Vợ biết chồng thực hiện hành vi vận chuyển gỗ trái phép có bị xử phạt không? Thẩm quyền xử phạt hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật.
Vợ biết chồng thực hiện hành vi vận chuyển gỗ trái phép có bị xử phạt không? Thẩm quyền xử phạt hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật.
Tóm tắt câu hỏi:
xin hỏi luật gia về trường hợp sau: hai vợ chồng là chủ sở hữu của một xe tải và có vận chuyển gỗ lậu. Lúc đầu người chồng nhận hợp đồng bằng miệng là vận chuyển gỗ cho người khác nhưng không có mặt người vợ ở đó. Sau khi xe vào rừng bốc gỗ người vợ có hỏi chồng là đi đâu thì lúc đó người chồng mới nói là đi chở gỗ thuê vì đã nhận lời của người ta rồi, lúc này người vợ mới biết nhưng không có ngăn cản hành vi của chồng mà vẫn để cho xe tới chỗ bốc gỗ. Sau khi bốc gỗ xong xe ra khỏi rừng chạy được một đoạn thì bị kiểm lâm phát hiện và lập hồ sơ xử phạt chồng 30 triệu và vợ 30 về cùng hành vi vận chuyển gỗ lậu. Vậy xin luật sư cho biết đối với trường hợp này thì kiểm lâm đã phạt đúng người, đúng tội chưa. việc phạt cả hai vơ chồng có đảm bảo theo quy định không hay là chỉ phạt một người chồng. ?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Cơ sở pháp lý:
– Luật xử phạt vi phạm hành chính 2012;
Nội dung tư vấn:
Người có hành vi vận chuyển lâm sản mà không có hồ sơ hợp pháp hoặc có hồ sơ hợp pháp nhưng hồ sơ không phù hợp với lâm sản thực tế vận chuyển; gỗ không có dấu búa kiểm lâm theo quy định của pháp luật thì bị phạt tiền theo quy định tại Điều 22 Nghị định 157/2013/NĐ-CP. Và hành vi vận chuyển lâm sản bao gồm từ thời điểm tập kết lâm sản để xếp lên phương tiện vận chuyển hoặc đã xếp lâm sản lên phương tiện vận chuyển.
Theo như bạn trình bày thì chồng bạn nhận hợp đồng bằng miệng là vận chuyển gỗ cho người khác nhưng không có mặt người vợ ở đó. Sau khi xe vào rừng bốc gỗ người vợ có hỏi chồng là đi đâu thì lúc đó người chồng mới nói là đi chở gỗ thuê vì đã nhận lời của người ta rồi, lúc này người vợ mới biết nhưng không có ngăn cản hành vi của chồng mà vẫn để cho xe tới chỗ bốc gỗ. Sau khi bốc gỗ xong xe ra khỏi rừng chạy được một đoạn thì bị kiểm lâm phát hiện. Điều này có nghĩa là khi người chồng thực hiện hành vi vi phạm, người vợ có mặt và biết về việc chồng mình thực hiện hành vi xếp gỗ lên xe. Đồng thời, cả hai vợ chồng đều có hành vi vận chuyển đi – xe đã chạy được một đoạn. Do đó, nếu cả hai vợ chồng đều có hành vi vận chuyển gỗ mà không có giấy tờ hợp pháp theo quy định thì cả hai sẽ bi xử phạt hành chính về hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật.
Do bạn không nói rõ là bạn vận chuyển gỗ thuộc loại gì, giá trị của gỗ là bao nhiêu và số lượng thế nào nên chúng tôi không thể tư vấn chính xác mức phạt mà vợ chồng bạn phải chịu. Vì thế, bạn có thể tham khảo quy định về mức phạt đối với việc vận chuyển gỗ dưới đây để xem xét về mức phạt của mình.
Một, đối với gỗ không thuộc loài nguy cấp, quý hiếm:
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật có tang vật dưới 1m3
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật có tang vật từ 1m3 đến 1,5m3
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi chuyển lâm sản trái pháp luật có tang vật từ trên 1,5m3 đến 3m3
Hai, đối với gỗ thuộc loài nguy cấp, quý hiếm nhóm IA:
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi chuyển lâm sản trái pháp luật có tang vật dưới 0,3m3
– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật có tang vật từ 0,3m3 đến 0,5m3
– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật có tang vật từ trên 0,5m3 đến 0,7m3
– Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật có tang vật từ trên 0,7m3 đến 1m3
– Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật có tang vật từ trên 1m3 đến 1,5m3
Bên cạnh đó, Điều 26 Nghị định 157/2013/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của kiểm lâm như sau:
– Kiểm lâm viên đang thi hành công vụ có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 500.000 đồng.
– Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 10.000.000 đồng. Đồng thời tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 10.000.000 đồng.
– Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng, có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 25.000.000 đồng; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 25.000.000 đồng Và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các Điểm a, b, c, đ và i Khoản 1, Điều 28, Luật xử lý vi phạm hành chính; Khoản 1 và Khoản 2 Điều 4 Nghị định 157/2013/NĐ-CP.
>>> Luật sư tư vấn pháp luậtvề hành vi vận chuyển gỗ trái phép: 1900.6568
– Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Đội trưởng Đội Kiểm lâm đặc nhiệm Cục Kiểm lâm có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 50.000.000 đồng; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 50.000.000 đồng. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn (kể cả hoạt động khai thác khoáng sản trên đất lâm nghiệp) quy định tại Nghị định 157/2013/NĐ-CP. Bên cạnh đó, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các Điểm a, b, c, đ và i Khoản 1, Điều 28, Luật xử lý vi phạm hành chính; Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 4 Nghị định 157/2013/NĐ-CP.
– Cục trưởng Cục Kiểm lâm có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn (kể cả hoạt động khai thác khoáng sản trên đất lâm nghiệp) quy định tại Nghị định 157/2013/NĐ-CP. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các Điểm a, b, c, đ và i Khoản 1, Điều 28, Luật xử lý vi phạm hành chính, Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 4 Nghị định 157/2013/NĐ-CP.
Bạn có nêu là vợ chồng bạn bị kiểm lâm lập hồ sơ xử phạt chồng 30 triệu và vợ 30 về cùng hành vi vận chuyển gỗ lậu. Tuy nhiên, bạn không nói rõ kiểm lâm phạt bạn có vị trí công tác nào trong 5 vị trí công tác nêu trên nên có hai trường hợp xảy ra:
+ Với giá trị xử phạt là 30 triệu đồng thì nếu người xử phạt bạn là kiểm lâm viên, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thì việc xử phạt này đã vượt quá thẩm quyền cho phép xử phạt nên hành vi này là hành vi trái pháp luật.
+ Nếu người xử phạt bạn là Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Đội trưởng Đội Kiểm lâm đặc nhiệm Cục Kiểm lâm, Cục trưởng Cục kiểm lâm thì mức phạt dành cho bạn như thế là hoàn toàn đúng pháp luật.