Luật sư tư vấn lựa chọn loại hình doanh nghiệp. Trường hợp phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Luật sư tư vấn lựa chọn loại hình doanh nghiệp. Trường hợp phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Tóm tắt câu hỏi:
Dạ thưa! Gia đình cháu đang sản xuất thịt bò khô. Ban đầu thì mẹ cháu chỉ làm cho nhà ăn. Sau thì có người hỏi mua thì mẹ cháu làm bán. Cháu muốn đăng kí kinh doanh tạo ra 1 thương hiệu cho thịt bò khô nhà cháu. Cho cháu hỏi cháu chọn hình thức đăng kí kinh doanh thế nào? Nhà cháu có phải xin giấy phép an toàn thực phẩm không? Ví dụ sau này nhà cháu mở thêm 1 2 cửa hàng bán thịt bò khô ở các tỉnh khác thì có làm sao không? Cháu rất mong được sự hồi đáp của các bác các chú luật sư. Cháu xin cám ơn rất nhiều.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
– Điều 33 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 09 năm 2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp;
– Điều 9 Thông tư số 26/2012/TT-BYT ngày 30 tháng 11 năm 2012 của Bộ Y tế quy định cấp gấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thưc phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm thuộc phạm vi quản lý quản lý của Bộ Y tế.
2. Nội dung tư vấn:
Thứ nhất, về việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp:
Căn cứ
– Doanh nghiệp tư nhân: Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Đặc điểm:
+ Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
+ Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh.
+ Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
+ Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân và phải chịu trách nhiệm vô hạn với các khoản nợ của doanh nghiệp.
Đối với mô hình kinh doanh nhỏ lẻ thì doanh nghiệp tư nhân là sự lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, mức độ rủi ro cao do chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình.
– Công ty TNHH Một Thành Viên: là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty); chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty. Đặc điểm:
+ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
+ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được quyền phát hành cổ phần.
+ Chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
+ Tùy thuộc vào ngành, nghề kinh doanh, cơ cấu tổ chức quản lý nội bộ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên bao gồm: Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Chủ tịch công ty và Giám đốc.
Đây là loại hình doanh nghiệp đem lại ít rủi ro cho chủ sở hữu bởi chế độ chịu trách nhiệm hữu hạn. Tuy nhiên, công ty TNHH Một Thành Viên không được giảm vốn điều lệ.
– Công ty TNHH Hai Thành Viên trở lên. Đặc điểm:
+ Thành viên có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng thành viên không vượt quá 50;
+ Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.
+ Không được tự do chuyển nhượng phần vốn góp mà phải tuân theo các quy định của pháp luật.
+ Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
+ Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên không được quyền phát hành cổ phần.
+ Công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên phải có Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc. Công ty trách nhiệm hữu hạn có trên mười một thành viên phải có Ban kiểm soát.
Tuy nhiên, Việc huy động vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn bị hạn chế do không có quyền phát hành cổ phiếu.
>>> Luật sư tư vấn về tư vấn thành lập doanh nghiệp: 1900.6568
– Công ty Cổ Phần. Đặc điểm:
+ Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
+ Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;
+ Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
+ Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác.
+ Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
+ Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần các loại để huy động vốn.
+ Công ty cổ phần phải có Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc (Tổng giám đốc), đối với công ty cổ phần có trên mười một cổ đông phải có Ban kiểm soát.
+ Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
+ Số lượng cổ đông tối thiểu là ba và không hạn chế số lượng tối đa.
Công ty cổ phần phù hợp với mô hình kinh doanh lớn, đa dạng lĩch vực, ngành nghề, khả năng huy động vốn cao, mọi người đều có thể trở thành thành viên . Tuy nhiên, Việc quản lý và điều hành công ty cổ phần rất phức tạp do số lượng các cổ đông có thể rất lớn, có nhiều người không hề quen biết nhau và thậm chí có thể có sự phân hóa thành các nhóm cổ động đối kháng nhau về lợi ích.
– Công ty Hợp Danh: là doanh nghiệp phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn. Đặc điểm:
+ Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;
+ Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
+ Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
+ Công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
Công ty hợp danh là kết hợp được uy tín cá nhân của nhiều người. Việc điều hành quản lý công ty không quá phức tạp do số lượng các thành viên ít và là những người có uy tín, tuyệt đối tin tưởng nhau. Tuy nhiên, cũng như doanh nghiệp tư nhân, mức độ rủi ro cao do chế độ chịu trách nhiệm vô hạn của thành viên hợp danh.
– Hộ kinh doanh: Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.
Như vậy, tùy thuộc vào quy mô kinh doanh, phạm vi kinh doanh cũng như vốn, .. đối chiếu với các đặc điểm của các mô hình doanh nghiệp trên để lựa chọn loại hình phù hợp với nhu cầu thực tế của gia đình bạn.
Thứ hai, về việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm:
Căn cứ Thông tư số 26/2012/TT-BYT thì việc kinh doanh tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bao gồm thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nước khoáng thiên nhiên đóng chai, nước uống đóng chai và bao bì, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm đều phải được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trừ những trường hợp quy định tại Điều 9 Thông tư số 26/2012/TT-BYT như sau:
"1. Cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng ban đầu nhỏ lẻ.
2. Cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ không có yêu cầu bảo quản sản phẩm đặc biệt.
3. Cơ sở bán hàng rong.
4. Cơ sở kinh doanh bao gói sẵn không yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt.
5. Cơ sở kinh doanh bao bì, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.
6. Nhà thuốc đã được cấp Giấy chứng nhận đạt GPP có kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng."
Nếu trường hợp kinh doanh của bạn không thuộc các trường hợp trên thì bạn phải xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Thứ ba, Về việc mở rộng quy mô kinh doanh ngoài địa bàn tỉnh:
– Trường hợp bạn đăng ký kinh doanh mô hình hộ kinh doanh , căn cứ Điều 72 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP, bạn không được mở thêm địa điểm kinh doanh hoặc chi nhánh ở địa bàn tỉnh khác.
– Trường hợp bạn đăng ký kinh doanh với các mô hình doanh nghiệp còn lại: Theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP, nếu bạn muốn thành lập cơ sở trong cùng tỉnh thì bạn thành lập địa điểm kinh doanh; nếu bạn muốn thành lập cơ sở khác tỉnh thì bạn thành lập chi nhánh.