Không đăng ký kết hôn mà chồng có hành vi đánh đập thì có thể khởi kiện ra Tòa không? Quyền nuôi con khi không có đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật.
Không đăng ký kết hôn mà chồng có hành vi đánh đập thì có thể khởi kiện ra Tòa không? Quyền nuôi con khi không có đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật.
Tóm tắt câu hỏi:
Anh chị cho em hỏi, em sinh năm 10-10-1999 em đã kết hôn được 1 năm hiện tại có 1 bé gái được 11 tháng nhưng em chưa làm giấy đăng kí kết hôn. Và bây giờ em sống với người chồng hiện tại đi nhậu về hành hạ đánh đập em. Làm không đưa tiền cho mẹ con em. Em có thể kiện ra Tòa được không. Hiện tại thì em chưa đủ tuổi trưởng thành còn chồng em thì sinh ngày 7/8/1989. Cho em xin ý kiến.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật Hôn nhân và gia đình 2014;
– Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007
2. Giải quyết vấn đề:
Bạn nêu bạn sinh năm 10-10-1999, bạn đã kết hôn được 1 năm nhưng bạn chưa làm giấy đăng kí kết hôn hiện tại có 1 bé gái được 11 tháng. Trong trường hợp này hôn nhân giữa bạn và chồng bạn không được pháp luật công nhận. Điều này được quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về đăng ký kết hôn như sau:
“Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.
Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý”.
Theo đó, trong trường hợp của bạn thì bạn và chồng bạn không có giấy đăng ký kết hôn mà chỉ tổ chức kết hôn. Theo quy định trên thì nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng.
Theo quy định của Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007 thì hành vi đánh đập của nam đối với nữ chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn thì cũng được xác định là hành vi bạo lực gia đình. Như vậy, người chung sống như vợ chồng với bạn, không có đăng ký kết hôn có hành vi đánh đạp bạn thì bạn có thể trình báo ra cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu xử lý về hành vi bạo lực gia đình.
Đối với hành vi đánh đập bạn, chồng bạn sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 1 Điều 49
“Điều 49. Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
2. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;
b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.”
>>> Luật sư tư vấn về việc xử lý người có hành vi bạo lực gia đình: 1900.6568
Trong trường hợp bạo lực, bạn không muốn chung sống cùng thì bạn có thể làm đơn khởi kiện ly hôn ra Tòa án để chấm dứt quan hệ hôn nhân, chấm dứt việc bạn bị chồng đe dọa thì Tòa án chỉ giải quyết vấn đề về tranh chấp tài sản và nuôi con (nếu có), Tòa án không công nhận hai bạn là vợ chồng.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 14 Luật hôn nhân gia đình 2014 thì nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Còn quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật hôn nhân và gia đình 2014. Như vậy, giữa bạn và chồng bạn không phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa vợ chồng. Tuy nhiên, chồng bạn có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con cùng với bạn.
– Về việc xác định người trực tiếp nuôi con, hai bên có quyền thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; hoặc yêu cầu Tòa án có thẩm quyền quyết định giao con cho ai nuôi dựa theo nguyên tắc sau: Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ nuôi trừ trường hợp mẹ không đủ điều kiện nuôi con. Ở đây, con của bạn 11 tháng tuổi thì nếu bạn đáp ứng đủ điều kiện nuôi con thì bạn sẽ được Tòa án ưu tiên cho bạn nuôi con.
– Về việc chia tài sản được quy định tại Điều 16 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì về nguyên tắc nếu là tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó; nếu là tài sản chung được chia theo thoả thuận của các bên; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết, có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên; ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và con theo chế định tài sản chung quy định tại Bộ luật dân sự 2015.