Điều kiện được xác nhận tương đương trung cấp lý luận chính trị? Trường hợp nào thì được xét xác nhận tương đương với trung cấp lý luận chính trị?
Lý luận chính trị là hệ thống tri thức về lĩnh vực chính trị, nó là bộ phận quan trọng trong kho tàng lý luận của nhân loại giới hạn trong lĩnh vực chính trị, là kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học và thực tiễn chính trị của nhiều người, qua nhiều thế hệ.
Lý luận chính trị khẳng định vai trò và tầm quan trọng to lớn của nó đối với nhận thức và hành động của từng cá nhân nói riêng và sự phát triển của toàn xã hội nói chung, bởi lý luận chính trị bao gồm những tri thức tổng hợp, liên ngành mang tính đảng, tính giai cấp rõ rệt, đồng thời có tính khái quát hóa, trừu tượng hóa và tính dự báo khoa học cao. Đồng thời nó cho thấy sự khó khăn, phức tạp của quá trình sáng tạo, nhận thức và vận dụng lý luận chính trị.
Từ khi Đảng CSVN trở thành tổ chức chính trị lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối tại Việt Nam, trình độ lý luận chính trị đã trở thành yếu tố để xem xét, đánh giá, sử dụng, đề bạt, bổ dưỡng, nâng ngạch cán bộ, công chức theo quy định của Đảng và Nhà nước. Theo thời gian, trình độ lý luận chính trị được chia thành ba bậc: Sơ cấp, Trung cấp và Cao cấp
Mục lục bài viết
1. Điều kiện để được xác nhận trình độ chính trị tương đương trung cấp lý luận chính trị
Ngày 16/9/2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Quy định số 256-QĐ/TW về việc xác định trình độ lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên đã học lý luận chính trị ở các cơ sở đào tạo ngoài hệ thống trường chính trị của Đảng hoặc đại học chính trị chuyên ngành và sau đại học tại Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, thay thế cho Quyết định số 12-QĐ/TC-TTVH ngày 9/1/2004 của Ban Tổ chức Trung ương và Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương về việc xác định trình độ lý luận chính trị.
Theo Quy định số 256-QĐ/TW, Ban tổ chức của cấp uỷ cấp huyện và tương đương; Ban tổ chức của cấp uỷ cấp tỉnh và tương đương; cơ quan tổ chức cán bộ của các ban, cơ quan đảng, đoàn thể, bộ, ngành và tương đương ở Trung ương có trách nhiệm lập danh sách cán bộ, đảng viên có yêu cầu đề nghị xác định trình độ lý luận chính trị và chuyển đến cơ sở đào tạo theo phân cấp đối tượng và địa bàn đào tạo.
Trên cơ sở danh sách đề nghị của Ban tổ chức cấp uỷ các cấp, cơ quan tổ chức cán bộ của các ban, cơ quan đảng, đoàn thể, bộ, ngành và tương đương ở Trung ương, các cơ sở đào tạo (trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, trường chính trị cấp tỉnh, Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) chịu trách nhiệm thẩm định, cấp giấy xác nhận. Nếu nội dung, chương trình đã học tương đương với chương trình nào thì căn cứ vào đó để cấp giấy xác nhận trình độ lý luận chính trị.
Giá trị của Giấy xác định được quy định tại Điều 5 Quy định 256-QĐ/TW. Theo đó, giấy xác nhận trình độ lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên đã học lý luận chính trị ở các trường ngoài hệ thống trường chính trị của Đảng được ghi trong hồ sơ lý lịch của cán bộ, đảng viên và được công nhận là tương đương với tiêu chuẩn về lý luận chính trị và được xét dự thi nâng ngạch công chức.
Giấy xác nhận trình độ lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên đã học đại học chính trị chuyên ngành và sau đại học tại Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh được ghi trong hồ sơ lý lịch của cán bộ, đảng viên và được công nhận là tương đương với tiêu chuẩn về lý luận chính trị khi xét dự thi nâng ngạch công chức, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Căn cứ Quy định số 256-QĐ/TW ngày 16/9/2009 của Ban Bí thư về việc xác định trình độ lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên đã học lý luận chính trị ở các cơ sở đào tạo ngoài hệ thống trường chính trị của Đảng hoặc đã học đại học chính trị chuyên ngành và sau đại học tại Học viện Chính trị- Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.
Căn cứ Hướng dẫn số 03/HD-HVCT-HCQG ngày 15/3/2011 của Giám đốc Học viện Chính trị- Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh về Hướng dẫn chương trình để xác định trình độ tương đương trung cấp lý luận chính trị theo Quy định số 256-QĐ/TW ngày 16/9/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X).
2. Về điều kiện được xác nhận tương đương trung cấp lý luận chính trị
Chương trình lý luận chính trị mà cán bộ, đảng viên đã học được tính tương đương so với chương trình trung cấp lý luận chính trị được lấy làm chuẩn để đối chiếu xác nhận, khi đã hội đủ 2 điều kiện sau:
– Về số tiết học, có ít nhất 80% số tiết lên lớp trở lên.
Chương trình trung cấp lý luận chính trị được lấy làm chuẩn là 892 tiết thì chương trình lý luận chính trị mà cán bộ, đảng viên đã học phải có số tiết từ 714 tiết hoặc 48 đơn vị học trình trở lên.
– Về số môn học, có ít nhất 75% số môn học trở lên.
Chương trình trung cấp lý luận chính trị được lấy làm chuẩn là 12 môn học thì chương trình lý luận chính trị mà cán bộ, đảng viên đã học phải có số môn học từ 9 môn trở lên.
Trong đó, chương trình trung cấp lý luận chính trị (ban hành kèm theo Quyết định 484/2002/QĐ-HVCTQG) gồm:
– Triết học Mác – Lênin: 60 tiết;
– Kinh tế chính trị Mác – Lênin và một số vấn đề về tổ chức, quản lý kinh tế ở Việt Nam: 144 tiết;
– Chủ nghĩa xã hội khoa học và chính trị học: 72 tiết;
– Tư tưởng Hồ Chí Minh: 32 tiết;
– Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam 44 tiết;
– Văn hóa, xã hội: 52 tiết;
– Tâm lý học xã hội trong hoạt động lãnh đạo, quản lý: 28 tiết;
– Một số vấn đề về quốc phòng, an ninh và đối ngoại: 64 tiết;
– Nhà nước và pháp luật, quản lý hành chính: 216 tiết;
– Xây dựng Đảng: 92 tiết;
– Công tác dân vận: 56 tiết;
– Tình hình và nhiệm vụ của địa phương: 32 tiết.
Nếu chương trình đã học được xác định tương đương chương trình Trung cấp lý luận chính trị thì cấp Giấy xác nhận trình độ lý luận chính trị tương đương trình độ Trung cấp lý luận chính trị.
Giấy xác nhận trình độ lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên đã học lý luận chính trị ở các trường ngoài hệ thống trường chính trị của đảng được ghi trong hồ sơ lý lịch của cán bộ, đảng viên và được công nhận là tương đương với tiêu chuẩn về lý luận chính trị khi xét dự thi nâng ngạch công chức.
TƯ VẤN MỘT TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ:
3. Tốt nghiệp đại học ngành Luật có được công nhận lý luận chính trị trung cấp không?
Tóm tắt câu hỏi:
Kính gửi Luật Dương Gia. Kính nhờ Luật Dương Gia hỗ trợ giải đáp giúp tôi thắc mắc sau: Tôi tốt nghiệp văn bằng 2 ngành Luật của Đại học Trà Vinh năm 2017 thì có được công nhận tương đương là trình độ lý luận chính trị trung cấp không? (Vì tôi thấy luật có quy định tốt nghiệp chuyên ngành Khoa học xã hội và nhân văn thì được công nhận tương đương trình độ trung cấp lý luận chính trị). Cảm ơn Luật Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại Điều 3
“Điều 3. Nguyên tắc xác định
Lấy nội dung chương trình sơ cấp, trung cấp, cao cấp lý luận chính trị hiện hành của hệ thống trường chính trị của Đảng (trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện; trường chính trị cấp tỉnh, Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) làm chuẩn để đối chiếu với nội dung, chương trình lý luận chính trị (số môn, số tiết) đã được học của cán bộ, đảng viên.”
Việc xác định trình độ lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên nhằm thống nhất về tiêu chuẩn trình độ lý luận chính trị trong Đảng; làm cơ sở xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về lý luận chính trị và thực hiện chính sách đối với cán bộ, đảng viên.
Trong Hướng dẫn số 03/HD-HVCT-HCQG, chương trình lý luận chính trị mà cán bộ đảng viên đã học được tính tương đương so với chương trình trung cấp lý luận chính trị được lấy làm chuẩn để đối chiếu xác nhận khi đã đáp ứng đủ hai điều kiện:
Thứ nhất, về số tiết học, có ít nhất 80% số tiết lên lớp trở lên.
Chương trình trung cấp lý luận chính trị được lấy làm chuẩn là 892 tiết thì chương trình lý luận chính trị mà cán bộ, đảng viên đã học phải có số tiết từ 714 tiết hoặc 48 đơn vị học trình trở lên.
Thứ hai, về số môn học, có ít nhất 75% số môn học trở lên.
Chương trình trung cấp lý luận chính trị được lấy làm chuẩn là 12 môn học thì chương trình lý luận chính trị mà cán bộ, đảng viên đã học phải có số môn học từ 9 môn trở lên.
Chương trình trung cấp lý luận chính trị (ban hành kèm theo Quyết định số 484/2002/QĐ-HVCTQG ngày 11/12/2002 của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh): Triết học Mác- Lênin: 60 tiết, Kinh tế chính trị Mác- Lênin và một số vấn đề về tổ chức, quản lý kinh tế ở Việt Nam: 144 tiết; Chủ nghĩa xã hội khoa học và chính trị học: 72 tiết; Tư tưởng Hồ Chí Minh: 32 tiết; Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam 44 tiết; Văn hóa, xã hội: 52 tiết; Tâm lý học xã hội trong hoạt động lãnh đạo, quản lý: 28 tiết; Một số vấn đề về quốc phòng, an ninh và đối ngoại: 64 tiết; Nhà nước và pháp luật, quản lý hành chính: 216 tiết; Xây dựng Đảng: 92 tiết; Công tác dân vận: 56 tiết; Tình hình và nhiệm vụ của địa phương: 32 tiết.
Luật sư tư vấn xác nhận tương đương trung cấp lý luận chính trị:1900.6568
Nếu bạn xét thấy chương trình lý luận chính trị mà mình đã học hội đủ 2 điều kiện nêu trên thì làm hồ sơ gửi ban tổ chức huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy. Hồ sơ gồm: đơn đề nghị xác nhận trình độ tương đương trung cấp lý luận chính trị; bằng tốt nghiệp, chứng chỉ; bảng điểm (có ghi tên môn học và số tiết hoặc đơn vị học trình) và có chứng thực.
Ban tổ chức huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tập hợp hồ sơ của cán bộ, đảng viên có nhu cầu xác nhận trình độ tương đương trung cấp lý luận chính trị.
Hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về bằng tốt nghiệp đại học được xét tương đương với trình độ trung cấp lý luận chính trị.