Luật sư tư vấn một số vấn đề về hộ khẩu gia đình và quyền định đoạt tài sản. Vợ chồng tôi bán nhà có cần sự đồng ý của người khác không?
Luật sư tư vấn một số vấn đề về hộ khẩu gia đình và quyền định đoạt tài sản. Vợ chồng tôi bán nhà có cần sự đồng ý của người khác không?
Tóm tắt câu hỏi:
Kính gửi Luật Dương Gia Hiện tại tôi và chồng tôi sống tại chung cư chồng tôi đứng tên chủ hộ, mẹ chồng và em chồng tôi có khẩu riêng cùng địa chỉ trên Xin Luật Dương Gia tư vấn giúp tôi :
– Làm thế nào để tách khẩu mẹ, em chồng tôi ra khỏi địa chỉ trên do không ở đây từ rất lâu rồi.
– Khi bán nhà mẹ, em chồng tôi có quyền ngăn cản vợ chồng tôi hay không? Trân trọng cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Về hộ khẩu cấp cho hộ gia đình, Điều 25 Luật cư trú 2006 quy định:
“Điều 25. Sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình
1. Sổ hộ khẩu được cấp cho từng hộ gia đình. Mỗi hộ gia đình cử một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ làm chủ hộ để thực hiện và hướng dẫn các thành viên trong hộ thực hiện quy định về đăng ký, quản lý cư trú. Trường hợp không có người từ đủ mười tám tuổi trở lên hoặc có người từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì được cử một người trong hộ làm chủ hộ.
Những người ở chung một chỗ ở hợp pháp và có quan hệ gia đình là ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cháu ruột thì có thể được cấp chung một sổ hộ khẩu.
2. Nhiều hộ gia đình ở chung một chỗ ở hợp pháp thì mỗi hộ gia đình được cấp một sổ hộ khẩu.
3. Người không thuộc trường hợp quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều này nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật này và được chủ hộ đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình thì được nhập chung vào sổ hộ khẩu đó.”
Như vậy có thể thấy, trên thực tế hộ gia đình bạn và hộ gia đình của mẹ chồng và em chồng bạn được cấp hai Sổ hộ khẩu riêng biệt tại địa chỉ nhà bạn và vợ chồng bạn muốn tách khẩu của mẹ và em chồng bạn ra khỏi địa chỉ nhà bạn đang sinh sống đó. Vì trên thực tế, mẹ và em chồng bạn đã không còn sống tại địa chỉ nhà bạn nên có hai trường hợp có thể xảy ra:
+ Mẹ và em chồng bạn phải thực hiện thủ tục điều chỉnh thay đổi trong sổ hộ khẩu nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 29 Luật cư trú 2006:
“4. Trường hợp chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới trong phạm vi xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh; chuyển đi trong cùng một huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc trung ương; chuyển đi trong cùng một thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì chủ hộ hoặc người trong hộ hoặc người được uỷ quyền phải làm thủ tục điều chỉnh. Người đến làm thủ tục điều chỉnh phải nộp phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; xuất trình sổ hộ khẩu; giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp mới.”
+ Nếu chuyển đến nơi ở mới mà không thuộc các trường hợp nói trên thì thuộc trường hợp xóa đăng ký thường trú theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 22 Luật cư trú 2006:
“đ) Đã đăng ký thường trú ở nơi cư trú mới; trong trường hợp này, cơ quan đã làm thủ tục đăng ký thường trú cho công dân ở nơi cư trú mới có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan đã cấp giấy chuyển hộ khẩu để xoá đăng ký thường trú ở nơi cư trú cũ.”
Cũng cần thấy rằng, vì là hai hộ gia đình cùng được cấp sổ hộ khẩu hợp pháp nên gia đình bạn không có quyền thực hiện thủ tục để tách hộ khẩu của gia đình mẹ chồng bạn ra khỏi địa chỉ nhà bạn. Việc thực hiện các thủ tục liên quan đến hộ khẩu phải do chủ hộ, các thành viên trong hộ hoặc người được những người trên ủy quyền thực hiện và công việc mà bạn cần thực hiện trong trường hợp này là yêu cầu cơ quan công an xem xét việc xóa đăng ký thường trú ở nơi cư trú nếu đủ điều kiện để xóa.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật về thủ tục xóa đăng ký thường trú: 1900.6568
Thứ hai, về hình thức sở hữu đối với căn nhà. Bạn cần căn cứ vào Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà hoặc các giấy tờ liên quan để xác định ai là chủ sở hữu thực sự của căn nhà mà vợ chồng bạn đang sinh sống. Căn nhà là tài sản chung của hộ gia đình khi và chỉ khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 212 Bộ luật dân sự 2015:
“Điều 212. Sở hữu chung của các thành viên gia đình
1. Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
2. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định tại Bộ luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 213 của Bộ luật này.”
Cũng theo quy định trên, chỉ khi được xác định là tài sản chung của gia đình thì việc định đoạt tài sản đó mới cần đến sự đồng ý của các thành viên khác trong gia đình. Trong trường hợp của bạn, mẹ và em chồng của bạn có hộ khẩu trong cùng một địa chỉ của vợ chồng bạn chứ không phải thành viên trong hộ gia đình bạn. Do bạn không nói rõ thông tin về căn nhà, bạn cần căn cứ vào quy định trên và thực tế trường hợp của gia đình để xác định chính xác quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên với căn nhà.