Không thanh toán được nợ có bị xử lý kê biên tài sản thuộc sở hữu chung. Trách nhiệm thanh toán nợ của người vay tài sản.
Không thanh toán được nợ có bị xử lý kê biên tài sản thuộc sở hữu chung. Trách nhiệm thanh toán nợ của người vay tài sản.
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi vay ngân hàng 1 tỷ, tôi có căn nhà và tôi và A thỏa thuận sở hữu chung căn nhà đó trong thời hạn 5 năm.1 năm sau tới thời hạn trả nợ ngân hàng, nhưng tôi không trả được và cũng không còn tài sản nào khác ngoài phần sở hửu chung căn căn nhà đó. Hỏi: ngân hàng có quyền yêu cầu bán quyền sở hữu chung căn nhà đó không? và thỏa thuận duy trì TS chung giữa Tôi và A có bị ràng buộc bởi ngân hàng không?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý
– Điều 463, 464,465 Bộ luật dân sự 2015.
– Điều 186 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
– Điều 1 Luật thi hành án dân sự 2008 sửa đổi, bổ sung 2014.
2. Giải quyết vấn đề
Khi bạn giao kết hợp đồng vay tài sản bạn phải có trách nhiệm thanh toán nợ nếu đến hạn. Trường hợp bạn không thực hiện thanh toán có thể ngân hàng sẽ áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu để yêu cầu bạn thanh toán. Khi các biện pháp nghiệp vụ xử lý nợ xấu không có kết quả ngân hàng có quyền khởi kiện theo quy định Điều 186 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Sau khi thực hiện quyền khởi kiện, đơn được thụ lý, các bên tham gia hòa giải, giải quyết vụ án và có quyết định của Hội đồng xét xử thì bên bị đơn là bạn sẽ có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ theo bản án mà Tòa án đã tuyên. Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. Nếu trong thời hạn nêu trên người phải thi hành án là bạn có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế.
Theo đó, các biện pháp cưỡng chế thi hành án gồm:
– Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.
– Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.
– Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.
– Khai thác tài sản của người phải thi hành án.
– Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.
– Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.
Trường hợp bạn không còn tài sản riêng nào tuy nhiên như nội dung bạn trình bày thì bạn đang có quyền sở hữu chung tài sản với một người khác, bạn đang không biết có bị kê biên tài sản của bạn thuộc sở hữu chung hay không. Căn cứ theo quy định tại Khoản 31 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 thì bạn vẫn bị kê biên tài sản. Tài sản là nhà nên việc chia được áp dụng như sau:
+ Đối với tài sản chung có thể chia được thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế phần tài sản tương ứng với phần sở hữu của người phải thi hành án.
>>> Luật sư tư vấn kê biên tài sản khi không thanh toán được nợ: 1900.6568
+ Đối với tài sản chung không thể chia được hoặc nếu việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với toàn bộ tài sản và thanh toán cho chủ sở hữu chung còn lại giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.
Như vậy, khi bạn vay tiền bạn phải có trách nhiệm thanh toán khoản tiền bạn vay, trường hợp bạn vi phạm và bị khởi kiện thì bạn sẽ bị cưỡng chế kê biên tài sản riêng, chung mà bạn đang sở hữu.