Pháp luật Việt Nam hiện hành đã ghi nhận về hợp đồng dịch vụ và những quy định về hợp đồng dịch vụ, cụ thể được ghi nhận tại Bộ luật dân sự. Vậy hợp đồng dịch vụ là gì? Các quy định về hợp đồng dịch vụ được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Hợp đồng dịch vụ là gì?
Điều 513
“Điều 513. Hợp đồng dịch vụ
Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ”
– Theo đó, có thể hiểu hợp đồng dịch vụ là thuật ngữ được sử dụng trong nhiều bối cảnh khác nhau. Hợp đồng dịch vụ có thể được dùng dưới góc độ là quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh và cũng có thể thuật ngữ để chỉ các quy định pháp luật do Nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh các vấn đề liên quan đến cung ứng, sử dụng dịch vụ
– Hợp đồng dịch vụ dưới góc độ là một quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh thì hợp đồng dịch vụ được thiết lập dựa trên ba yếu tố cơ bản: chủ thể, khách thể và nội dung. Theo đó, có thể hiểu hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa giữa bên cung ứng với bên sử dụng mà theo đó bên cung ứng thực hiện một công việc nhất định nhằm đem lại lợi ích cho bên sử dụng và bên sử dụng có nghĩa vụ trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng trên cơ sở các nội dung quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật.
2. Đặc điểm của hợp đồng dịch vụ:
Hợp đồng dịch vụ là một hợp đồng dân sự thông dụng do đó mang đầy đủ những đặc điểm chung của hợp đồng dân sự, bên cạnh đó, hợp đồng dịch vụ còn mang những đặc điểm riêng biệt nhất định như sau:
– Hợp đồng dịch vụ gắn liền với cơ chế thị trường.
Hợp đồng dịch vụ ra đời cùng với sự ra đời của hoạt động dịch vụ – đối tượng của hợp đồng. Khi nền kinh tế hàng hóa ra đời dẫn đến tồn tại thị trường để trao đổi các sản phẩm hàng hóa, bao gồm các sản phẩm hàng hóa hữu hình và vô hình. Hoạt động cung ứng dịch vụ giữa bên cung ứng với các khách hàng được thiết lập trên cơ sở thỏa thuận của các bên – chính là hợp đồng dịch vụ. Do đó, mặc dù hợp đồng dân sự tồn tại, phát triển từ rất sớm, đồng hành cùng với các hoạt động giao lưu kinh tế – xã hội của loài người nhưng hợp đồng dịch vụ chỉ chính thức ra đời khi xuất hiện thị trường trao đổi hàng hóa trong nền kinh tế sản xuất hàng hóa.
– Hợp đồng dịch vụ có đối tượng là công việc phải thực hiện
+ Dịch vụ là những công việc được thực hiện bởi các chủ thể thực hiện theo tính chất nghề nghiệp hoặc theo lĩnh vực đăng ký kinh doanh của họ.
+ Thực hiện dịch vụ là nghĩa vụ cơ bản của bên cung ứng sau khi hợp đồng dịch vụ được ký kết có hiệu lực.
+ Không thực hiện hợp đồng dịch vụ là một trong các trường hợp vi phạm hợp đồng dịch vụ.
– Hợp đồng dịch vụ có tính đền bù
+ Thứ nhất, bên sử dụng phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng để chủ thể này thực hiện công việc theo thỏa thuận. Giá dịch vụ do các bên thỏa thuận hoặc theo bảng giả được niêm yết hoặc được
+ Thứ hai, giá trị đền bù là phần giá trị vật chất của dịch vụ được tính trên cơ sở giá trị và giá trị sử dụng của loại hàng hóa đặc biệt này trên thị trường.
+ Thứ ba, vi phạm nghĩa vụ trả tiền là căn cứ để phát sinh trách nhiệm pháp lý của bên sử dụng hoặc là căn cứ để bên cung ứng chấm dứt hợp đồng. Tùy vào tính chất của công việc, bên sử dụng trả tiền trước hoặc sau khi dịch vụ được hoàn thành và được ghi nhận trong hợp đồng hoặc theo quy định pháp luật nếu các bên không có thỏa thuận.
– Hợp đồng dịch vụ là hợp đồng song vụ
+ Bên cung ứng và bên sử dụng có các quyền, nghĩa vụ tương ứng với nhau phát sinh trên cơ sở hợp đồng dịch vụ đã được giao kết.
+ Một bên có hành vi vị phạm nghĩa vụ là cơ sở để bên kia có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng dịch vụ theo sự thoả thuận của các bên.
– Hợp đồng dịch vụ có thể là hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba. Thông thường, bên thuê dịch vụ là người hưởng lợi khi bên cung ứng dịch vụ đã thực hiện công việc dịch vụ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, người thứ ba là người được hưởng lợi từ việc bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc.
– Hợp đồng dịch vụ có thể là dịch vụ đơn giản, có thể là dịch vụ phức tạp.
+ Trong hợp đồng dịch vụ giản đơn thì chỉ là mối quan hệ trực tiếp giữa bên thuê dịch vụ và bên cung ứng dịch vụ.
+ Trong hợp đồng dịch vụ phức tạp sẽ có hai quan hệ: quan hệ giữa bên thuê dịch vụ và bên cung ứng dịch vụ(gọi là quan hệ bên trong) và quan hệ giữa người làm dịch vụ và người thứ ba (gọi là quan hệ bên ngoài). Trong quan hệ bên trong, các bên phải thỏa thuận cụ thể về nội dung làm dịch vụ theo đó bên cung ứng dịch vụ phải thực hiện những hành vi nhất định vì lợi ích của bên thuê dịch vụ. Trong quan hệ bên ngoài, bên cung ứng dịch vụ phải nhân danh mình để tham gia các giao dịch dân sự, mà không được nhân danh bên thuê dịch vụ để giao dịch với người thứ ba. Bên cung ứng dịch vụ hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước người thứ ba, nếu pháp luật không quy định khác hoặc các bên không có thỏa thuận khác.
3. Các quy định về hợp đồng dịch vụ:
3.1. Đối tượng của hợp đồng dịch vụ:
Đối tượng của hợp đồng dịch vụ được quy định tại Điều 514 Bộ luật dân sự 2015, theo đó đối tượng của hợp đồng dịch vụ phải thoả mãn ba yêu cầu như sau:
– Thứ nhất, công việc có thể thực hiện được.
Công việc có thể thực hiện được chỉ mang tính chất tương đối, theo đó bao gồm:
+ Nhóm công việc mà số đông các cá nhân có khả năng thực hiện: Nhóm công việc này về cơ bản không đòi hỏi kỹ năng hoặc chuyên môn riêng biệt từ người thực hiện. Người thực hiện bằng hành vi của mình thực hiện công việc đem lại lợi ích cho người khác như công việc vệ sinh nhà ở, rửa xe…
+ Nhóm công việc chỉ có một số cá nhân hoặc nhóm người có khả năng thực hiện: Nhóm công việc này thường đòi hỏi kỹ năng chuyên môn nhất định của từng cá nhân trong quá trình thực hiện như vẽ tranh chân dung, vẽ tranh phong cảnh, dịch vụ y tế… Một số cá nhân có năng khiếu hội họa mới có khả năng thực hiện công việc. Tương tự như vậy, một số công việc trong các làng nghề truyền thống thì thường chỉ những cá nhân được truyền nghề mới có khả năng thực hiện. Việt Nam tồn tại nhiều làng nghề truyền thống như nghề dệt vải thổ cẩm, nghề đúc chuông, làm gốm sứ, làm trống… và không phải cá nhân nào cũng có thể thực hiện các công việc được cung ứng bởi những cá nhân lành nghề.
– Thứ hai, không vi phạm điều cấm của luật.
Các hoạt động dịch vụ thuộc phạm vi điều cấm pháp luật bao gồm các trường hợp như sau:
+ Các hoạt động bị cấm thực hiện được luật hoá trong các quy phạm pháp luật.
+ Các hoạt động mà bên cung ứng không đáp ứng điều kiện thực hiện.
Việc quy định điều kiện này có ý nghĩa pháp lý rất lớn, đảm bảo được tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam, các hành vi xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác luôn luôn bị pháp luật cấm. Bên cạnh đó, nhà làm luật đảm bảo hài hoà lợi ích của từng chủ thể với lợi ích của cộng đồng quốc gia và dân tộc.
– Thứ ba, không trái đạo đức xã hội.
Đối với việc xác định đối tượng hợp đồng dịch vụ điều kiện “không trái đạo đức xã hội” giúp xác định các công việc mới ra đời có thể trở thành đối tượng của hợp đồng này hay không. Pháp luật hiện hành không quy định cụ thể công việc nào có thể trở thành dịch vụ và công việc nào bị cấm. Tuy nhiên, khi công việc mới ra đời mà không phù hợp đạo đức xã hội, phong tục tập quán thì sẽ không được thừa nhận.
Như vậy, đối tượng của hợp đồng dịch vụ phải thỏa mãn đồng thời ba điều kiện trên.
3.2. Giá dịch vụ và trả tiền dịch vụ:
– Giá dịch vụ và trả tiền dịch vụ được quy định tại Điều 519 Bộ luật dân sự 2015, theo đó, pháp luật không quy định về giá dịch vụ mặc dù tại Khoản 2 Điều 519 Bộ luật dân sự 2015 : ” Khi giao kết hợp đồng, nếu không có thỏa thuận về giá dịch vụ, phương pháp xác định giá dịch vụ và không có bất kỳ chỉ dẫn nào khác về giá dịch vụ thì giá dịch vụ được xác định căn cứ vào giá thị trường của dịch vụ cùng loại tại thời điểm và địa điểm giao kết hợp đồng”
Do đó, giá dịch vụ phải được hiểu theo bản chất kinh tế của giá cả hàng hóa. Giá cả là giá trị dưới dạng tiền của hàng hóa, dịch vụ và do đó, giá dịch vụ và giá trị bằng tiền của dịch vụ.
– Trả tiền dịch vụ: theo quy định tại Điều 519 Bộ luật dân sự 2015 quy định thì xác định tiền dịch vụ theo các cách thức như sau:
+ Theo thoả thuận của bên cung ứng và bên sử dụng
+ Theo giá thị trường của dịch vụ cùng loại
3.3. Quyền và nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ:
Quyền, nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ (Điều 515 Bộ luật dân sự 2015)
– Nghĩa vụ của bên sử dụng theo quy định của pháp luật bao gồm:
+ Cung cấp thông tin, tài liệu và các phương tiện cần thiết thực hiện dịch vụ
+ Trả tiền dịch vụ ( đúng thời gian, đúng địa điểm, đúng phương thức như đã thỏa thuận)
– Quyền của bên sử dụng:
+ Yêu cầu thực hiện công việc theo đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và các thỏa thuận khác do các bên đã ký kết trong hợp đồng.
+ Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tại Khoản 2 Điều 516 Bộ luật dân sự quy định về: ” Trường hợp bên cung ứng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên sử dụng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng”. Có thể thấy, so với
* Quyền, nghĩa vụ của bên cung ứng (Điều 517 Bộ luật dân sự 2015)
– Nghĩa vụ của bên cung ứng:
+ Thực hiện công việc đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và các thỏa thuận khác
Khi thực hiện nghĩa vụ này, bên cung ứng phải tuân thủ theo đúng các nội dung đã thỏa thuận và ghi nhận trong HĐDV. Bên cung ứng chỉ có quyền thay đổi chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm hay các thỏa thuận khác nếu được bên sử dụng đồng ý. Trường hợp bên sử dụng không đồng ý thì sự thay đổi của bên cung ứng trong quá trình thực hiện công việc sẽ bị coi là hành vi vi phạm hợp đồng.
+ Không được giao cho người khác thực hiện thay công việc: Tại Khoản 2 Điều 517 BLDS 2015 ghi nhận: “không được giao cho người khác thực hiện thay công việc, nếu không có sự đồng ý của bên sử dụng dịch vụ”. Như vậy, quy định này kế thừa từ Khoản 2 Điều 522 BLDS 2005: “không được giao cho người khác thực hiện thay công việc nếu không có sự đồng ý của bên sử dụng dịch vụ”. Giữa BLDS 2015 và BLDS 2005 không có sự khác biệt về mặt nội dung ngoại trừ việc thay đổi tên gọi của bên thuê thành bên sử dụng.
Nghĩa vụ của bên cung ứng phải tự mình thực hiện, không được giao cho người khác thực hiện thay công việc được hiểu theo các nội dung sau :
+ Bảo quản và giao lại tài liệu, phương tiện được giao sau khi hoàn thành công việc cho bên sử dụng: Tương ứng với nghĩa vụ cung cấp thông tin, tài liệu của bên sử dụng, bên cung ứng sau khi tiếp nhận những loại tài liệu, dữ liệu này phải có nghĩa vụ bảo quản và giao lại. Nghĩa vụ này được quy định tại Khoản 3 Điều 517 BLDS 2015. Nghĩa vụ bảo quản sẽ phải đảm bảo ở hai góc độ là bảo đảm và quản lý. Bảo đảm về mặt chất lượng, số lượng như tình trạng khi bên sử dụng giao cho mình; và quản lý, sử dụng các thông tin, phương tiện này đúng mục đích như các bên đã thỏa thuận.
– Quyền của bên cung ứng
+ Yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu, phương tiện để thuận lợi trong quá trình thực hiện công việc, bên cung ứng có quyền cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện để phục vụ cho công việc.
+ Thay đổi điều kiện dịch vụ. Điều kiện dịch vụ được hiểu là tổng hợp những điều kiện về con người, máy móc, ..phù hợp với yêu cầu khách quan thực hiện công việc và hoàn thành dịch vụ theo như kết quả các bên chủ thể dự liệu.
+ Yêu cầu trả tiền dịch vụ. Tùy thuộc vào thỏa thuận cung như quá trình thực hiện công việc mà quyền yêu cầu trả tiền dịch vụ của bên cung ứng được áp dụng trong những tình huống cụ thể theo quy định.
3.4. Tiếp tục thực hiện hợp đồng dịch vụ:
Tiếp tục thực hiện hợp đồng dịch vụ được quy định tại Điều 521 Bộ luật dân sự 2015, theo đó, pháp luật quy định như sau:
– Điều kiện tiếp tục thực hiện hợp đồng dịch vụ bao gồm:
+ Thời hạn thực hiện hợp đồng dịch vụ. đã hết: đây là khoảng thời gian do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, do dác bên thống nhất phù hợp với các yếu tố khách quan, chủ quan của các bên nhằm bảo đảm cho việc thực hiện công việc sẽ được hoàn thành.
+ Công việc chưa hoàn thành: có thể là công việc chưa được thực hiện hoặc không đem lại bất kỳ kết quả nào trong thời hạn được các bên quy định hoặc đã được thực hiện một phần nhưng chưa hoàn thành hoặc chưa đem lại kết quả cuối cùng theo như thỏa thuận của các bên.
+ Bên cung ứng vẫn tiếp tục thực hiện công việc
+ Bên sử dụng biết nhưng không phản đối.
– Hậu quả pháp lý của việc tiếp tục thực hiện hợp đồng dịch vụ. Quy đinh này góp phần nâng cao ý thức của bên cung ứng vì pháp luật luôn buộc chủ thể này phải thực hiện khi công việc được hoàn thành . Như vậy, việc pháp luật ghi nhận cơ chế tiếp tục thực hiện hợp đồng dịch vụ hoàn toàn phù hợp với tính chất dịch vụ cũng như đảm bảo quyền và lợi ích của các bên, đặc biệt là bên sử dụng.