Các hành vi bị nghiêm cấm đối với công chứng viên. Hậu quả giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối. Xử lý sai phạm của văn phòng công chứng.
Các hành vi bị nghiêm cấm đối với công chứng viên. Hậu quả giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối. Xử lý sai phạm của văn phòng công chứng.
Tóm tắt câu hỏi:
Vừa qua gia đình tôi có thủ tục phân chia tài sản thừa kế (Bố tôi thì đã mất, 2 anh em thống nhất để toàn bộ tài sản nhà đất cho mẹ ). Do em tôi ở rất xa nên gia đình đã chuẩn bị sẵn hồ sơ gửi phòng công chứng và đề nghị phòng công chứng tranh thủ hôm chủ nhật có em tôi về để đến tại nhà để ba mẹ con có thể ký và lăn tay. Khi Nhân viên văn phòng công chứng đến, gia đình chúng tôi có kiểm tra lại văn bản do phòng công chứng soạn thì thấy có một chút sai sót cần sửa. Nhân viên phòng công chứng đã bảo 3 mẹ con chúng tôi ký và lăn tay sẵn vào một số tờ giấy trắng A4 để nhân viên phòng công chứng mang về sửa lại nội dung đã sai xót và căn chỉnh để in lại trên giấy đã ký và lăn tay để em tôi không phải đi lại nhiều. Do nghĩ phòng công chứng nắm chắc và hiểu rõ về Pháp luật nên cả nhà không nghi ngờ gì, cứ ký và lăn tay. Sau đó vài ngày tôi có lên phòng công chứng để xin lại văn bản đã sửa và đã nhận lại các văn bản đó nhưng chúng tôi không nhớ mình đã ký và lăn tay vào bao nhiêu bản, không biết có thừa bản nào không. Đến nay gia đình tôi nghĩ kỹ lại thì thấy làm như vậy bất cẩn quá và rất lo lắng. Chúng tôi sợ rằng trường hợp không may nhân viên phòng công chứng là người xấu hoặc cấu kết với kẻ xấu, lợi dụng bản giấy trắng mà gia đình tôi đã ký và lăn tay sẵn để in các văn bản như (giấy bán nhà, giấy vay nợ…) thì khi đấy gia đình chúng tôi có bị mất nhà, có bị nợ nần không? Nếu xảy ra trường hợp đấy gia đình tôi có căn cứ gì để kiện không? Liệu rằng có thắng kiện được không? Tôi chỉ có lưu giữ ảnh chụp gia đình tôi đang ký và lăn tay vào các bản giấy trắng trước sự có mặt của nhân viên công chứng. Gia đình tôi đang rất lo lắng, kính Mong Quý công ty tư vấn giúp chúng tôi. Gia đình chúng tôi xin chân thành cám ơn Quý công ty.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc trên, chuyên viên Đinh Đắc Dương (máy lẻ 116) đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
– Căn cứ pháp lý:
– Nội dung tư vấn:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật công chứng 2014 về các hành vi bị nghiêm cấm:
"1. Nghiêm cấm công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng thực hiện các hành vi sau đây:
a) Tiết lộ thông tin về nội dung công chứng, trừ trường hợp được người yêu cầu công chứng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác; sử dụng thông tin về nội dung công chứng để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức;
b) Thực hiện công chứng trong trường hợp mục đích và nội dung của hợp đồng, giao dịch, nội dung bản dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội; xúi giục, tạo điều kiện cho người tham gia hợp đồng, giao dịch thực hiện giao dịch giả tạo hoặc hành vi gian dối khác;
…"
Đối với hành vi công chứng viên lợi dụng những thông tin, giấy tờ mà khách hàng cung cấp để trục lợi thì đây là hành vi bị nghiêm cấm. Nếu công chứng viên/văn phòng công chứng dùng những giấy tờ trắng đã ký tên và điềm chỉ của các thành viên gia đình bạn nhằm mục đích bất hợp pháp hoặc những mục đích khác mà gia đình bạn không biết và không có sự đồng ý thì hành vi này là hành vi v phạm pháp luật, công chứng viên/văn phòng công chứng phải chịu trách nhiệm về hành vi này.
>>> Luật sư tư vấn các hành vi bị nghiêm cấm đối với công chứng viên: 1900.6568
Bạn và gia đình đang lo lắng vấn đề công chứng viên/văn phòng công chứng sẽ sử dụng những tờ giấy A4 có chữ ký sẵn của gia đình bạn để thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản của gia đình bạn, ảnh hưởng đến quyền lợi của gia đình bạn. Nếu hành vi này xảy ra, bạn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu do bị lừa dố theo quy định tại Điều 127 Bộ luật dân sự 2015:
"Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.
…"
Việc làm của công chứng viên nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc có tính chất nguy hiểm cho xã hội (chiếm đoạt tài sản người khác) thì công chứng viên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội lừa đảo chiếm đoạt chiếm đoạt tài sản người khác theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009.
Lúc này, để bảo vệ quyền lợi cho gia đình bạn, gia đình bạn có thể làm đơn gửi tới cơ quan công an cấp huyện nơi công chứng viên đang sinh sống/làm việc để yêu cầu giải quyết.