Quy định pháp luật về tổ chức giam giữ phạm nhân Chế độ học tập, lao động của phạm nhân tại trại giam? Chế độ lao động của phạm nhân tại trại giam?
Đối với mỗi cá nhân bị
Luật sư
1. Quy định pháp luật về tổ chức giam giữ phạm nhân
Tại Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định về tổ chức giam giữ phạm nhân như sau:
“Điều 30. Giam giữ phạm nhân
1. Trại giam tổ chức giam giữ phạm nhân như sau:
a) Khu giam giữ đối với phạm nhân có mức án phạt tù trên 15 năm, tù chung thân, phạm nhân thuộc trường hợptái phạm nguy hiểm;
b) Khu giam giữ đối với phạm nhân có mức án phạt tù từ 15 năm trở xuống; phạm nhân có mức án phạt tù trên 15 năm đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù và thời hạn chấp hành án còn lại dưới 15 năm; phạm nhân thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm, đã chấp hành một phần hai thời hạn chấp hành án phạt tù và đã được giảm thời hạn chấp hành án;
c) Buồng kỷ luật đối với phạm nhân bị kỷ luật.
2. Trong các khu giam giữ quy định tại khoản 1 Điều này, những phạm nhân dưới đây được bố trí giam giữ riêng:
a) Phạm nhân nữ;
b) Phạm nhân là người dưới 18 tuổi;
c) Phạm nhân là người nước ngoài;
d) Phạm nhân là người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm;
đ) Phạm nhân có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình trong thời gian chờ quyết định của Tòa án;
e) Phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại giam;
g) Phạm nhân thường xuyên vi phạm nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân.
3. Phạm nhân là người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, người chưa xác định rõ giới tính có thể được giam giữ riêng.
4. Trong trại tạm giam, những phạm nhân quy định tại điểm a và điểm g khoản 2 Điều này được bố trí giam giữ riêng.
5. Phạm nhân được chia thành các đội, tổ để lao động, học tập và sinh hoạt. Căn cứ vào tính chất của tội phạm, mức hình phạt, đặc điểm nhân thân của phạm nhân, kết quả chấp hành án, Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam quyết định việc phân loại, chuyển khu giam giữ.”
Từ quy định trên, có thể thấy về cơ bản, thì trại giam được chia thành 3 khu chính đó chính là khu giam giữ đối với các phạm nhân có mức án phạt tù trên 15 năm, tù chung thân hoặc phạm nhân thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm; khu giam giữ đối với phạm nhân có mức án dưới 15 năm tù, phạm nhân có mức án phạt tù trên 15 năm đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù và thời hạn chấp hành án còn lại dưới 15 năm,….và buồng kỷ luật.
Đối với từng khu giam giữ thì trong đó sẽ có phân riêng thành các phòng (tiểu khu) giam giữ riêng cho các phạm nhân là nữ, người dưới 18 tuổi, là người nước ngoài, là người mắc bệnh truyền nhiễm, phạm nhân có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi hoặc có con dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại giam; phạm nhân là người thường xuyên vi phạm nội quy cơ sở giam giữ. Bên cạnh đó, những phạm nhân là người đồng tính, người chuyển giới, người chưa xác định giới tình có thể được giam giữ riêng. Các phạm nhân là nữ giới và phạm nhân thường xuyên vi phạm nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân thì sẽ được giam giữ thành các khu riêng trong trại giam.
Pháp luật quy định việc chia thành các khu, phòng giam đối với từng đối tượng phạm nhân khác nhau nhằm mục đích bảo đảm các quyền cơ bản của các phạm nhân. Mỗi đối tượng phạm nhân có những nhu cầu, cũng như đặc điểm sinh lý khác nhau ví dụ phạm nhân là người dưới 18 tuổi cần có những điều kiện sinh hoạt khác so với các phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại giam, do vậy cần phải có những chế độ khác nhau dành cho mỗi loại đối tượng khác nhau. Đồng thời, việc phân chia phạm nhân thành các khu giam giữ khác nhau cũng tránh các tiêu cực phát sinh trong trại giam, ví dụ như việc giam giữ chung phạm nhân nam và phạm nhân nữ thì dễ dẫn đến việc phạm nhân nữ mang thai hoặc phạm nhân nữ có thể bị hiếp dâm,…
Trong trại giam thì các phạm nhân được chia thành các đội, tổ để lao động, học tập và sinh hoạt. Việc phân loại, chuyển khu gia giữ được dựa trên các căn cứ như tính chất của tội phạm, mức hình phạt của phạm nhân, đặc điểm nhân thân của phạm nhân, và kết quả thi hành án.
2. Chế độ học tập, lao động của phạm nhân tại trại giam
Bên cạnh việc chấp hành hình phạt tù thì trong trại giam, các phạm nhân sẽ tham gia học tập, lao động trong trại giam.
Phạm nhân được phổ biến pháp luật, giáo dục công dân và được học văn hóa, học nghề. Phạm nhân chưa biết chữ phải học văn hóa để xóa mù chữ. Phạm nhân là người nước ngoài được khuyến khích học tiếng Việt. Phạm nhân được bố trí 01 ngày trong tuần để học tập, học nghề, trừ ngày chủ nhật, lễ, tết theo quy định của pháp luật. Việc pháp luật quy định phạm nhân tham gia phổ biến pháp luật, giáo dục công dân nhằm rèn luyện đạo đức cho phạm nhân, để phạm nhân biết được pháp luật, ngăn ngừa tái phạm,… Việc học văn hóa đồng giúp nâng cao trình độ của phạm nhân, kết hợp với việc học nghề tạo ra cơ hội cho phạm nhân sau khi chấp hành xong án phạt tù có thể dễ dàng hòa nhập với cộng đồng, có một công việc, nghề nghiệp ổn định, từ đó mang ý nghĩa xã hội đó chính là phòng tránh việc tái phạm, gia tăng các loại tội phạm khác. Việc học tập, học nghề là hoạt động bắt buộc đối với phạm nhân được thực hiện hằng tuần.
Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện tổ chức dạy học cho phạm nhân dựa trên các căn cứ như yêu cầu quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân và thời hạn chấp hành án, trại giam, trại tạm giam tổ chức dạy học cho phạm nhân và căn cứ vào các điều kiện thực tế. Chương trình, nội dung học tập, học nghề của phạm nhân dựa trên các quy định của Chính phủ.
3. Chế độ lao động của phạm nhân tại trại giam
Bên cạnh hoạt động học tập, học nghề thì phạm nhân còn được tổ chức lao động. Theo đó, theo Luật Thi hành án hình sự quy định tại Điều 32 như sau:
“Điều 32. Chế độ lao động của phạm nhân
1. Phạm nhân được tổ chức lao động phù hợp với độ tuổi, sức khỏe và đáp ứng yêu cầu quản lý, giáo dục, hòa nhập cộng đồng. Phạm nhân lao động phải dưới sự giám sát, quản lý của trại giam, trại tạm giam. Thời giờ lao động của phạm nhân không quá 08 giờ trong 01 ngày và 05 ngày trong 01 tuần, được nghỉ vào các ngày chủ nhật, lễ, tết theo quy định của pháp luật. Trường hợp đột xuất hoặc thời vụ, Giám thị trại giam có thể yêu cầu phạm nhân làm thêm giờ nhưng không được vượt quá tổng số giờ làm thêm trong ngày theo quy định của pháp luật về lao động. Trường hợp phạm nhân lao động thêm giờ hoặc lao động trong ngày nghỉ thì được nghỉ bù hoặc được bồi dưỡng bằng tiền, hiện vật.
Trại giam phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho phạm nhân.
2. Phạm nhân nữ được bố trí làm công việc phù hợp với giới tính; không được bố trí làm công việc không sử dụng lao động nữ theo quy định của pháp luật về lao động.
3. Phạm nhân bị bệnh hoặc có nhược điểm về thể chất, tâm thần thì tùy mức độ, tính chất của bệnh và trên cơ sở chỉ định của y tế trại giam, trại tạm giam được miễn hoặc giảm thời gian lao động.
4. Phạm nhân được nghỉ lao động trong các trường hợp sau đây:
a) Phạm nhân bị bệnh, không đủ sức khỏe lao động và được y tế trại giam xác nhận;
b) Phạm nhân đang điều trị tại cơ sở y tế;
c) Phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi đang ở cùng mẹ trong trại giam mà bị bệnh, được y tế trại giam xác nhận;
d) Phạm nhân nữ có thai được nghỉ lao động trước và sau khi sinh con theo quy định của pháp luật về lao động.”
Như vậy, có thể thấy hoạt động lao động chính là hoạt động chính của các phạm nhân trong trại giam. Hoạt động lao động của phạm nhân được thực hiện như trồng trọt, chăn nuôi, thực hiện hoạt động lao động nghề nghiệp như hoạt động may quần áo, sản phẩm, nghề mây tre đan,… Việc lao động của phạm nhân dựa trên với độ tuổi, sức khỏe cũng như các yêu cầu khác để phân công nhiệm vụ lao động cho phạm nhân, cần đảm bảo thời gian lao động của phạm nhân trong một ngày và trong một tuần. Các cán bộ trại giam có trách nhiệm giám sát, quản lý phạm nhân lao động, đồng thời trại giam cũng cần đảm bao an toàn, vệ sinh lao động cho phạm nhân. Các phạm nhân được phân công công việc dựa trên đặc điểm sức khỏe, giới tính và tình trạng của phạm nhân. Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định về các trường hợp phạm nhân được nghỉ lao động.