có năng lực hành vi, bị mất năng lực hành vi. Và từ những quy định của chế định này giúp cơ quan có thẩm quyền xác định việc quản lí tài sản, thực hiện các quyền và nghĩa vụ về tài sản của người được giám hộ.
Như vậy, từ nội dung trên có thể thấy giám hộ là chế định được pháp luật quy định với mục đích nhằm khắc phục tình trạng của người có năng lực pháp luật dân sự nhưng không thể bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện được quyền, nghĩa vụ của họ vì họ là những người chưa thành niên mà không có sự chăm sóc, giáo dục của cha mẹ, người có khó khăn trong nhận thức và điều khiển hành vi, người mất năng lực hành vi dân sự.
1.2. Quy định về người giám hộ
Trong quy định về chế định giám hộ không đề cập tư cách giám hộ của cha, mẹ với con chưa thành niên nhưng có thể suy đoán mặc nhiên vai trò của cha, mẹ đối với các con với tư cách là người đại điện đương nhiên cho con chưa thành niên. Các quy định về giám hộ đối với người chưa thành niên chỉ được áp dụng khi không còn cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều bị mất năng lực hành vi, bị hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc không có điều kiện để chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó.
Theo quy định của pháp luật, hai hình thức giám hộ là giám hộ đương nhiên và giám hộ được cử. Cụ thể được thể hiện như sau:
– Thứ nhất, về người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên
Giám hộ đương nhiên chúng ta có thể hiểu là hình thức giám hộ do pháp luật quy định, người giám hộ đương nhiên chỉ có thể là cá nhân và quan hệ giám hộ đương nhiên được xác định bằng các quy định về người giám hộ, người được giám hộ, quyền và nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ và tài sản của họ.
Theo đó, người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên mà không còn cả cha và mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cả cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Toà án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu, được xác định theo Điều 52 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:
+ Áp dụng theo quy định pháp luật thì trong trường hợp anh ruột, chị ruột là anh chị cả không có thoả thuận khác thì anh cả hoặc chị cả là người giám hộ của em chưa thành niên; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh, chị tiếp theo là người giám hộ;
+ Tiếp đó, trong trường hợp không có anh ruột, chị ruột hoặc anh ruột, chị ruột không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ; nếu không có ai trong số những người thân thích này có đủ điều kiện làm người giám hộ thì bác, chú, cậu, cô, dì là người giám hộ.
– Thứ hai, cơ quan có thẩm quyền cử hoặc chỉ định người giám hộ
Giám hộ được cử là hình thức cử người giám hộ theo trình tự do pháp luật quy định, cá nhân, cơ quan, tổ chức đều có thể trở thành người giám hộ được cử. Trong trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương nhiên thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ theo quy định tại khoản 1 Điều 54 bộ luật dân sự năm 2015.
Theo đó, người giám hộ có thể là cá nhân, cơ quan, tổ chức được pháp luật quy định hoặc được cử làm người giám hộ. Pháp luật không quy định điều kiện của cơ quan, tổ chức khi làm giám hộ phải là cơ quan tổ chức nào nhưng có thể suy đoán bất cứ cơ quan, tổ chức hợp pháp nào cũng đều có thể là người giám hộ.
Một người có thể giám hộ cho nhiều người, nhưng một người chỉ có thể được một người giám hộ, trừ trường hợp người giám hộ là cha, mẹ hoặc ông, bà trong trường hợp không có anh ruột, chị ruột hoặc anh ruột, chị ruột không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ; nếu không có ai trong số những người thân thích này có đủ điều kiện làm người giám hộ thì bác, chú, cậu, cô, dì là người giám hộ. Và trong trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.
1.3. Điều kiện của cá nhân làm người giám hộ
Cá nhân là người giám hộ phải có các điều kiện được quy định ở Điều 49 Bộ luật dân sự năm 2015. Cá nhân thực hiện quyền giám hộ phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Có tư cách đạo đức tốt, có điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ ví dụ như không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác;
Tuy nhiên, tại điều luật này không quy định rõ điều kiện cần thiết này là gì nhưng có thể hiểu đó là trên thực tế thì để giám hộ phải là người có điều kiện kinh tế và điều kiện thực tế khác (sinh sống cùng nơi cư trú hoặc cho người được giám hộ cùng cư trú, sinh sống với mình hoặc có thể thường xuyên giám sát, quản lí được người được giám hộ) để đảm bảo các quyền cơ bản cho người được giám hộ.
2. Quản lý tài sản của người được giám hộ theo Bộ luật dân sự 2015
Tóm tắt câu hỏi:
Kính gửi Luật sư Dương Gia, tôi có một vấn đề muốn luật sư tư vấn. Mẹ tôi mất năng lực hành vi dân sự và tôi được cử làm người giám hộ cho mẹ tôi. Hiện nay giấy tờ nhà của mẹ tôi do người anh giữ. Tôi sợ rằng khi gặp khó khăn anh ấy sẽ đem giấy tờ nhà đi thế chấp. Vậy với tư cách là người giám hộ, tôi có thể giữ giấy tờ nhà cho mẹ tôi được không? Nếu được thì tôi phải làm như thế nào? Xin luật sư tư vấn. Thành thật cám ơn.
Luật sư tư vấn:
Điều 22 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định mất năng lực hành vi dân sự như sau:
“1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.”
Theo thông tin bạn cung cấp, mẹ bạn đã được Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự và bạn là người giám hộ của mẹ bạn. Khoản 2 Điều 136 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định, người giám hộ được coi là người đại diện theo pháp luật của người được giám hộ. Theo đó mọi giao dịch liên quan đến tài sản của mẹ bạn đều phải thông qua người đại diện theo pháp luật là bạn.
Điều 59 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về quyền của người giám hộ đối với việc quản lý tài sản của người được giám hộ như sau:
1. Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình; được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ.
Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và giao dịch dân sự khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.
Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác. Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.
…”
Như vậy, khi được Tòa án cử làm người giám hộ cho mẹ, bạn có quyền quản lý tài sản của mẹ như tài sản của mình và thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản vì lợi ích của mẹ.
Theo thông tin bạn cung cấp, giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở của mẹ bạn đang do người anh giữ, do đó, bạn có quyền yêu cầu anh bạn đưa các giấy tờ nhà đất đứng tên mẹ bạn cho bạn.
Khoản 1 Điều 317 Bộ luật dân sự 2015 quy định về thế chấp tài sản như sau:
“Điều 317. Thế chấp tài sản
1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).”
Theo quy định trên, việc thế chấp tài sản được thực hiện khi người có tài sản thế chấp tài sản của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Theo như bạn trình bày, tài sản này do mẹ bạn đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do đó khi thế chấp tài sản phải được sự đồng ý của mẹ bạn và bạn là người giám hộ cho mẹ bạn thì giao dịch này phải được thực hiện thông qua bạn và chỉ được thực hiện vì lợi ích của mẹ bạn.
Như vậy, anh trai bạn sẽ không có quyền bán hay thế chấp hay thực hiện bất kỳ giao dịch liên quan đến tài sản này khi chưa có sự đồng ý của bạn.