Trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông. Mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông.
Trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông. Mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông.
Tóm tắt câu hỏi:
Ngày 28/9/2016 bạn tôi có điều khiển phương tiện trên đường không đội mũ bảo hiểm và bị mấy anh giao thông yêu cầu dừng xe kiểm tra hành chính và xử lý lỗi vi phạm và bị giam xe. Nội dung biên bản như sau: không có bằng lái xe, không giấy đăng ký lái xe, không có giấy bảo hiểm, không mũ bảo hiểm. Họ hẹn ngày mang giấy tờ lên để ra quyết định xử phạt hành chính là 28/9/2016 vì công chuyện đột xuất, nên bạn tôi có ủy quyền đóng phạt cho tôi. Vì công việc nên đến ngày 07/10/2016 tôi mới lên xử lý. Tôi mang giấy đăng ký xe, chứng minh và bảo hiểm xe lên nhưng họ không đồng ý cho tôi đóng phạt. Vì họ nói chứng minh không có ngày sinh chỉ có năm sinh 1998 nên họ không biết xử lý thế nào? Họ kêu tôi về đem giấy khai sinh lên. Ngày 29/10/2016 tôi có đem chứng minh và hộ khẩu lên. Nhưng giấy khai sinh cũng không có ngày tháng, nên họ không xử lý vi phạm. Và họ yêu cầu viết cam kết không sử dụng phương tiện khi không đủ giấy tờ và bằng lái. Nhưng họ lại bắt đi chứng nhận tại nơi cư trú hoặc thường trú. Luật sư có thể cho tôi biết: Tôi phải làm gì khi công an họ không xử lý cho tôi vì họ không xác định được ngày sinh. Theo tôi được biết nếu không xác đinh được ngày sinh thì họ lấy theo ngày 01/01 của năm ấy phải không? Và bạn tôi đang trong tuổi nghĩa vụ nên họ không làm tạm trú thì làm sao tôi làm cam kết được. Người nhận ủy quyền là tôi. Tôi có thể bảo lãnh và viết cam kết được không? Và bao lâu tôi mới được lấy xe. Mong luật sư tư vấn giúp tôi.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật xử lý vi phạm hành chính 2012;
2. Giải quyết vấn đề:
Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông theo quy định tại Mục 1 Chương III Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được tiến hành như sau:
Bước 1: Buộc chấm dứt hành vi vi phạm và lập biên bản vi phạm hành chính với các hành vi có mức phạt trên 250.000 đồng đối với cá nhân hoặc 500.000 đồng đối với tổ chức;
Bước 2: Ra quyết định xử phạt trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, trong trường hợp phức tạp cần xác minh, giải trình thì không quá 60 ngày. Nội dung của quyết định xử phạt gồm có:
– Địa điểm, ngày, tháng, năm ra quyết định;
– Căn cứ pháp lý để ban hành quyết định;
– Thông tin về biên bản vi phạm hành chính, kết quả xác minh, văn bản giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm hoặc biên bản họp giải trình và tài liệu khác (nếu có);
– Họ, tên, chức vụ của người ra quyết định;
– Họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm;
– Thông tin về hành vi vi phạm hành chính; tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;
– Thông tin về điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng;
>>> Luật sư tư vấn pháp luật về xử phạt hành chính vi phạm giao thông: 1900.6568
– Hình thức xử phạt chính; hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có);
– Hướng dẫn về quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
– Hiệu lực của quyết định, thời hạn và nơi thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nơi nộp tiền phạt;
– Người ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính ký ghi rõ họ tên;
– Trách nhiệm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và việc cưỡng chế trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành.
Như vậy, quyết định xử phạt vi phạm hành chính không cần thông tin liên quan đến ngày tháng năm sinh của người vi phạm. Cũng không có quy định nào người được ủy quyền phải có thông tin ngày tháng năm sinh mới ra quyết định xử phạt hành chính, do đó yêu cầu của cơ quan xử lý vi phạm hành chính trong trường hợp của bạn là không có căn cứ pháp luật. Bạn có quyền khiếu nại hành vi hành chính này. Bạn chỉ có trách nhiệm ký cam kết nếu nội dung ủy quyền của bạn bạn cho bạn bao gồm công việc này.
Thời hạn tạm giữ phương tiện vi phạm được quy định tại khoản 8 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 là 7 ngày kể từ ngày ra quyết định tạm giữ, trong trường hợp phức tạp cần xác minh, giải trình thì không quá 60 ngày.