Quyền về cấp, thoát nước qua bất động sản liền kề. Nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước thải. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.
Quyền về cấp, thoát nước qua bất động sản liền kề. Nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước thải. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.
Tóm tắt câu hỏi:
Chúng tôi gồm nhiều hộ gia đình sống gần nhau ở vùng có nước ngập khi mùa mưa lũ về, cả vùng đó chỉ có một cái cống rộng hơn 2m để thoát nước mưa cho cả vùng, nhưng UBND xã tham mưu cho UBND huyện cấp đất cho 1 hộ gia đình đẫ lấn chiếm hết 1/2 cái cống làm hẹp dòng chảy, điều hướng dòng chảy gây nên tình trạng ngập lụt nặng hơn. Xin hỏi chúng tôi kiến nghị xử lý đến cấp nào và ai là người có thẩm quyền xử lý?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
Điều 251, Điều 252 Bộ luật dân sự năm 2015
2. Nội dung tư vấn:
Điều 251 Bộ luật Dân sự 2015 quy định nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước thải như sau:
"Chủ sở hữu nhà, công trình xây dựng khác phải làm cống ngầm hoặc rãnh thoát nước để đưa nước thải ra nơi quy định, sao cho nước thải không chảy tràn sang bất động sản của chủ sở hữu bất động sản liền kề, ra đường công cộng hoặc nơi sinh hoạt công cộng.”
Điều 252 Bộ luật dân sự 2015 quy định quyền về cấp, thoát nước qua bất động sản liền kề:
"Trường hợp do vị trí tự nhiên của bất động sản mà việc cấp, thoát nước buộc phải qua một bất động sản khác thì chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua phải dành một lối cấp, thoát nước thích hợp, không được cản trở hoặc ngăn chặn dòng nước chảy.
Người sử dụng lối cấp, thoát nước phải hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua khi lắp đặt đường dẫn nước; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trường hợp nước tự nhiên chảy từ vị trí cao xuống vị trí thấp mà gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua thì người sử dụng lối cấp, thoát nước không phải bồi thường thiệt hại.”
Theo thông tin bạn cung cấp, trước đây các gia đình có một cống thoát nước chung nhưng nay một gia đình khác đã được chính quyền cấp đất và 1/2 cống thoát nước nằm trong quyền sử dụng đất của gia đình đó; phần diện tích cống thoát nước còn lại không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của những gia đình còn lại. Trường hợp này, phải xem xét việc đưa dẫn nước sinh hoạt qua phần cống này có phải là lối cấp thoát nước thích hợp và duy nhất hay không?
>>> Luật sư tư vấn quyền cấp, thoát nước qua bất động sản liền kề: 1900.6568
+ Nếu việc thoát nước qua đoạn đất đó là lối thoát nước duy nhất hoặc diện tích của cống thoát nước chưa thích hợp để đáp ứng nhu cầu thoát nước thì các gia đình còn lại có quyền yêu cầu gia đình đang sử dụng đất nhường cho một phần diện tích cống thoát để dẫn nước thải qua đó. Trường hợp này các gia đình còn lại thỏa thuận với gia đình đó về việc sử dụng đất của họ, trường hợp họ không đồng ý, các bạn có thể viết đơn lên Ủy ban nhân dân xã để giải quyết.
+ Nếu việc thoát nước qua đó mà không phải lối thoát nước duy nhất và cũng không phải lối thoát nước thích hợp và việc sử dụng cống thoát nước gây ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người sử dụng đất hoặc ảnh hưởng đến môi trường công cộng thì người sử dụng đất không có nghĩa vụ phải dành một phần diện tích đất của mình để làm cống.
Đồng thời, các bạn có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác minh lại việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất đối với 1/2 cái cống là có đúng quy định hay không? Nếu không đúng quy định thì người được cấp quyền sử dụng đất đối với 1/2 cống phải trả lại hiện trạng của cái cống như ban đầu.