Khi chủ đầu tư được giao nhiệm vụ quản lý dự án đầu tư công muốn được thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn dự án thì sẽ lập tờ trình gửi cho Cơ quan chủ trì thẩm định để được xem xét. Vậy Tờ trình thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn dự án là gì?
Mục lục bài viết
1. Tờ trình thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn dự án là gì?
Tờ trình thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn dự án là văn bản do chủ đầu tư dự án gửi cho Cơ quan chủ trì thẩm định trong trường hợp muốn thực hiện thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn dự án ( là một nội dung trong thẩm định chủ trương đầu tư).
Chủ đầu tư là cá nhân, cơ quan, tổ chức được giao trực tiếp quản lý dự án đầu tư công.
Theo khoản 7, Điều 4, Luật Đầu tư công 2019: “Chủ trương đầu tư là quyết định của cấp có thẩm quyền về những nội dung chủ yếu của chương trình, dự án đầu tư, làm căn cứ để lập, trình và phê duyệt quyết định đầu tư chương trình, dự án đầu tư, quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư công.”
Căn cứ vào Luật Dầu tư công 2019 thì, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với chương trình, dự án sau đây:
+ Chương trình mục tiêu quốc gia;
+ Dự án quan trọng quốc gia;
+ Chương trình đầu tư công do Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư;
+ Chương trình, dự án đầu tư công do Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
Ngoài ra, người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương giao cơ quan chuyên môn quản lý đầu tư công chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công thuộc cơ quan mình quản lý. Và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp giao cơ quan chuyên môn quản lý đầu tư công chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với chương trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công thuộc cấp mình quản lý.
Tờ trình nguồn vốn và khả năng cân đối vốn dự án là văn bản chứa đựng những thông tin về chủ đầu tư được giao quản lý dự án đầu tư công, dự án đầu tư, nội dung thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn dự án, hồ sơ kèm theo tờ trình,… Ngoài ra, tờ trình nguồn vốn và khả năng cân đối vốn dự án còn là giấy tờ pháp lý để Cơ quan chủ trì thẩm định xem xét và thực hiện việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn dự án.
2. Mẫu tờ trình thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn dự án:
TÊN CƠ QUAN
——-
Số: ……
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
Địa danh, ngày ….. tháng ….. năm …
TỜ TRÌNH
Thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn dự án ……
Kính gửi: (Cơ quan chủ trì thẩm định)
Căn cứ Luật Đầu tư công 2019;
Các căn cứ pháp lý khác (có liên quan),
(Tên cơ quan) trình (Cơ quan chủ trì thẩm định) thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn dự án (Tên dự án) với các nội dung chính sau:
I. THÔNG TIN CHUNG DỰ ÁN
1. Tên dự án:
2. Dự án nhóm:
3. Cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án:
4. Cấp quyết định đầu tư dự án:
5. Tên chủ đầu tư (nếu có):
6. Địa điểm thực hiện dự án:
7. Dự kiến tổng mức đầu tư dự án: (trong đó làm rõ nguồn vốn đầu tư và mức vốn cụ thể theo từng nguồn, phân kỳ đầu tư sử dụng nguồn vốn theo thời gian cụ thể).
8. Nguồn vốn đề nghị thẩm định:
9. Ngành, lĩnh vực, chương trình sử dụng nguồn vốn đề nghị thẩm định:
10. Thời gian thực hiện (tiến độ và phân kỳ đầu tư thực hiện dự án):
11. Hình thức đầu tư của dự án:
12. Các thông tin khác (nếu có):
II. DANH MỤC HỒ SƠ KÈM THEO
1. Theo quy định tại Điều 21 của Nghị định này.
2. Lệnh khẩn cấp của cấp có thẩm quyền (đối với dự án khẩn cấp).
(Tên cơ quan) trình (Cơ quan chủ trì thẩm định) xem xét, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của dự án (Tên dự án)./.
Nơi nhận:
– Như trên;
– Cơ quan quyết định chủ trương đầu tư dự án;
– Các cơ quan liên quan khác;
– Lưu: ……
ĐẠI DIỆN CƠ QUAN TRÌNH
(Ký, ghi rõ họ tên, chức vụ và đóng dấu)
Tên người đại diện
3. Hướng dẫn viết tờ trình thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn dự án:
Phần kính gửi của Tờ trình nguồn vốn và khả năng cân đối vốn dự án thì người lập tờ trình cần ghi rõ ràng Cơ quan chủ trì thẩm định ( Bộ kế hoạch và đầu tư).
Phần nội dung của Tờ trình nguồn vốn và khả năng cân đối vốn dự án thì yêu cầu người lập trờ trình sẽ cung cấp đầy đủ những thông tin vè chủ đầu tư, cơ quan chủ trì thẩm định, dự án( tên, hình thức đầu tư, nguồn vốn đề nghị thẩm định, thời gian thực hiện,..). Chủ đầu tư sẽ ghi cụ thể danh mục hồ sơ, tài liệu kèm theo tờ trình.
Cuối Tờ trình nguồn vốn và khả năng cân đối vốn dự án người đại diện cơ quan trình ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu.
4. Thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn dự án:
4.1. Hồ sơ thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn chương trình, dự án:
Căn cứ vào Luật Đầu tư công và
+ Tờ trình đề nghị thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn gửi cơ quan được phân công thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn;
+ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án nhóm A, Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu, dự án nhóm B, nhóm C theo quy định của Luật Đầu tư công và Điều 19 của Nghị định 136/2015/NĐ-CP;
+ Báo cáo thẩm định nội bộ;
+ Các tài liệu liên quan khác (nếu có).
Ngoài ra, Cơ quan chủ trì thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo quy định tại Điều 38 của Luật Đầu tư công 2019 có thể yêu cầu chủ chương trình và cơ quan quản lý dự án bổ sung số lượng hồ sơ thẩm định nếu thấy cần thiết.
4.2. Nội dung thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn chương trình, dự án:
Căn cứ theo Điều 25, Nghị định 136/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công quy định về Nội dung thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của chương trình, dự án như sau:
“1. Sự tuân thủ các thủ tục, thẩm định nội bộ, hoàn thiện hồ sơ chương trình, dự án.
2. Sự phù hợp của chương trình, dự án đối với nguồn vốn đầu tư; sự phù hợp về mục đích, đối tượng đầu tư bằng nguồn vốn dự kiến sử dụng.
3. Khả năng bố trí vốn cho chương trình, dự án trong tổng số vốn kế hoạch đầu tư trung hạn của từng ngành, lĩnh vực, chương trình, của từng Bộ, ngành trung ương và địa phương theo thứ tự ưu tiên quy định tại Luật Đầu tư công và pháp luật có liên quan.
Khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước, có phân chia cơ cấu ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, công trái quốc gia, trái phiếu Chính phủ, các khoản thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác. Việc xem xét khả năng cân đối vốn căn cứ vào dự kiến nhu cầu vốn của chương trình, dự án đầu tư công trong tổng vốn đầu tư theo từng nguồn vốn của kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm. Đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước, phải xem xét khả năng cân đối vốn của từng cấp ngân sách, phần vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới, bao gồm vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn chương trình mục tiêu và các khoản bổ sung khác.
4. Mức vốn dự kiến bố trí cho dự án theo từng nguồn vốn và tiến độ thời gian bố trí vốn cụ thể.
5. Các ý kiến khác (nếu có).”
Theo như quy định của pháp luật thì khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước, có phân chia cơ cấu ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, công trái quốc gia, trái phiếu Chính phủ, các khoản thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Sau đó, Cơ quan chủ trì thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn gửi Báo cáo thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo quy định sau: Đối với chương trình đầu tư công được cấp có thẩm quyền thành lập Hội đồng thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình: gửi Hội đồng thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.
Đồng thời, trong quá trình thẩm định chương trình, dự án đầu tư công thì Cơ quan chủ trì thẩm định phải rà soát, đối chiếu với các quy định trong quyết định chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Những chỉ tiêu về quy mô, tổng mức đầu tư của dự án, bao gồm cơ cấu vốn không được vượt quá mức đã quy định trong quyết định chủ trương đầu tư.
Trong trường hợp thật cần thiết phải điều chỉnh tăng quy mô, làm tăng tổng mức đầu tư của chương trình, dự án so với quy định tại quyết định chủ trương đầu tư phải báo cáo cơ quan quyết định chủ trương đầu tư cho ý kiến và phải thẩm định lại nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Nếu điều chỉnh tăng quy mô nhưng không làm tăng tổng mức đầu tư và vẫn bảo đảm mục tiêu của dự án như trong quyết định chủ trương đầu tư thì không phải thẩm định lại nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.
Căn cứ pháp lý:
– Luật Đầu tư công 2019;
– Nghị định 136/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công (Đã hết hiệu lực, tuy nhiên hiện nay chưa có Nghị định Hướng dẫn Luật Đầu tư công 2019 do vậy Luật Dương Gia sẽ sử dụng Nghị định 136/2015/NĐ-CP).