Vay tiền tiêu dùng bằng chứng minh thư nhân dân. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Vay tiền tiêu dùng bằng chứng minh thư nhân dân. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi có trường hợp này nhờ luật sư giải đáp giúp: một người có cmnd làm năm 2009, rồi đến 10/2/2016 họ làm lại cmnd mới với số mới, nhưng cmnd cũ vẫn giữ, rồi đến 23/2/2016 họ ra ngân hàng A vay tín chấp số tiền là 150 triệu bằng cách sử dụng cmnd cũ, sau đó đến tháng 6/2016 họ lại ra vay tín châp ngân hàng B với số tiền 120 triệu bằng cmnd mới, tranh thủ trong lúc hồ sơ vay chưa đưa lên hệ thống vay, họ vay tín chấp bên ngân hàng C với số tiền 100 triệu. Vậy họ có phạm tội cố tình lừa đảo không? (vì đã cố ý dùng cmnd cũ đi vay ngân hàng A) và nếu phạm tội họ sẽ bị xử ra sao, rất mong luật sư giúp, cám ơn.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc trên, chuyên viên Đinh Đắc Dương (máy lẻ 116) đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
– Căn cứ pháp lý:
+ Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009
+ Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BCA
– Nội dung tư vấn:
Theo quy định tại Văn bản hợp nhất số 03/VNHN-BCA, khi tiến hành thủ tục xin cấp đổi chứng minh thư nhân dân thì cơ quan có thẩm quyền sẽ yêu cầu người xin cấp đổi chứng minh thư nhân dân nộ lại chứng minh thư nhân dân cũ và tiến hành cắt góc sau đó cấp một chứng minh thư nhân dân mới. Chứng minh thư nhân dân cũ bị cắt góc sẽ không thể tiếp tục sử dụng. Do đó, có thể cơ quan công an tại đây không cắt góc chứng minh thư nhân dân cũ nên người này vẫn có thể sử dụng chứng minh thư cũ để vay tiền ngân hàng và việc sử dụng chứng minh thư cũ đi vay không phải trong mọi trường hợp người sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu người này không biết việc mình không được phép sử dụng chứng minh thư cũ sau khi đã có chứng minh mới và cũng không nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản bao gồm toàn bộ số tiền vay thì xét về lỗi và tính chất hành vi người này sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bản chất của vay tín chấp là dựa trên uy tín của người này, không dựa theo một giấy tờ có giá hoặc giấy tờ về quyền tài sản để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ đó, đây không phải là một giao dịch bảo đảm nên dù chứng minh thư nhân dân đã không thể sử dụng thì cũng sẽ không có nhiều ảnh hưởng, vì dù có sai lệch về thông tin thì người này và ngân hàng cũng có thể sửa đổi lại thông tin trong hợp đồng, hoặc ngân hàng có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn hoặc lừa dối.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật về lừa đảo việc vay tiền tiêu dùng: 1900.6568
Nếu người này biết rõ không được sử dụng chúng minh thư đã không còn được phép sử dụng mà vẫn cố ý sử dụng nhằm mục đích để ngân hàng nắm bắt sai lệch thông tin khi tiến hành thu hồi nợ và có cơ hội trốn tránh nghĩa vụ thì người này có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009.